Phóng sự

Thủy điện Sơn La – sự kỳ vĩ của trí tuệ Việt Nam

Thứ bảy, 1/1/2022 | 16:53 GMT+7
Với những người mê Tây Bắc, dòng sông Đà như một sơn nữ đầy bí ẩn và quyến rũ. Vậy nên, từ lần đầu tiên, khi Quốc Hội họp bàn về việc, nên hay không xây thủy điện Sơn La, xây thấp hay cao, thì những người đã từng coi Tây Bắc như bạn tình đều mang nhiều cảm xúc khó tả.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Bởi lẽ, Thủy điện Sơn La được xây dựng, đồng nghĩa với việc dòng sông Đà ghềnh thác, uốn lượn quanh co bên dãy Huổi Luông hùng vĩ, bến phà Pá Uôn đợi chờ những bước chân khám phá, những bản làng như Mường Chiên, Cà Nàng, nơi có những cô gái Thái xinh đẹp, khỏa trần ngơ ngẩn với dòng nước thềm sông sẽ không còn nữa.
 
Tôi đã có không biết bao nhiêu chuyến lang thang ngược sông Đà từ khi công trình thủy điện Sơn La chưa được xây dựng và cả lúc đang được xây dựng. Tôi đã từng mê mải cả ngày trời trên mũi con thuyền máy mà nhìn từ trên đỉnh núi xuống như chiếc lá lúa lênh đênh giữa Đà giang mênh mang cuồn cuộn, ngược sông Đà, bởi suy nghĩ mai này, dòng Đà giang sẽ vĩnh viễn biến mất dưới dòng nước bạc.
 
Những người thực sự đặt nền móng cho việc chinh phục con sông này, thì ít người biết đến. Họ chính là những kỹ sư địa chất. Họ làm việc âm thầm từ cả trăm năm nay rồi. Họ ăn rừng ngủ thác, hiểu sông Đà như mạch máu của mình.
 
Nghe anh em bên Công ty Khảo sát thiết điện 1 (nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1) kể lại, năm 1959, Tổng cục Địa chất có chủ trương tiến hành điều tra địa chất và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn toàn miền Bắc ở tỷ lệ 1:50.000. Do các nhà địa chất nước ta hồi đó chưa có kinh nghiệm gì về công việc này, Tổng cục phải mời một đoàn chuyên gia Liên Xô gồm 6 người sang giúp đỡ. Công việc đầu tiên là lập bản đồ địa chất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vùng Tây Bắc do một đội đảm nhiệm. Những nhà địa chất đầu tiên của ngành địa chất Việt Nam đã đi dọc sông Đà trong suốt thập kỷ 60, từ ngã ba Việt Trì lên đến Mường Tè (Lai Châu) để nghiên cứu địa chất, vẽ tấm bản đồ địa chất Tây Bắc đầu tiên của nước ta, đó là tài liệu cơ bản, để sau này, dựa vào đó, các kỹ sư địa chất khoan khảo sát, lấy mẫu tiến hành phân tích, tạo ra những tài liệu chuẩn xác, làm cơ sở dữ liệu cho việc tiến hành xây dựng thủy điện.
 
Ở những vùng này, nền đá cứng ép lòng sông nhỏ lại, hai bên sông vách đá cao vút, con sông trở nên hung dữ, ầm ào lao đi như tên bắn, thuyền bè rất khó ngược xuôi. Chính vì độ dốc giữa thượng nguồn và hạ lưu lớn, dòng sông nhỏ hẹp, có nhiều gềnh thác nên nó được coi là con sông có tiềm năng thủy lực rất lớn để xây dựng các công trình thủy điện...
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Mũi khoan số 1 của công trình Thủy điện Sơn La được thực hiện vào tháng 9-1971, tuy nhiên, đây không phải là mũi khoan đầu tiên, mà ngay từ năm 1940, người Pháp đã tiến hành khoan thăm dò tuyến Hòa Bình và phát hiện bên dưới lòng đất ở khu vực đó chứa toàn cùi sỏi, kỹ thuật thời đó không thể xử lý được. Sau đó họ tiếp tục khoan tại Chợ Bờ, suối Rút, vẫn gặp nguyên lớp cùi sỏi đó và đưa ra kết luận “Sông Đà bất trị”. Với mũi khoan số 1, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về lớp cùi sỏi này: Có làm được không, có an toàn không? Để lý giải một cách khoa học, phải kiểm tra toàn bộ các tuyến, từ đó tiến hành so sánh các tuyến với nhau. Vấn đề chọn tuyến lúc bấy giờ hết sức căng thẳng. Có 6 tuyến được khảo sát là: Suối Rút, xuất phát từ cao nguyên Mộc Châu, mỗi lần mưa xuống, nước chảy xiết; tuyến thứ 2 là suối Hoa, hình thành từ Cao Phong; tuyến thứ 3 là Chợ Bờ hay còn gọi là Đà Bắc; tuyến thứ 4 là Hiền Lương; tuyến thứ 5 là Hòa Bình trên và tuyến cuối cùng là Hòa Bình dưới. 
 
