Sự kiện

Trước Tết Ất Mùi, “thủ phủ” Kiên Hải sẽ có điện lưới quốc gia

Thứ ba, 2/12/2014 | 08:23 GMT+7
Sau Phú Quốc, xã đảo Hòn Tre, trung tâm của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), huyện đảo cuối cùng của vùng biển Tây Nam Việt Nam sẽ có điện lưới quốc gia trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Niềm vui này được người dân huyện đảo mong chờ từ lâu và cảm giác từ đất liền ra đảo mất 2 giờ đồng hồ không còn xa nữa.

Vui nhất là chị Nguyễn Thị Xuân Mai ở ấp 1, bởi nhà chị có nhà trọ cho thuê. Chị cho biết, trước thời điểm ngày 1/6/2014, khi các xã đảo chưa được sử dụng giá điện như giá đất liền thì với 7 phòng trọ; trong đó có 4 phòng máy lạnh, mỗi tháng chị phải trả từ 3-7 triệu đồng/tháng, tùy theo có khách với giá khoảng 12.000 đ/kWh. Nhưng sau thời điểm 1/6, bình quân nhà chị chỉ phải trả khoảng 1,3 triệu đồng tiền điện/tháng. Mặc dù có điện 24/24 h nhưng nguồn điện vẫn không ổn định. “Khi có điện lưới quốc gia, chắc chắn chất lượng điện sẽ tốt hơn trong khi giá điện lại rẻ như giá đất liền. Đối với các hộ kinh doanh như nhà tôi không vui sao được”, chị Mai hồ hởi nói.

Không chỉ chị Mai, bà Võ Thị Lệ, ở ấp 3 cũng vui không kém. Bà chủ quán Bãi Bàng tâm sự: Quán ăn đang kinh doanh tốt một phần nhờ nguồn điện cấp ổn định. Tuy nhiên, do khoảng cách nhà máy điện đến nhà bà là 5km nên điện thường yếu, chỉ dùng được thắp sáng. “Được nhà đèn tuyên truyền về dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo, cả gia đình mừng lắm. Nay giá điện ngoài đảo đã như đất liền nên đã giảm chi phí tiền điện mỗi tháng cho gia đình từ 800.000 đồng xuống còn một nửa. Chừng nào có điện lưới quốc gia, tôi sẽ mua thêm chiếc tủ đông nữa”, bà Lệ phấn khởi.

Ông Hứa Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Nhà máy điện Kiên Hải cho biết: Khu vực Trung tâm huyện hiện nay do tỉnh Kiên Giang quản lý bán điện từ 2 tổ máy diesel, công suất 800kW. Mặc dù dân đa số chỉ dùng ánh sáng sinh hoạt nhưng vẫn thường xuyên bị qúa tải. Hiện giá điện sinh hoạt trên đảo là 3000 đ/kWh và sản xuất là trên 10.000 đ/kWh. Để có điện 24/24 h, mỗi ngày xã đảo này phải chi 36 triệu đồng tiền dầu khiến giá thành sản xuất điện lên đến 8.319 đ/kWh. Các đảo khác là An Sơn và Nam Du nguồn phát diesel chỉ 8 h/ngày. Mỗi tháng, Nhà nước phải bù lỗ  khoảng 1,2 tỷ đồng cho riêng Hòn Tre và toàn huyện là 39 tỷ đồng/năm.

Trước đó, huyện Kiên Hải đề xuất với Trung ương hàng năm đầu tư lưới điện trên địa bàn và đề nghị tỉnh hỗ trợ bù giá điện cho huyện, khoảng 20 tỷ đồng cho 5 giờ phát (từ 6 h tối đến 10 h đêm), nếu tăng lên 15 giờ phát thì chi phí lên mấy chục tỷ đồng. Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, ông Huỳnh Thanh Bình cho hay, tỉnh đã đề nghị Chính phủ đưa điện lưới quốc gia ra huyện Kiên Hải nói chung và đảo Hòn Tre nói riêng để phát triển kinh tế trên địa bàn.

Dự án cấp điện cho huyện đảo Kiên Hải từ lưới điện quốc gia có tổng mức đầu tư 81,7 tỷ đồng, gồm 3 công trình; trong đó đường dây trung thế 22kV trên không vượt biển cấp điện cho Trung tâm hành chính của huyện; cải tạo và xây dựng mới đường dây trung thế đồng bộ với dự án (phần bờ phía Hòn Đất) và cải tạo, phát triển lưới điện các khu vực trong huyện. Theo ông Phạm Thành Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, phần cải tạo lưới điện trong trung tâm huyện sẽ được nghiệm thu đóng điện trong tháng 1/2015 để kịp tiếp nhận lưới điện từ đất liền ra.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, ông Phạm Ngọc Lễ cho biết, sau Phú Quốc và Kiên Hải, Tổng Công ty cũng đang làm phương án cấp điện cho các đảo còn lại của huyện Phú Quốc. Đối với đảo Phú Qúy (Bình Thuận) do đảo không lớn, phụ tải ít, lại rất xa đất liền (hơn trăm hải lý), thuộc vùng biển sâu nên khả năng tài chính chưa cho phép để kéo cáp ngầm ra đảo. Do vậy năm nay, Tổng Công ty đã bố trí gần 14,6 tỷ đồng tăng nguồn diesel, công suất 2MW cung cấp cho huyện đảo. Ngoài ra, Tổng Công ty còn đang triển khai lập dự án đầu tư các công trình cải tạo phát triển lưới điện và tăng nguồn diesel cung cấp cho huyện đảo Phú Qúy với tổng công suất nguồn tăng thêm là 3MVA, tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Đối với huyện Côn Đảo cũng vậy. Từ đầu năm nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bàn giao cho Tổng Công ty tiếp nhận để quản lý bán điện trực tiếp cho huyện. Theo ông Lễ, hiện Tổng Công ty đã tăng cường công suất các trạm biến thế phân phối và đang triển khai lập dự án đầu tư cải tạo phát triển nguồn diesel, công suất 3MW với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.     

Với diện tích 4,5km2, Hòn Tre có vị trí thuận lợi hơn các hòn đảo khác có thể khai thác thủy sản 4 mùa, nên ngoài tiêu thụ nội địa còn cung cấp cho các nhà máy thủy sản ở Rạch Gía, Châu Thành. Do vậy, sắp tới, khi có điện lưới quốc gia, huyện sẽ ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế như khai thác hải sản, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 80% sang phục vụ du lịch là chủ yếu, kèm theo dịch vụ nhà hàng, khách sạn như leo núi, thể thao dưới nước, tắm biển; thành lập mạng lưới du lịch khép kín trên đảo theo Nghị quyết của huyện.

“Cùng với mong muốn kéo điện ra Hòn Tre trước Tết Âm lịch này, chúng tôi cũng kêu gọi nhà đầu tư dự án xử lý rác tập trung, đầu tư vào các khu du lịch sinh thái Hòn Tre, Bãi Chén, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, theo hướng phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.” Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải nói./.
 
Mai Phương