Sự kiện

Trạm 500kV Hà Tĩnh: Dấu ấn 20 năm

Thứ hai, 28/7/2014 | 14:17 GMT+7
Chính thức đi vào vận hành cùng thời điểm khánh thành đường dây 500kV Bắc - Nam, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, trạm 500kV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là cầu nối điện quan trọng, gắn kết hệ thống điện miền Bắc với hệ thống điện miền Nam. Kết quả này có được là do sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, công nhân viên nhiều thế hệ từng công tác, làm việc tại trạm.  
 


Trạm 500kV Hà Tĩnh
 
Năm 1986, Ðại hội lần thứ 6 của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã thổi luồng không khí đổi mới vào mọi mặt đời sống đất nước. Nền kinh tế từng bước thoát khỏi lạm phát và bắt đầu tăng trưởng. Chính phủ và ngành điện đứng trước một thách thức không nhỏ là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu điện năng cho đất nước. Non sông gấm vóc đã thống nhất hơn mười năm nhưng ba miền vẫn phải dùng 3 hệ thống điện tách biệt. Ở miền Bắc, với việc lần lượt hoàn thành các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhu cầu điện năng không những được thỏa mãn mà còn dư thừa. Miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng. Trong lúc đó tốc độ tăng trưởng kinh tế ở miền Nam cao hơn hẳn hai miền còn lại. Ðiều đó đồng nghĩa với việc phải giải quyết việc cấp đủ điện cho miền Nam. Ðó là lý do ra đời Dự án Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam, trong đó có Trạm 500kV Hà Tĩnh.
 
Nhớ lại những ngày chuẩn bị sản xuất, đội ngũ Trạm 500kV Hà Tĩnh lúc đó được tạo lập từ nhiều nguồn. Một số kỹ sư từ Phòng Kỹ thuật Sở Truyền tải điện miền Bắc, nay là Công ty Truyền tải điện 1. Một số cán bộ, công nhân từ Chi nhánh Truyền tải điện Nghệ Tĩnh, chủ yếu là từ trạm 220kV Hưng Ðông. Một số từ các đơn vị xây lắp điện chuyển sang. Ða số còn lại là học sinh, sinh viên mới ra trường. Một thách thức lớn đối với đội ngũ trạm lúc đó là hầu hết các thiết bị đều do các hãng lớn của các nước G7 sản xuất, lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Tụ bù dọc của Hãng Nokia, kháng bù ngang của Hãng ABB, máy cắt của hãng Nuova Magrini Galileo, các rơ-le kỹ thuật số của Siemens, Alstom. Toàn bộ tài liệu kỹ thuật đi kèm thiết bị đều bằng tiếng Anh nhưng hầu hết anh em vận hành, sửa chữa đều chưa được học. Các đồng chí kỹ sư Phòng Kỹ thuật mà chúng tôi nhớ rõ như các đồng chí Vũ Ngọc Minh, Nguyễn Hữu Long, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Phúc An, Nguyễn Thị Lan Bình, Nguyễn Trọng Thược, Thái Minh Thắng là những người thầy gần gũi, tận tình hướng dẫn anh em tìm hiểu thiết bị sẵn sàng cho việc đóng điện.
 
Ngày 27-5-1994, với sự chứng kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Trạm 500kV Ðà Nẵng, hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam được đóng điện thành công, chính thức đi vào vận hành. Ðiện năng từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã được truyền tải vào tận miền Nam qua gần 1.500km đường dây 500kV và 5 trạm biến áp 500kV lần lượt từ Bắc vào Nam là Hòa Bình, Hà Tĩnh, Ðà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm.
 
Trong công tác vận hành, trạm luôn đảm bảo theo dõi chặt chẽ, kiểm tra kỹ lưỡng, phát hiện và xử lý kịp thời khiếm khuyết thiết bị, ngăn ngừa nguy cơ sự cố mà điển hình là hiện tượng áp nhị thứ các pha TU 500kV chênh lệch nhau; Trạm tự xử lý được nhiều khiếm khuyết thiết bị có mức độ phức tạp cao: Máy cắt xì khí nén, rò khí SF6, hư hỏng mạch điều khiển…
 
Trong công tác đào tạo nhân lực tại trạm, một chủ trương được kiên định thực hiện là biến quá trình được đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Cơ sở đề ra chủ trương này là do tình hình thực tế: Trạm ở xa công ty, xa các trung tâm văn hóa lớn, rất khó khăn trong việc mời thầy, tiềm năng trí tuệ của anh em không nhỏ chỉ chưa được khai thác, phát huy. Trạm đã tự bồi huấn tiếng Anh cho nhau, giao việc nghiên cứu, tìm hiểu từng thiết bị, từng mạch cụ thể đến từng cá nhân rồi bồi huấn lại cho người khác. Trạm đã có một trực chính đạt giải Nhất, một trực chính đạt giải Nhì trong các cuộc thi thợ giỏi cấp công ty. Trạm được công ty tín nhiệm giao tham gia đào tạo nhân viên vận hành trong giai đoạn chuẩn bị sản xuất cho các trạm 500kV Thường Tín, Quảng Ninh, Sơn La. Có thể nói rằng, Trạm 500kV Hà Tĩnh là cái nôi đào tạo cán bộ cho Truyền tải điện Hà Tĩnh và một số đơn vị bạn. Ðã có đến 6 đồng chí giám đốc, phó giám đốc Truyền tải điện đã từng công tác tại Trạm 500kV Hà Tĩnh.
 
Ngoài nhiệm vụ quản lý vận hành, tập thể cán bộ, công nhân viên trạm đã tích cực tham gia giám sát, thi công các dự án: Mở rộng các ngăn lộ 500kV đồng bộ với đường dây 500kV mạch 2, mở rộng các ngăn lộ và hoàn thiện sơ đồ 2 thanh cái có thanh cái vòng cho phía 220kV, lắp các máy cắt kháng bù ngang 500kV, nâng công suất các bộ tụ bù dọc 500kV.
 
Những thành tích nói trên cùng với sự nề nếp trong các mặt công tác khác của Trạm đã được cấp trên ghi nhận. Nhiều năm trạm đạt danh hiệu trạm kiểu mẫu của PTC1 và đã được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Qua 20 năm với nhiều lần mở rộng, Trạm 500kV Hà Tĩnh hiện đã có quy mô: Diện tích mặt bằng xấp xỉ 130.000m2, tổng dung lượng biến áp 578MVA, tổng dung lượng 4 kháng bù ngang 452MVAr, tổng dung lượng 4 tụ bù dọc 1026MVAr. Sắp tới trạm sẽ được lắp thêm một máy biến áp 500kV và một máy biến áp 220kV. Vai trò của trạm trong hệ thống điện quốc gia ngày càng quan trọng. Ngoài việc tham gia truyền tải điện năng giữa hai miền đất nước, cung cấp điện cho Khu IV cũ, trạm phải sẵn sàng nhận điện từ Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng đưa lên lưới truyền tải. Tập thể Trạm 500kV Hà Tĩnh nhận thức rõ nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang của mình. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đơn vị bạn để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, quê hương.
 
Theo: Petrotimes