Cán bộ, kỹ sư ở Phân xưởng vận hành bảo đảm trực theo dõi diễn biến của thủy văn 24/24 giờ
Trọn vẹn bởi công trình quan trọng đặc biệt cấp quốc gia này đã và đang ngày đêm cung cấp nguồn điện năng ổn định phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời khai thác hiệu quả lượng nước phục vụ tưới tiêu, cân bằng lưu vực và hạn chế thiệt hại do lũ lụt, biến đổi khí hậu, thời tiết.
Thủy điện Thác Mơ có dung tích hồ chứa 1,36 tỷ mét khối nước, 3 tổ máy với tổng công suất 225MW. Đây là công trình thuộc loại đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt quốc gia theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ, được Bộ Công Thương đề nghị Bộ Công an đưa vào danh mục công trình quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia. Ngoài hệ thống đập lớn với tổng chiều dài trên 10km, công trình còn có chiều cao đập lớn nhất 46m. Kể từ khi vận hành tổ máy đầu tiên (6-1-1995) đến nay, nhà máy đã sản xuất khoảng 19,5 tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng.
25 năm xây dựng và trưởng thành
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh nhà máy, Tổng giám đốc công ty Lê Minh Tuấn, cho biết: Hiện đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, vận hành trực tiếp công trình và hồ chứa thủy điện theo quy định pháp luật, bảo đảm an toàn công trình, an ninh năng lượng quốc gia, an ninh nguồn nước, an toàn cho phía hạ du. Chúng tôi còn khai thác hiệu quả lượng nước phục vụ tưới tiêu, cung cấp nước vào mùa khô, cân bằng lưu vực, cắt lũ, hạn chế tối đa thiệt hại do biến đổi khí hậu, thời tiết gây ra. Từ đó góp phần ổn định dân cư và đẩy mạnh phát triển nông - lâm - ngư nghiệp. Đơn vị còn phối hợp chính quyền địa phương bảo vệ an ninh chính trị địa bàn và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ an toàn hồ đập, nhà máy. Nếu để mất an toàn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nhân dân và các công trình phía hạ du.
Là người gắn bó với thủy điện Thác Mơ từ những ngày đầu, ông Trần Ngọc Tân, Quản đốc Phân xưởng vận hành kể: Trước đây, Thác Mơ là vùng đất heo hút, còn rất nhiều tàn dư chiến tranh để lại, đường đi khó khăn, cây cối rậm rạp. Thời điểm đó, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn nên việc khảo sát, thiết kế đều do lực lượng trong nước thực hiện, chỉ đến khi lắp đặt máy móc mới nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia người Ukraina. Sau mấy năm miệt mài xây dựng trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn, niềm vui vô bờ bến đã đến với chúng tôi vào ngày 6-1-1995, tổ máy số 1 khởi động hòa vào lưới điện quốc gia, tiếp đến là tổ máy số 2 vào ngày 30-4-1995. Niềm vui nhân đôi khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đầu tư thêm 1 tổ máy với công suất 75MW vào năm 2014. Sau 3 năm thi công, tổ máy số 3 chính thức vận hành hòa vào lưới điện quốc gia từ tháng 7-2017.
Còn kỹ sư trẻ Hoàng Thị Ngọc Bích, cán bộ Phòng Kỹ thuật, tâm sự: Được anh trai làm trong ngành thủy điện “truyền lửa” đam mê nên học xong phổ thông em quyết tâm theo đuổi nghề đã chọn. Ra trường, em về đầu quân cho công ty từ tháng 9-2011. Nhờ chịu khó học hỏi, em được giao phụ trách công tác quản lý chất lượng theo hệ thống ISO 9001, ISO 27001, quản lý thư viện và biên tập viên website. Ở mỗi vị trí, em đều chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn công việc để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Làm việc trên tầng lầu của tòa nhà có 2 tổ máy, hằng ngày phải nghe tiếng tuabin kêu, lúc đầu rất khó chịu, sau nghe riết thấy quen. Nhờ đó, em có thể phân biệt được máy đang “khỏe” hay “bệnh”, kịp thời báo bộ phận chuyên môn có hướng xử lý.
