Tiếp nhận, bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn: Một chủ trương hợp lòng dân
Thứ hai, 24/10/2011 | 09:22 GMT+7
<p style="text-align: justify;">Hiện nay, Quảng Nam có 364.500 hộ dân đã có điện, trong đó 83% được mua điện trực tiếp từ các điện lực. Những yếu kém, vướng mắc về điện nông thôn cũng đã được giải quyết cơ bản trong 3 năm qua. Đó là những hiệu quả tích cực mà chương trình tiếp nhận, bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn mang lại.</p>
<br />
<p style="text-align: justify;"><span style="color: rgb(0, 0, 128);"><span style="font-size: x-small;">Điện nông thôn Quảng Nam sau tiếp nhận còn nhiều việc phải giải quyết</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><br />
Năng lực cung ứng điện tăng nhanh</span></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Năm 1997, khi Quảng Nam tái lập, việc cấp điện trên địa bàn còn nhiều khó khăn bởi nguồn và lưới điện vừa thiếu, vừa yếu và chỉ mới có hơn một nửa số hộ dân có điện. Đại đa số các vùng nông thôn, miền núi còn “lõm” điện. Là tỉnh thuần nông, doanh nghiệp không nhiều, khu công nghiệp chưa hình thành nên sản lượng điện tại Quảng Nam năm 1997 vào khoảng 92 triệu kWh, trong đó điện cho ánh sáng sinh hoạt chiếm hơn 70%.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngành điện đã thông qua nhiều dự án như Dự án năng lượng nông thôn, Dự án cấp điện Trà My - Tắc Pỏ, dự án ADB, JBIC…, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng đường trục 35 kV – 220 kV, tăng thêm 7 trạm biến áp 110 kV, 12 trạm biến áp 35 kV cùng hàng trăm trạm biến áp phụ tải cấp điện các khu công nghiệp, đưa điện về nông thôn, miền núi và cải tạo lưới điện các khu đô thị. Tỉnh Quảng Nam cũng đầu tư từ nhiều dự án xây dựng lưới điện trung, hạ áp, mở rộng diện cấp điện khắp nơi.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Qua đầu tư tổng lực, 15 năm qua, lưới điện địa phương đã tăng 4 lần về đường dây, gần 4 lần về trạm biến áp phụ tải. Năm 2011, kế hoạch sản lượng điện vào khoảng trên 866 triệu kWh, tăng hơn 9 lần so với thời kỳ mới tái lập tỉnh. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX (2006-2010) đã được hoàn thành sớm trước một năm, với 95,4% số xã; 97,8% số hộ dân cùng với 18 nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ được cấp điện.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Lật lại thực trạng về công tác quản lý điện nông thôn nhiều năm trước đây, có thể nói tình hình rất phức tạp và trì trệ kéo dài. Từ lâu đã hình thành một quy định bất thành văn: Đầu tư lưới điện thì được kinh doanh điện, vì thế một bộ máy mua buôn, bán lẻ điện đồ sộ, thậm chí không chuyên nghiệp, không hợp lệ hoạt động khắp nơi. Nhiều tổ chức được mua buôn điện giá thấp, tự định giá bán khai thác siêu lợi nhuận, nhưng khi lưới điện hư hỏng người dân phải chịu mất điện dài ngày do họ không đủ năng lực tu sửa.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Đến cuối năm 2008, Quảng Nam có đến 153 tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Có khu vực một xã có tới ba tổ chức cùng kinh doanh điện. Ở những khu vực do các tổ chức này quản lý bán điện, người dân liên tục than phiền về tình trạng lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện không ổn định, giá điện thì đủ mức. Dân nghèo phải mua điện gấp 5 - 10 lần giá điện thành phố.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>Một chủ trương hợp lòng dân</strong></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Vào năm 2002, UBND tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh các biện pháp chấn chỉnh điện nông thôn, trong đó có việc cải tiến phương thức quản lý và hạ giá điện xuống dưới mức 700 đồng/kWh. Cũng từ đây, Điện lực Quảng Nam (nay là Công ty điện lực Quảng Nam) được giao kế hoạch xóa bán tổng và tiếp nhận quản lý toàn bộ lưới điện trung áp. Đến năm 2008, đã có 80 nghìn hộ dân mua điện trực tiếp từ Công ty, được hưởng lợi về chất lượng và giá điện. Vì thế, bấy giờ, ở khắp nơi đã dấy lên “làn sóng” mong được mua điện trực tiếp từ ngành điện.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ tháng 3/2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ và ngành điện, Công ty Điện lực Quảng Nam đã triển khai đề án tiếp nhận bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn. Đây là chủ trương hợp lòng dân, được cộng đồng ủng hộ. Thực hiện chủ trương này, ngành điện phải đối diện với rất nhiều khó khăn, bởi phải tiếp nhận giải quyết những yếu kém lưu cữu của điện nông thôn, trước mắt là những khó khăn về vốn, về quản lý kinh doanh và nhất là điện nông thôn đang trong cơ chế phục vụ, bù lỗ.