Sự kiện

Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh: Nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân

Thứ năm, 18/4/2013 | 09:02 GMT+7
Ðược thành lập từ năm 1976, trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh đã không ngừng vượt khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực đó, Tổng công ty đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
 

Cán bộ Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tiên phong để phát triển

Tiền thân là Sở Quản lý và Phân phối điện TP Hồ Chí Minh, đến năm 1981 đổi tên thành Sở Ðiện lực TP Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam - EVN). Năm 2010, Sở Ðiện lực phát triển thành EVN HCMC theo lộ trình tái cơ cấu ngành điện của Chính phủ. Qua 38 năm hình thành và phát triển, EVN HCMC đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ, mục tiêu cấp trên giao phó. Ðến cuối năm 2012, ngành điện thành phố đã được giao quản lý thêm hai trạm biến áp (TBA) 220 kV với tổng công suất 1.013 MVA, đồng thời quản lý lưới điện với quy mô gần 576 km đường dây 110 kV, 41 TBA trung gian 110 kV với tổng dung lượng lắp đặt 4.304 MVA; 5.682 km đường dây trung thế và 10.541 km lưới hạ thế. Không chỉ quy mô lưới điện được phát triển mà chất lượng điện năng cung ứng cũng ngày càng được nâng cao: Tỷ lệ tổn thất điện năng khi mới tiếp nhận lưới điện vào năm 1976 từ mức 22,1%, đã lần lượt giảm xuống còn 17% vào năm 1995 và đến cuối năm 2012 chỉ còn 5,56%; tức là đã giảm tỷ lệ tổn thất đến bốn lần trong vòng 38 năm.

Ðể hoàn thành tốt công tác, Tổng công ty (TCT) đã năng động, sáng tạo triển khai nhiều biện pháp như tiết kiệm chi phí, bố trí cân đối các nguồn vốn, đẩy mạnh chương trình đầu tư phủ kín lưới điện, lập kế hoạch dự phòng cung cấp điện vào mùa khô và triển khai đồng bộ các giải pháp điều hòa phụ tải để hạn chế việc phải tiết giảm điện trong những giai đoạn căng thẳng nhất; thường xuyên theo dõi, cập nhật và thống kê các khách hàng ưu tiên cấp điện và các khu vực diễn ra các sự kiện quan trọng để có kế hoạch cung ứng điện phù hợp.

Với sứ mệnh bảo đảm phát triển điện phải đi trước một bước, TCT đã vượt qua nhiều khó khăn để triển khai các công trình lưới điện nhằm bảo đảm cung ứng điện phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH của thành phố. Theo đó, từ 2001-2010, năng lực và chất lượng vận hành phân phối điện đã nâng lên trên 2,4 lần, không xảy ra tình trạng quá tải. Việc bảo đảm cung ứng điện cho các khu chế xuất - khu công nghiệp trọng điểm của TP Hồ Chí Minh luôn được thực hiện tốt với việc nguồn điện được cấp từ lưới điện quốc gia qua 15 TBA trung gian 220/110kV với tổng công suất là 1.953 MVA. Tháng 8-2011, sau khi tiếp nhận lưới điện của Công ty TNHH Ðiện lực Hiệp Phước, TCT đã nhanh chóng ổn định bảo đảm cung cấp nguồn điện an toàn, liên tục, phát triển mới cho các phụ tải sử dụng điện tại khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhờ đó, các doanh nghiệp và người dân tại khu vực này được mua điện với giá giảm hơn 16% so với trước đây.