Khoan khảo sát thì cả 6 tuyến đầu có lớp cùi sỏi ở bên dưới nhưng chỉ có 2 tuyến được lập dự án thiết kế chi tiết là Hòa Bình trên và Hòa Bình dưới. Các chuyên gia từ Viện Thiết kế Thủy công của thành phố Ba Cu – nước Cộng hòa Adecbaizan sang hỗ trợ thì chọn tuyến Hòa Bình trên. Chuyên gia của Viện Thiết kế Thủy công ở Matxcơva thì chọn phương án Hòa Bình dưới. Đây là cả một cuộc tranh luận nảy lửa kéo dài đến tận năm 1975. Mỗi phương án đều có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đứng ra bảo vệ, ai cũng có lập luận, lý lẽ riêng. 
 
Cũng vì vậy mà hồi dự án thủy điện Sơn La bắt đầu, đã diễn ra vô số cuộc tranh luận gay gắt, sôi nổi. Riêng việc tranh cãi xây dựng thủy điện cao hay thấp đã tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc. Chỉ có những kỹ sư địa chất âm thầm lăn lộn với con sông hung dữ này, mới có thể đưa ra câu trả lời sáng suốt nhất, giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định. Và lựa chọn xây dựng thủy điện thấp đã được Quốc hội quyết định thông qua. Việc xây thủy điện thấp sẽ chi phí ít hơn, ít phải di dân tái định cư, lại có thể tiết kiệm dòng sông làm thêm một số thủy điện trên thượng nguồn. Điều quan trọng hơn, là độ an toàn cho hàng chục triệu cư dân dưới hạ nguồn được đảm bảo ở mức gần như tuyệt đối.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Khi nhắc đến công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, không thể không nhắc tới những đóng góp đáng kể của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê – người một đời gắn bó với những công trình thủy điện, ông bồi hồi nhớ lại, theo kế hoạch được duyệt, năm 2005 khởi công Dự án, chạy máy vào năm 2012, kết thúc công trình 2015. Nhưng thực tế, công trình được hoàn tất vào năm 2012. Trước hết, là nhờ Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam được áp dụng cơ chế đặc thù: Thi công trước cống dẫn dòng và một số hạng mục phụ trợ trong thời gian chờ phê duyệt thiết kế kỹ thuật cuối cùng. Năm 2005, xây xong cống dẫn dòng và thực hiện ngăn sông luôn. 
 
Việc tranh luận dùng bê tông đầm lăn hay đầm dùi cũng diễn ra quyết liệt. Thi công bê tông đầm lăn hiệu quả kinh tế hơn, nhanh hơn, nhưng muốn làm được lại phải có phụ gia trơ, làm chất lượng bê tông đông cứng tốt hơn. Phụ gia chính là đất bôzêlăng, tìm ở miền Bắc không đâu có, ở miền Nam thì chỉ có tại Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nhưng vận chuyển về Bắc thì chỉ đi bằng đường thủy, đến mùa mưa bão thì không đi được, trong khi khối lượng phải vận chuyển rất lớn. Kinh nghiệm thế giới có thể dùng tro bay thay thế. Lúc đó tận dụng được nguồn tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, nhưng tro bay này dùng từ than antraxit, trong tro bay còn tới 20% lượng than không cháy hết, trong khi đó, quy phạm của thế giới lượng than này không được quá 6%, tro bay phải khô, độ ẩm không lớn hơn 3%. 
 
