Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thực hiện Chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Tổng công ty Điện lực miền Nam nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại 21 tỉnh phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau, bước đầu đã đạt được các kết quả khả quan.
Anh Trần Trung Hiếu ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho biết, sau khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hóa lưới điện quốc gia, số tiền điện hàng tháng gia đình anh phải chi trả đã giảm đi 1 nửa.
“Sau 4 tháng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, chúng tôi thấy hiệu quả rất rõ về mặt kinh tế, tiết kiệm chi phí và tạo dựng được hình ảnh là nhà sản xuất với năng lượng xanh,” ông Nguyễn Trường Chinh - Doanh doanh nghiệp Năm Thụy, tỉnh Trà Vinh cho biết.
Tại 21 tỉnh thành phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau những hệ thống điện mặt trời áp mái đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các khu dân cư cũng như các doanh nghiệp và các cơ quan.
Hệ thống này gồm các tấm pin mặt trời và chuyển hóa nguồn điện được thiết kế, lắp đặt trên nóc các tòa nhà hay văn phòng, hay còn gọi là hệ thống điện mặt trời áp mái, mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và môi trường.
Không chỉ tạo ra điện năng phục vụ sinh hoạt, sản xuất, hệ thống này còn sản xuất điện dư, đẩy ngược lượng điện thừa ra hòa điện lưới và được ghi nhận bằng công tơ đo đếm 2 chiều do ngành Điện lắp đặt.
Ông Lê Hưu Dư - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đầu tư các dự án điện mắt trời áp mái sẽ giúp bổ sung nguồn cấp điện tại chỗ, giúp cho doanh nghiệp và hộ dân chủ động trong sinh hoạt và sản xuất, đồng thời tiết kiệm chi phí.”
Toàn bộ phần mái của tòa nhà làm việc Điện lực Côn Đảo được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất khoảng 100kWp, vượt xa nhu cầu sử dụng của công trình. Côn Đảo hiện vẫn chưa có điện lưới quốc gia và vẫn phải sử dụng điện máy nổ. Hệ thống điện năng lượng mặt trời đã mở ra hướng cấp điện cho Côn Đảo nói riêng và các vùng biển đảo nói chung. Bởi nếu phát điện bằng máy dầu, chi phí để tạo ra 1kWh điện khoảng 6.500 đồng, trong khi đó con số này của điện năng lượng mặt trời là khoảng 4.500 đồng, và dự kiến sẽ còn thấp hơn nhiều, do giá thành của pin mặt trời đã giảm mạnh so với các năm trước.
Ông Đoàn Văn Tranh- Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết: “Tổng công suất sử dụng điện mặt trời của tòa nhà chưa tới 50%, còn lại sản lượng điện hệ thống sản xuất dư được đẩy ra hòa điện lưới Côn Đảo”.
Cho đến thời điểm này, Tổng công ty Điện lực miền Nam đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng 21 tỉnh thành phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau triển khai nhiều giải pháp khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, khách sạn, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình…
Tính đến tháng 3/2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam có 1.000 khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 2.500.000 kWh.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời. Chính vì vậy, Chính phủ đã và đang có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi. Hộ dân và doanh nghiệp có thể bán điện mặt trời lại cho ngành Điện theo giá quy định.
Hiện nay, hàng loạt các dự án lớn về năng lượng mặt trời, điện gió đã và đang đầu tư xây dựng ở các tỉnh duyên hải miền Trung và Nam Bộ. 121 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Dự kiến, Việt Nam sẽ đạt công suất lắp đặt điện mặt trời tăng, gấp 5 lần vào năm 2030.