EVN HCMC cũng là đơn vị hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn vào năm 2002, góp phần tích cực vào chương trình phát triển nông thôn mới của TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2006-2008, TCT triển khai và hoàn tất công tác phủ kín lưới điện đến từng ngõ hẻm giải quyết nhu cầu cho 29.164 trường hợp gắn đồng hồ đo điện trực tiếp và mua điện đúng giá quy định Nhà nước; bảo đảm hầu hết các xã của thành phố đạt tiêu chí xã nông thôn mới về điện. EVN HCMC hiện là đơn vị dẫn đầu Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam về thành tích tiết kiệm điện. Theo đó, từ năm 2006 đến 2012 tiết kiệm điện được 1,608 tỷ kW giờ (tương đương 1.971,4 tỷ đồng), chiếm bình quân gần 2% sản lượng điện thương phẩm mỗi năm. Nổi bật là trong các năm 2011, 2012, sản lượng điện tiết kiệm toàn thành phố đạt hơn 2,5% sản lượng điện thương phẩm; góp phần hạn chế phải cắt giảm sản lượng điện vào chu kỳ mùa khô khi mà nguồn phát không đủ đáp ứng nhu cầu; giúp giảm phát thải gần 730 nghìn tấn CO2; mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội và môi trường.

Trong công tác bán điện đối với người lao động, sinh viên, công nhân, hộ nghèo, TCT đã triển khai công tác điều chỉnh giá điện theo đúng quy trình, phổ biến thông tin về giá điện,... nhằm bảo đảm  quyền lợi chính đáng của khách hàng và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, công nhân, sinh viên. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2009, TCT đã phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh giám sát việc thu tiền điện đúng giá cho hơn 1,2 triệu công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà trọ góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thực hiện chương trình hỗ trợ giá bán điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp cho gần một triệu hộ khách hàng đủ điều kiện áp giá điện ưu đãi.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Hiện nay, EVN HCMC có gần hai triệu khách hàng sử dụng điện, ngoài ra, mỗi năm còn tăng hơn 88 nghìn khách hàng. TCT luôn cố gắng nỗ lực để thực hiện được cam kết "Chất lượng ngày càng cao, dịch vụ ngày càng hoàn hảo" bằng việc thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: Cải cách hành chính toàn diện trong khâu giao dịch với khách hàng. Ðặc biệt từ tháng 1-2007, quy trình kinh doanh "một cửa" đã rút ngắn thời gian giải quyết các dịch vụ khách hàng; tính đến cuối năm 2012, TCT đã mở rộng việc thu hộ qua 27 ngân hàng với 1.440 điểm thu tiền điện, qua các máy ATM, qua tin nhắn, in-tơ-nét,... Từ 1-5-2012, với sự ra đời của Trung tâm Chăm sóc khách hàng, TCT là đơn vị tiên phong trong EVN về phục vụ khách hàng 24/7 góp phần nâng cao sự phục vụ với khách hàng. Ngoài ra, chương trình chăm sóc các khách hàng lớn, dịch vụ chăm sóc qua tin nhắn SMS và email... để không ngừng nâng cao sự hài lòng của khách hàng trong quá trình sử dụng điện. Ðối thoại là chủ trương được TCT thực hiện từ tháng 10-2012 đến nay. Ðến nay, TCT tiếp nhận gần 400 ý kiến đóng góp từ người dân xoay quanh các công tác của ngành như: công tác thu tiền điện; ngầm hóa lưới điện, tiếp nhận và xử lý sự cố, áp dụng giá điện đúng quy định cho người nghèo, hộ thu nhập thấp, người thuê nhà trọ; công tác an toàn điện và mỹ quan đô thị...

Trong nỗ lực cùng thành phố xây dựng mỹ quan đô thị, TCT đã triển khai nhiều chương trình như: Từ năm 2003 đến nay đã hoàn tất ngầm hóa lưới điện trên một số khu vực trung tâm thành phố. Ðến cuối năm 2012, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện đạt 27% trên tổng số lưới điện trung thế, tương đương 1.545 km. TCT đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư các dự án giao thông, chỉnh trang nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố để hoàn tất di dời lưới điện trên 100 công trình phục vụ các dự án giao thông, trong đó có các công trình trọng điểm của thành phố hoàn thành theo đúng tiến độ UBND TP giao như: dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, cầu đường Nguyễn Văn Cừ, cầu Thủ Thiêm, cầu Khánh Hội, đại lộ Ðông Tây, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc,... Từ năm 2009 đến nay, TCT đã thực hiện làm gọn dây thông tin hơn 80.330 trụ điện, tương ứng với 2.100 km đường dây trên các tuyến đường thành phố. Tổ chức triển khai chương trình làm sạch đẹp, xóa quảng cáo và sơn gốc trụ cho hơn 64.200 trụ điện khu vực trung tâm thành phố.