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Giao nhận trên nguyên tắc thỏa thuận, nhưng do đụng chạm đến quyền lợi của chủ tài sản nên lúc đầu đề án được triển khai ào ạt rồi chững lại. UBND tỉnh và các huyện, thành phố phải tập trung chỉ đạo quyết liệt; Tổng công ty Điện lực miền Trung theo dõi, hỗ trợ sát sao và nhất là do “sức ép” từ phía khách hàng nên đến tháng 6/2011, đã có 121 tổ chức bàn giao hơn 2.000 km đường dây hạ áp với 156.000 công tơ. Bên cạnh đó, có 30 tổ chức được UBND tỉnh cho phép tiếp tục kinh doanh, mua buôn bán lẻ điện cho hơn 50 nghìn khách hàng ở một số khu vực.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Có một điểm bất lợi là quá trình giao, nhận diễn ra vào mùa nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng; thêm vào đó có 2 lần điều chỉnh giá điện, vì thế khi tiền điện tăng đã phát sinh một số ý kiến không thuận chiều, hiểu nhầm công tác tiếp nhận. Một khía cạnh khác là sau bàn giao, việc xử lý hành lang tuyến rất khó khăn, bởi đất xây dựng công trình điện trước đây được dân hỗ trợ, nay là tài sản của ngành điện nên một số người kích động chủ đất phát đơn đòi bồi thường, nếu không phải di dời lưới điện…</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Tuy thế, đông đảo khách hàng hài lòng khi được mua điện trực tiếp từ ngành điện. Anh Đỗ Tuấn, nhà ở thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên đưa ra một xấp hóa đơn tiền điện như để chứng minh: “Nhà tôi dùng mỗi tháng 30÷40 kWh. Từ trước đến nay vẫn vậy. Bây giờ, mua điện của Điện lực Duy Xuyên, tôi được hỗ trợ giá, xem ra còn lợi hơn nhiều so với giá 1.200 đồng/kWh mua của tổ điện. Phong cách phục vụ, giao tiếp của công nhân điện khá tốt và rất nhiệt tình”.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Còn cụ bà Nguyễn Thị Thanh, 75 tuổi, ở thôn 1, xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức cho biết: “Bây giờ có “điện mới” (ý nói mua điện trực tiếp từ ngành điện) mạnh hơn, ít bị cúp hơn, nhưng tiền điện cũng không chênh lệch bao nhiêu”.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>Diện mạo mới, nhưng còn nhiều khó khăn</strong></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Theo ông Phan Vũ Đông Quân - Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Điện lực Quảng Nam, hiện có trên 50% lưới điện nông thôn đã xuống cấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến tổn thất điện năng mà người dân phải gánh chịu. “Hai năm qua, Công ty đã đầu tư 73 tỷ đồng thay công tơ, sửa chữa lưới điện mất an toàn. Tổng công ty cũng đã triển khai kế hoạch vay vốn ADB và KFW hơn 260 tỷ đồng nhằm cải tạo 32 km lưới trung áp, 450 km lưới hạ áp, 30 trạm biến áp với khoảng 47 nghìn công tơ” - ông Quân cho biết.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam thể hiện quan điểm rất rõ ràng: “Lưới điện xuống cấp là thực tế. Công ty đã tiếp nhận thì phải có trách nhiệm cải tạo, sửa chữa để nâng cao độ tin cậy cấp điện cho dân, không vì lý do này, lý do khác mà làm không tốt rồi đổ thừa do lưới điện cũ. Nếu nhu cầu sửa chữa đòi hỏi nguồn vốn lớn chưa chuẩn bị kịp thì phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và thông cảm, tuyệt đối phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết”.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau bàn giao lưới điện, gánh nặng cung cấp điện được chuyển cho ngành điện, các địa phương có điều kiện tập trung hơn cho nhiệm vụ chính trị, người dân được hưởng lợi nhiều mặt. Do vậy, việc mua điện trực tiếp từ ngành điện phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân nông thôn.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Qua tiếp nhận, bán điện đến hộ, Công ty Điện lực Quảng Nam đã từng bước lập lại trật tự kinh doanh điện nông thôn theo Luật Điện lực. Tuy vậy, sau tiếp nhận còn quá nhiều khó khăn, tồn tại mà đơn vị phải tốn nhiều công sức và tiền của để tiếp tục xử lý. Đặc biệt, “cuộc chiến” giảm tổn thất điện năng khá gay cấn và dai dẳng.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Thống kê 9 tháng đầu năm 2011, khu vực nông thôn Quảng Nam tiêu thụ hơn 50% sản lượng điện với giá bình quân 1.058 đồng/kWh, thấp hơn giá thành 184 đồng/kWh. Ngoài ra, Công ty còn bán điện giá hỗ trợ 938 đồng/kWh cho khoảng 120 nghìn hộ nghèo, thu nhập thấp. Như vậy, dù đã điều chỉnh giá, kinh doanh điện nông thôn ở Quảng Nam vẫn bị thua lỗ. Đó là chưa tính đến việc phải mất hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn vừa tiếp nhận.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Có thể nói, việc kinh doanh điện khu vực nông thôn và miền núi ở Quảng Nam hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những cơ chế hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước và nỗ lực rất lớn từ ngành điện.<br />
</span></p>
Theo: EVN CPC