Sự kiện

Chuyện của người vận hành trạm biến áp

Thứ ba, 15/1/2013 | 09:12 GMT+7
Xin được tạm gọi như vậy vì trong danh mục nghề vẫn chưa có tên. Chỉ có những người trong ngành điện và gia đình hoặc một số ít người trong xã hội biết đó là nghề vận hành trạm biến điện.

Nhưng đó là công việc đã gắn bó với tôi suốt 28 năm. Trong ngành điện, những người như tôi được gọi tên chung là “Điều hành viên” và tùy theo cấp điện áp hoặc tên trạm mà gọi cho đầy đủ, ví dụ như: “Trạm 110kV An Hòa”.

Công việc chính của chúng tôi là vận hành các thiết bị trong trạm, trong đó quan trọng nhất là máy biến áp, nhằm cung cấp điện cho các điện lực địa phương, phân phối đến từng cơ sở sản xuất, hộ tiêu dùng. Khi vào ca, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi các thông số vận hành của thiết bị, kiểm tra thiết bị, hàng giờ ghi thông số để báo cáo, ghi chép sổ sách, vệ sinh nơi làm việc. Ngoài ra, còn phải thực hiện thao tác “đóng, cắt” điện đột xuất hoặc theo kế hoạch của điều độ điện lực địa phương và của điều độ A2. Trường hợp xảy ra những hiện tượng bất thường, trở ngại, những tình huống sự cố của thiết bị, chúng tôi phải kiểm tra xử lý (trong khả năng chuyên môn được cho phép). Đối với ca đêm, ngoài những việc trên, chúng tôi kiêm luôn công tác bảo vệ cơ quan. Hơn nữa, điều hành viên còn làm những công tác khác, như: Vệ sinh công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, báo cáo ngày, báo cáo tuần, báo cáo tháng hay các báo cáo khác khi có yêu cầu của cấp trên… Hàng tháng, trạm tập trung cán bộ, công nhân viên (CBCNV) để họp đánh giá tình hình vận hành của thiết bị, phụ tải, sự cố (nếu có) và trao đổi chuyên môn hoặc rút kinh nghiệm một vấn đề nào đó xảy ra trong tháng; phổ biến, triển khai các văn bản, chỉ thị mệnh lệnh cấp trên…

Những khi cắt điện thí nghiệm định kỳ hoặc có lịch cắt điện phía ngoài đường dây 110kV, chúng tôi lập kế hoạch kiểm tra và vệ sinh thiết bị, đảm bảo thiết bị hoạt động tốt nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục. Khi hết ca, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ xử lý sự cố hoặc các công tác khác bất cứ thời điểm nào.

Suốt 28 năm làm công tác vận hành trạm, tôi luôn trăn trở về việc học tập nâng cao tay nghề, chuyên môn. Không phải CBCNV nào cũng có điều kiện đi học để nâng cao trình độ. Người có điều kiện sẽ đi học trung cấp rồi kỹ sư. Những người không có điều kiện phải tự tìm tòi, học hỏi, trau dồi, nâng cao tay nghề của mình để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, việc tự học cũng còn nhiều hạn chế vì thiếu tài liệu hướng dẫn thích hợp cho nghề vận hành. Nếu có tài liệu đầy đủ, trình độ tay nghề công nhân sẽ được nâng lên và trở thành công nhân lành nghề. Trình độ ngoại ngữ cũng là một hạn chế với công nhân vận hành khiến việc đọc và hiểu các hướng dẫn tiếng Anh trên thiết bị có khó khăn. Khi có sự cố, họ chỉ có thể truy cập trang ghi nhận dữ liệu sự cố, ghi lại các thông số sự cố để báo cáo… Hơn nữa, xem mạch nhị thứ cũng là một thử thách. Từ trước đến nay, các công nhân chỉ tự mày mò, học hỏi lẫn nhau nên số lượng người xem được 100% mạch nhị thứ cũng còn rất ít.

Nghề vận hành của chúng tôi khá đặc biệt so với các nghề khác, không giống như làm việc văn phòng nhưng cũng không phải như lao động chân tay. Trong khi trực ca, lúc bình thường, chúng tôi như nhân viên văn phòng. Khi xảy ra sự cố, lại phải làm việc giống như lao động chân tay. Như những công nhân thầm lặng, tôi hy vọng trong tương lai, nghề vận hành trạm biến áp sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn.

Điều hành viên luôn phải tập trung cao độ và giữ bình tĩnh bởi các tình huống bất ngờ xảy ra rất khó lường, khó dự đoán được nguyên nhân.
Theo: Công Thương Online