Những năm qua, TCT luôn được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam biểu dương hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Từ sản lượng điện thương phẩm cung ứng đạt 645,7 triệu kW giờ với khoảng 25% số hộ dân được dùng điện lưới và khả năng cung cấp tối đa chưa được 200 MW vào năm 1976, sau 20 năm phấn đấu và trưởng thành, đến năm 1995, năng lực cung ứng đã được nâng cao đáng kể với công suất cực đại tăng gấp ba lần và sản lượng điện thương phẩm tăng hơn bốn lần, sản lượng điện cả năm đạt hai tỷ 816 triệu kW giờ. Tính đến cuối năm 2012, TCT đã cung ứng sản lượng điện thương phẩm đạt 16 tỷ 725 triệu kW giờ, tăng sáu lần so với năm 1995, chiếm 16% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Ðiện năng tiêu thụ bình quân đầu người của thành phố đến cuối năm 2012 đã đạt hơn 2.190 kW giờ/người/năm, gần gấp hai lần so với mức tiêu thụ bình quân của cả nước. Về giá bán điện: TCT luôn là đơn vị có giá bán điện bình quân cao nhất toàn Tập đoàn, đến năm 2010 là 1.290,6 đồng/kW giờ (cao hơn 22% so với giá bán điện bình quân của Tập đoàn là 1.063,6 đồng/kW giờ). Năm 2011, giá bán điện bình quân là 1.414 đồng/kW giờ - tăng 9,5% so với cùng kỳ, vượt 5 đồng/kWh so với kế hoạch điều chỉnh của Tập đoàn. Về lợi nhuận: Luôn đạt và vượt chỉ tiêu lợi nhuận tập đoàn giao. Tổng lợi nhuận bình quân trong giai đoạn 2001-2010 đạt hơn 163 tỷ đồng/năm.

TCT luôn là vị trí tiên phong của ngành trong lĩnh vực cải tiến, đổi mới toàn diện các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, từ quản lý vận hành lưới điện đến các khâu dịch vụ khách hàng. Ðối với các hoạt động khác như: ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý vận hành lưới điện, ứng dụng hệ thống điều khiển tự động SCADA, ứng dụng rộng rãi công nghệ rô-bốt đào đường, ứng dụng trụ thép đơn thân công nghệ mới trên lưới điện truyền tải, sử dụng rộng rãi công nghệ sửa chữa điện nóng (hotline), ứng dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường luôn được TCT chú trọng xây dựng, phát triển thành công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Bên cạnh các hoạt động nâng cao hiệu quả cung ứng điện năng cho khách hàng, EVN HCMC luôn chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Từ năm 2000 đến nay, TCT đã thực hiện tổng cộng năm đề tài cấp Tập đoàn, 15 đề tài cấp TCT, công nhận hơn 780 sáng kiến, với tổng số tiền làm lợi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nhiều đề tài được ứng dụng thành công như: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán tiền điện tại TCT Ðiện lực TP Hồ Chí Minh", "Xây dựng quy trình hướng dẫn và định mức công việc, ứng dụng vào công tác tái đào tạo kiến thức, kỹ năng tay nghề cho công nhân trực tiếp quản lý vận hành lưới điện đến cấp 22kV"; "Xây dựng công cụ dự báo phụ tải điện năng, phục vụ công tác quy hoạch lưới điện khu vực TP Hồ Chí Minh"; ngoài ra, các sáng kiến về "Giải pháp ngăn ngừa vi phạm sử dụng điện với điện kế điện tử chống lấy cắp điện có tính năng cảnh báo bằng âm thanh"; "TBA 220 kV Vĩnh Lộc tạm chống quá tải cho hai TBA 220 kV Phú Lâm, Hóc Môn và tuyến đường dây 110 kV liên kết hai TBA"...  