“Các thiết bị sản xuất được lắp ráp cho 2 tổ máy đầu sản xuất từ thời Liên Xô nên không đồng bộ, lỗi liên tục khi vận hành. Với sự đoàn kết, nhất trí cùng hướng đến mục tiêu chung, các kỹ sư vận hành, điều hành của nhà máy đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, sửa chữa và dần thay thế, nâng cấp những thiết bị khiếm khuyết. Nhờ đó, nắm chắc nguyên lý hoạt động các loại máy móc, thiết bị; có khả năng xử lý nhanh và vững nên không còn bất cứ sự cố phức tạp nào làm khó được chúng tôi. Đến nay, dù nhà máy phải nhiều lần đổi tên cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng anh em vẫn gắn bó, sản xuất và duy trì dòng điện an toàn cho đất nước” - ông Trần Ngọc Tân chia sẻ.
Chung tay xây dựng quê hương Bình Phước
25 năm qua, ngoài vận hành, sản xuất, cung cấp điện năng, Nhà máy thủy điện Thác Mơ còn góp phần hình thành các trạm điện tại Đồng Xoài, Phước Long, Lộc Ninh. Từ đó, thúc đẩy chương trình điện khí hóa của tỉnh đi trước một bước và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đồng thời, chung tay xây dựng Phước Long - mảnh đất bị tàn phá khốc liệt trong chiến tranh, trở thành đô thị phát triển với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại; giao thông thuận tiện; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh được hình thành... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Các kỹ sư của nhà máy thủy điện luôn ý thức học hỏi, chủ động, kịp thời khắc phục hư hỏng khi có sự cố xảy ra. Trong ảnh: Kiểm tra, sửa chữa tuabin của tổ máy
Những năm qua, cùng với hiệu quả tích cực tác động đến kinh tế, xã hội mà nhà máy mang lại, công ty còn thực hiện tốt nghĩa vụ đóng góp ngân sách và các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác cho địa phương. Nhiều công trình được công ty hỗ trợ xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương Phước Long anh hùng. Điển hình như: Hệ thống nước sinh hoạt thị xã; công trình điện hạ thế phục vụ người dân thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng; công trình chiếu sáng công cộng đường Đinh Tiên Hoàng, Cách Mạng Tháng Tám; di tích lịch sử đài tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong chiến tranh; Trường THCS Nguyễn Trãi... Riêng 2 năm (2018-2019), công ty hỗ trợ, vận động hỗ trợ thị xã Phước Long và các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập gần 1,5 tỷ đồng làm cầu bắc qua sông; xây dựng đường giao thông nông thôn; làm nhà tình nghĩa, tình thương; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo...
Mỗi mùa xuân qua đi, cán bộ, kỹ sư, công nhân của công ty lại ghi thêm những dấu ấn trưởng thành. Tết này, được tham gia cùng hàng chục kỹ sư, công nhân kỹ thuật “trực chiến” để duy trì hoạt động của các tổ máy, cung cấp đủ lượng điện và đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia, kỹ sư trẻ Hoàng Thị Ngọc Bích chia sẻ: “Mặc dù ở Phòng Điều khiển trung tâm có thể quan sát toàn bộ nhà máy bằng hệ thống camera, nhưng không thể thiếu việc kiểm tra, giám sát thực tế. Bản thân em rất vui vì được góp phần duy trì dòng điện, đem ánh sáng đến mọi nhà”.
Mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi, hòa quyện vào dòng nước ngày đêm cuộn chảy, tạo ra nguồn năng lượng có ích phục vụ xã hội. Ngày đêm đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Nhà máy thủy điện Thác Mơ vẫn bảo đảm nhiệm vụ trực tết với tinh thần trách nhiệm cao, giúp mọi nhà có được niềm vui trọn vẹn trong những ngày vui xuân đón tết.
Link gốc