Năm 2008, bắt đầu đắp đập bê tông đầm lăn mà vẫn loay hoay chưa biết xử lý tro bay như thế nào? Nhưng rồi Ban Quản lý công trình và một công ty tư nhân đã có sáng kiến sản xuất tro bay với số lượng lớn. Khó khăn tưởng như lao đầu vào đá đã tìm được lối thoát. Nếu đổ bê tông thường chỉ đạt 50 – 60 nghìn m3/tháng, nhưng với công nghệ đầm lăn, đạt được 120 nghìn m3/tháng, cao nhất đạt tới 180 nghìn m3/tháng. Ứng dụng công nghệ đầm lăn đã rút ngăn được rất nhiều thời gian, công sức và tiết kiệm tối đa chi phí cho Dự án. Để kết lại, ông Thái Phụng Nê nhấn mạnh: Một điều đơn giản, nhưng cốt lõi là vì dân mà làm, thế thôi !
 
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Quay trở lại thời điểm dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Sơn La được phê duyệt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà Nguyễn Kim Tới – đơn vị tổng thầu, đồng thời cũng là Giám đốc Ban điều hành công trình Thủy điện Sơn La không khỏi lo lắng khi được tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn theo phía Tư vấn đề nghị. 
 
Với việc áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn, lợi ích đã được thấy trước, đó là, rút ngắn được 30% thời gian thi công để bê tông và như vậy tổng tiến độ sẽ được rút ngắn 3 năm. Một công trình thủy điện có công suất 2.400MW về đích sớm 3 năm, kết quả này không hề nhỏ, bởi mỗi năm, Nhà máy Thủy điện Sơn La cung cấp hơn 10 tỷ kWh, làm lợi hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước, chưa kể các mục tiêu khác về chống lũ, chống hạn và tăng khả năng phát điện cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, công nghệ bê tông đầm lăn hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Bản thân ông trước khi điều hành, cũng chỉ một lần duy nhất sang đất nước Mi-an-ma để được nhìn đập thủy điện sử dụng bê tông đầm lăn. Để áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn, Ban điều hành công trình Thủy điện Sơn La đã ban hành quy trình thi công rất nghiêm ngặt, các điều kiện kỹ thuật phải đảm bảo một cách hoàn hảo nhất, do vậy, các đơn vị thi công ở tất cả các khâu từ cấp nguyên liệu, trộn bê tông đến nhận bê tông thành phẩm và đầm, nén…đều phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, ăn khớp và chính xác. Lớp bê tông đầm lăn đầu tiên được Sông Đà thi công vào ngày 11-1-2008 và kết thúc vào ngày 25-8-2010 với tổng khối lượng gần 2,7 triệu m3 đạt bình quân 100 nghìn m3/tháng, trong đó tháng cao nhất là 180 nghìn m3 (mức cao của thế giới so với các công trình tương tự).
 
Nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lúc đó đảm nhận trách nhiệm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La đã khẳng định: Thành công của dự án là sự kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam. Thủy điện Sơn La là dự án do người Việt Nam làm chủ từ khâu chỉ đạo, thiết kế, thi công, quản lý đến vận hành, với sự trợ giúp rất ít của chuyên gia nước ngoài trong việc tham gia thiết kế và tổ chức thi công. Lúc cao điểm chưa đến 30 chuyên gia nước ngoài, trong khi Thủy điện Hòa Bình trước đây là 900 chuyên gia nước ngoài. Các đơn vị tham gia dự án, từ Chủ đầu tư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà đại diện là Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La đến đơn vị Tư vấn và các Nhà thầu xây dựng đều có năng lực chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành. Các loại vật liệu xây dựng công trình như sắt, thép, phụ gia tro bay…hoàn toàn do trong nước sản xuất; các thiết bị cơ khí thủy công cầu trục gian máy với sức nâng hơn 560 tấn cũng được chế tạo trong nước. Điều này thể hiện sức mạnh nội lực của Việt Nam.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Một yếu tố nữa trong phát huy giá trị nội lực và trí tuệ Việt Nam, đó là sự huy động tổng lực các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, các bộ ngành liên quan và sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư với các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện dự án. Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La hoạt động thực sự hiệu quả, giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành, bổ sung đầy đủ và kịp thời các cơ chế, chính sách và hướng dẫn về quản lý và thực hiện các dự án thành phần. theo dõi sát sao quá trình thực hiện và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo tiến độ dự án.
 
