Quản lý năng lượng

Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp: Cần những giải pháp tổng thể từ công cụ pháp lý đến chính sách, tài chính

Thứ hai, 9/5/2022 | 08:41 GMT+7
Sáng 09/5, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo khởi động “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE” do Quỹ Khí hậu xanh thông qua WB tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam. 

Ảnh minh họa.
 
Với tổng kinh phí 11,3 triệu USD (tương đương khoảng 252 tỷ đồng), thực hiện trong thời gian 4 năm (từ T3/2022 đến T1/2026) với hai hợp phần chính, là: vận hành “Quỹ chia sẻ rủi ro” (3 triệu USD) và Hợp phần 2 tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật (8,3 triệu USD). Có thể thấy, chuyển dịch năng lượng bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là những ưu tiên hàng đầu của WB tại Việt Nam. PV Nguyên Long phỏng vấn ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về tiềm năng TKNL trong các ngành công nghiệp và những kỳ vọng từ “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE”.
 
PV: Thưa ông báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể khả thi tiết kiệm được từ 20-30% nguồn năng lượng từ TKNL trong khối công nghiệp. Từ thực tế nghiên cứu của ngân hàng thế giới thời gian qua, ông nhìn nhận như thế nào về những ngành công nghiệp mà chúng ta có thể TKNL?
 
Ông Chu Bá Thi: Ngân hàng thế giới (WB) đã có rất nhiều nghiên cứu về các ngành công nghiệp trong lĩnh vực TKNL, ví dụ như ngành sắt thép, xi măng, hóa chất đều là những ngành có rất nhiều tiềm năng TKNL. Như chúng ta đã biết thì những công nghệ trong ngành hóa chất như ngành giấy chẳng hạn có nhiều công nghệ đầu tư từ 40 năm trước đây, nhưng bây giờ thì nó đã quá cũ và tiêu thụ năng lượng quá nhiều, thì chúng ta phải đầu tư để đổi mới để tiết kiệm năng lượng, tiềm năng ở đây rất lớn. Nghiên cứu của WB trước đây thì thấy rằng tổng nhu cầu vốn đầu tư TKNL cho các ngành công nghiệp - chỉ một vài ngành lớn đó thôi thì cũng đã lên đến 4-5 tỷ USD trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Thì bây giờ là lúc chúng ta phải thay đổi công nghệ để làm sao đó giảm được nguồn cung năng lượng. Vì chúng ta không thể cứ xây mãi nhà máy điện, trong khi đó chúng ta tiêu thụ điện một cách rất là lãng phí như thế.
 
PV: Rõ ràng chúng ta đã nhìn thấy tiềm năng TKNL trong khối công nghiệp là rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong sản xuất thép và xi măng?
 
Ông Chu Bá Thi: Hai ngành công nghiệp thép và xi măng tiêu tốn rất nhiều năng lượng và cực kỳ tạo áp lực cho việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là điện và than. 
 
Những ngành này chúng tôi đã có những dự án và đã thí điểm đầu tư rồi thì thấy mức tiết kiệm năng lượng đối với đầu tư - ví dụ như là thu hồi nhiệt thải có thể tiết kiệm 20-30%. Tuy nhiên là tiết kiệm điện đối với các ngành khác thì tiềm năng của nó ít hơn, vì hiện nay công nghệ về tiêu thụ điện thì cũng tương đối khá rồi. Tuy nhiên là tiết kiệm nhiệt và tiết kiệm hơi là những tiềm năng rất lớn.
 
PV: Rõ ràng là chúng ta nhìn thấy tiềm năng TKNL là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại bây giờ các doanh nghiệp họ cũng ngại đầu tư vào công nghệ bởi vì giá điện cũng như ít áp lực cho họ. Và như vừa rồi ông cũng có nói về hành lang pháp lý của chúng ta. Ông nhìn nhận như thế nào về những thách thức đối với thị trường tiết kiệm năng lượng Việt Nam, về công tác tiết kiệm năng lượng đặc biệt trong khối công nghiệp? Và thông qua Dự án VSUEE này thì ông kỳ vọng điều gì?
 
Ông Chu Bá Thi: Chính xác. Như tôi đã nói thì thúc đẩy tiết kiệm năng lượng gặp rất khó khăn. Thấy khó nhất là làm rất nhiều năm rồi nhưng mà đầu tư lớn thì hầu như không có. Chúng ta có nhìn thấy những doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ thôi, chứ còn đầu tư lớn hiện nay hầu như không có. Tôi nói ví dụ như ngành xi măng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các nhà máy xi măng có công suất 2500 tấn/ngày là phải đầu tư hệ thống thu hồi chất thải nhưng họ chưa đầu tư. Lý do là về tài chính họ không có, rồi về công nghệ, năng lực họ cũng còn yếu. Thế thì thách thức rất lớn là việc phải có những giải pháp đồng bộ, từ chính sách tài chính đến ưu đãi… Trong luật thì có rất nhiều ưu đãi về thuế, ưu đãi về vấn đề này vấn đề kia v.v. Tuy nhiên, để thực hiện được thì còn rất hạn chế. Nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải có những giải pháp tổng thể.
 
Đối với dự án này thì tôi nghĩ là nó cung cấp thêm một công cụ nữa cho doanh nghiệp cũng như là cho ngân hàng. Doanh nghiệp thì có bảo lãnh thì người ta có thể tiếp cận được các khoản vay mới. Vì hiện nay ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo rất là lớn, nếu có bảo lãnh này thì có thể yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng sẽ giảm đi và sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp được tiếp cận vốn để đầu tư cho TKNL. Ngoài ra thì dự án thì có khoảng 8,5 triệu USD là tiền hỗ trợ kỹ thuật, thì cũng sẽ hỗ trợ Bộ Công thương sẽ rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng cần phải thay đổi để đưa vào các cơ chế để hỗ trợ cho thị trường TKNL cũng như là một thị trường khác là thị trường ESCO - thị trường mà các công ty dịch vụ năng lượng để họ phát triển, để những người, những doanh nghiệp sử dụng năng lượng họ có các công cụ để họ làm, họ có năng lực để họ làm, họ có tài chính để họ làm. 
 
Ngoài ra thì cũng có những dự án khác mà Ngân hàng thế giới cũng hỗ trợ, như là dự án cung cấp các khoản vay ưu đãi chẳng hạn. Thì hiện nay Ngân hàng thế giới đang thực hiện một dự án cho vay, cho vay lại thông qua Ngân hàng Công thương, Vietcombank và BIDV đang thực hiện là ngân hàng tham gia cho vay lại, cho vay vốn ưu đãi hơn cho doanh nghiệp để họ đầu tư tiết kiệm năng lượng, tạo cho họ nhiều ưu đãi hơn…
 
PV: Rõ ràng là tiềm năng TKNL rất lớn và các ngành công nghiệp của Việt Nam thì cũng rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Nên chăng chúng ta nên tập trung vào từng lĩnh vực một để chúng ta làm một cách triệt để, thưa ông?
 
Ông Chu Bá Thi: Chính xác. Chị nói hoàn toàn đúng. Chúng ta nên tập trung vào những ngành nào mà sử dụng năng lượng nhiều như sắt thép, xi măng. Nếu như trong thống kê năng lượng thì hai ngành đó là hai ngành sử dụng năng lượng nhiều nhất trong các ngành công nghiệp. Chúng ta nên tập trung vào để giải quyết những ngành đó trước, còn những ngành sử dụng ít hơn thì chúng ta dần dần từng bước sẽ có những ưu tiên thực hiện.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Nguyên Long