Trong công tác đào tạo, giai đoạn năm 2001- 2005 đào tạo bình quân 3.000 lượt người/năm, đến 2006 - 2012 đã tăng lên hơn 14 nghìn lượt người/năm dưới nhiều hình thức như: đào tạo mới, đào tạo chuyên sâu, lớp bồi huấn, tập huấn cho nhiều lĩnh vực khác nhau như: chuyên môn, trình độ quản lý, ngoại ngữ... Bên cạnh thực hiện công tác chuyên môn, những năm qua, EVN HCMC đã đóng góp hơn 20 tỷ đồng thực hiện việc xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, chăm sóc người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng... EVN HCMC cũng luôn chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Quy tắc ứng xử văn hóa trong TCT luôn hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị cốt lõi về Lương tâm - Trách nhiệm - Hiệu quả mà TCT đã  đặt ra. Với khẩu hiệu "Khách hàng là sự tồn tại của chúng ta", nhiều năm qua, TCT đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động, cải tiến thiết thực để nâng cao văn hóa doanh nghiệp cũng như trách nhiệm phục vụ đối với khách hàng.

Từ nay đến năm 2015, EVN HCMC đề ra chỉ tiêu chính phấn đấu đạt sản lượng điện thương phẩm 23 tỷ kW giờ; tiết kiệm điện hơn 2% sản lượng điện thương phẩm để duy trì hệ số đàn hồi năng lượng ở mức dưới 0,8; công suất cực đại đáp ứng đến 4.000 MW; tổn thất điện năng giảm gần 5%. Ðến năm 2020 đạt trình độ phát triển ngang tầm khu vực, trong đó quyết tâm thực hiện trở thành nhà sản xuất, kinh doanh và cung ứng chuyên nghiệp. Cụ thể: hoàn thành bốn mục tiêu xuyên suốt là: (1) Quản lý theo phong cách hiện đại, chuyên nghiệp; (2) Xây dựng lưới điện thông minh vận hành theo hướng hiện đại hóa; (3) Tạo nguồn tài chính vững vàng, minh bạch; (4) Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của CNV-NLÐ. Ba khâu đột phá là: (1) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (2) Hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp và điều hành nội bộ; (3) Phát triển các ứng dụng CNTT và áp dụng toàn diện trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Ba mảng then chốt là: (1) Công tác dịch vụ khách hàng; (2) Công tác vận hành lưới điện, và (3) Công tác đầu tư xây dựng và ba chương trình song hành là: (1) Chương trình quản lý tài chính để phát triển bền vững Tổng công ty, (2) Chương trình quan hệ cộng đồng  và (3) Chương trình mở rộng quan hệ quốc tế.  

Thời gian qua, EVN HCMC đã được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và thành phố ghi nhận và đánh giá cao, khen thưởng bằng nhiều hình thức: Huân chương Lao động hạng ba: 1985, 2002; Huân chương Ðộc lập hạng nhì: 1991, 2010; Huân chương Lao động hạng nhất: 1995;  Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: năm 1997, 2005, 2008; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ: năm 2010, 2011;  Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hồ Chí Minh (12 lần) từ năm 1987-2011;  Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công thương (6 lần): 1996, 1998, 1999, 2004, 2007, 2010; Cờ thi đua xuất sắc của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (3 lần): 1997, 2001, 2009;  Tập thể lao động xuất sắc liên tục: 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011.
Theo: Nhân dân Online