Cuộc chinh phục sông Đà đưa công trình điện thế kỷ trở thành biểu tượng sinh động cho trí tuệ Việt Nam và cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
 
Bảy năm ròng rã, trên công trường Thủy điện Sơn La, dường như không có khái niệm về sự khác biệt giữa ngày và đêm, dù trời nắng gắt hay mưa bão, giữa mùa hè đổ lửa hay mùa đông giá buốt, máy móc vẫn không ngừng nghỉ và hàng ngàn người con người vẫn miệt mài, căng mình ở từng vị trí công việc, chạy đua với thời gian để đem lại kết quả: Dự án Thủy điện Sơn La hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch. Điều kỳ diệu là kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, các chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Trên công trường thủy điện có tới một vạn công nhân, kỹ sư của 13 đơn vị là tổng thầu trong nước có năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm hàng đầu của Việt Nam làm việc miệt mài để hoàn thành với khối lượng: 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc, 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển; 2,7 triệu mét khối bê tông đầm lăn với cường độ thi công bình quân hơn 100 nghìn m3/tháng; trên 72 nghìn tấn thiết bị được lắp đặt, trong đó, khối lượng thiết bị siêu trường siêu trọng khoảng 8 nghìn tấn (trục tuabin thủy lực nặng 110 tấn, máy biến áp 280 tấn, bánh xe công tác 200 tấn…).
 
Tại công trình Thủy điện Sơn La, đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Bản lĩnh và trí tuệ đó được thể hiện qua khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ cao, ý thức tổ chức và chấp hành kỷ luật nghiêm ngặt, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và trên hết đó là một tinh thần lao động quên mình của toàn thể các kỹ sư, công nhân trên công trường, sự đông lòng nhất trí của tất cả các đơn vị tham gia công trình.
 
Tham gia xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, từ chủ đầu tư đến đơn vị tư, Tổ hợp nhà thầu xây dựng gồm 13 đơn vị. Họ đến với công trình bằng nhiều ngả đường khác nhau, nhưng đều chung một chí hướng với tấm lòng đầy nhiệt huyết vì sự phát triển của ngành Điện Việt Nam và họ đã lập nên kỳ tích của lịch sử Việt Nam.
 
Cái ngày Công trình Thủy điện Sơn La được khánh thành, tôi lại được trở lại Đà giang, đứng bên công trình, mới thấy sự kỳ vĩ của trí tuệ con người. Dòng sông dữ dằn ấy đã bị con người chinh phục, biến sức mạnh của nó thành cơm gạo. Công trình Thủy điện Sơn La chính là món hồi môn, là tặng vật mà sông Đà trao tặng cư dân của nó khi dòng sông đến đây bắt đầu một dòng chảy phóng khoáng, bỏ lại phía sau những vực - ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn. Tây Bắc hùng vĩ. Tây Bắc thắm đượm niềm nhân nghĩa tích tụ hàng nghìn năm, tích tụ từ hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để giành độc lập, tự do. Người Tây Bắc biết sống, dám hy sinh, biết vượt qua tất cả để làm nên một cuộc đổi đời. Cảm nhận đó càng rõ rệt hơn khi được chứng kiến những bản làng mới tái định cư, khang trang giữa núi rừng.

Thủy điện Sơn La là “bậc thang” thứ hai trên sông Đà. Phía dưới là thủy điện Hòa Bình, trên là thủy điện Lai Châu. Công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW. Công trình đặt tại tuyến Pa Vinh thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. 
 
Thủy điện Sơn La cung cấp 10,246 tỷ kWh mỗi năm, chiếm 15% sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, công trình còn có tác dụng chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
 
Được khởi công năm 2005, ngày 17-12-2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công. Tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Đến 10-10-2012, cả 6 tổ máy đã vận hành.
 
 
 
 
 
Thanh Mai