Năm 2012 là năm EVN đã để lại dấu ấn đối với đất nước, khi xây dựng thành công nhiều nhà máy thủy điện, nhiêt điện, nhiều đường dây và trạm. Và lớn nhất là Thủy điện Sơn La, công suất 2.400MW. Trong phương án kinh doanh, cũng như trong đầu tư, EVN luôn cân nhắc kỹ lưỡng để đầu tư kinh doanh như thế nào là hiệu quả nhất. Năm 1992 trở về trước, toàn bộ hệ thống nguồn điện của đất nước chỉ có khoảng 8.000 MW, nhưng nhờ sự mạnh dạn đầu tư và tập trung cao độ xây dựng nguồn và lưới điện, đến nay Việt Nam đã có gần 27.000 MW công suất đặt. Như vậy, trong 20 năm qua tốc độ tăng trưởng của hệ thống điện Việt Năm đã tăng tới 3,4 lần.
Ngoài việc đầu tư xây dựng và khai thác hết các nguồn thủy điện có công suất 50MW trở lên làm cho tỷ trọng của thủy điện chiếm khoảng 50% tổng công suất điện quốc gia, đây là một nguồn lợi hết sức to lớn và quý giá cho đất nước.
Riêng thủy điện Sơn La, rút ngắn tiến độ ba năm đã làm lợi cho Nhà nước gần 50 nghìn tỷ đồng, hằng năm đã đóng góp hơn 10 tỷ kWh điện cho quốc gia.
Trước đây EVN đã xây dựng đường dây 500 kV siêu cao áp Bắc - Nam dài 1567 km trong hai năm (1992 đến 1994) Tiếp đến là đường dây 500 kV mạch 2 Bắc - Nam. Với hai đường dây trên đã thống nhất được hệ thống điện cả nước. Ngoài ra còn xây dựng nhiều đường dây 500 kV để kết nối lưới điện khu vực. EVN đã xây dựng hàng trăm nghìn km đường dây 220 kV kết nối mạch vòng trong cả nước, hàng trăm trạm biến áp 220 kV, cũng như xây dựng được hàng trăm nghìn km đường dây 110 kV, hàng triệu km đường dây 22 kV đưa điện đến mọi miền đất nước và hộ tiêu dùng...
Đặc biệt, những năm qua và trong hiện tại EVN đã vay nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên cả nước. Đến nay 100% số huyện, 98% số xã, 96% số hộ dân đã sử dụng lưới điện quốc gia. Đây là những thành tựu hết sức to lớn, mà nhiều nước trên thế giới cũng chưa làm được.
Điều băn khoăn, lo lắng là các doanh nghiệp, các hộ sử dụng điện đã, đang sử dụng điện lãng phí và chưa tiết kiệm. Đây là việc làm rất khó, bởi hai lẽ: thứ nhất, đó là thói quen chưa có ý thức tiết kiệm điện, thứ hai là do giá điện Việt Nam còn thấp.
Để sử dụng điện năng có hiệu quả nhất, cần cả hệ thống chính trị, đặc biệt là khối doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện Luật Tiết kiệm Năng lượng, trong đó tiết kiệm điện năng phải coi là hàng đầu.
Trong nhiều thập kỷ qua và hiện nay, hơn 110 nghìn người lao động, từ lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, từ các nhà máy phát điện, đến truyền tải, phân phối, đến công nhân vận hành phải thường xuyên làm việc suốt ngày đêm để đảm bảo cung ứng đủ nguồn điện, an toàn, ổn định cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Hiện nay do nguồn điện phân bổ chưa cân đối, tỷ trọng thủy điện chiếm cao hơn nhiệt điện, do vậy những năm hạn hán kéo dài, công suất thủy điện giảm, phải tăng công suất nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy dầu và chạy khí. Mặt khác, trong Quy hoạch điện VII nhiệm vụ EVN hết sức nặng nề, tuy những năm gần đây có sự tham gia tích cực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và một số nhà đầu tư khác... tạo thêm nguồn điện cho hệ thống điện. Nhưng, EVN luôn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống điện quốc gia.
Ngoài việc đầu tư hàng chục nhà máy thủy điện trong hiện tại, cũng như hàng chục nhà máy điện chạy than có công suất hàng chục nghìn MW, đóng góp vào mục tiêu là tới năm 2020 hệ thống điện Việt Nam phải đạt được 75.000MW công suất, tương đương với 330 tỷ kWh điện. Nếu tính đến kế hoạch sau năm 2020 thì nhiệm vụ của EVN ngày càng lớn hơn.
Theo Tổng sơ đồ điện VII, EVN cần phải có hàng chục tỷ USD để đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, nhưng hiện tại việc vay vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi hoạt động của EVN đã bị lỗ lớn trong nhiều năm qua, tỷ suất lợi nhận hàng năm thấp, nợ vay trong nước và quốc tế còn rất lớn. Đây là một thử thách lớn nhất của EVN trước mắt cũng như trong những năm săp tới.