Sự kiện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đào tạo nhân lực điện hạt nhân phải sát thực tế, hiệu quả

Thứ năm, 24/7/2014 | 09:09 GMT+7
Chiều 23/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo.
 


Phó Thủ tướng CP Vũ Đức Đam. Ảnh: Ngọc Thọ
 
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về thực trạng và tổng hợp nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên đến năm 2020 trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nước ta có khoảng 1.300 người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với 42 lĩnh vực chuyên môn, công việc khác nhau. Trong tổng số này, khoảng 350 người (chiếm khoảng 25%) tốt nghiệp các chuyên ngành hạt nhân như kỹ thuật hạt nhân, vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, điện hạt nhân, hóa phóng xạ…  

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử gần 20 người đi đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc, Liên bang Nga, đang làm thủ tục gửi tiếp cán bộ đi đào tạo ngắn hạn ở Nga. Bộ đã thành lập Trung tâm thông tin về năng lượng nguyên tử đặt tại Trường Đại học Bách Khoa; xây dựng mạng lưới các trường cam kết chia sẻ tài nguyên về chương trình, tài liệu, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…

Để đáp ứng nhiệm vụ theo Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, cần có 6.000 người có trình độ từ đại học trở lên làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (bao gồm cả điện hạt nhân). Số lượng nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của các bộ, ngành, địa phương... hiện nay là 1.300 người. Do đó, để có được con số 6.000 người đến năm 2020, ước tính cần tổ chức đào tạo và tuyển dụng mới khoảng 5.000 người, bao gồm cả nguồn nhân lực bù cho số cán bộ sẽ về hưu từ nay đến năm 2020.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2012 đến nay, căn cứ thỏa thuận hợp tác với Bộ Phát triển nguồn nhân lực Hungary, Bộ đã cử 157 (trên tổng số 500 lượt người theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử - Đề án 1558) cán bộ giảng viên của các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đi bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.

Sau khi nghe báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được Đảng, Nhà nước bàn vì vậy cần chuẩn bị cả về pháp lý, tài chính, kỹ thuật, nhân lực để tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Hướng đào tạo là đào tạo ngay từ đại học và đào tạo sau đại học. Công tác đào tạo theo hướng không chỉ cho nhà máy mà còn phân công về giảng dạy, nghiên cứu, công tác tại các bộ, ngành vì nhu cầu về nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam là rất lớn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tiến độ, kế hoạch đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này cần phải sát thực tế, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.


Mô hình điện hạt nhân của Nhật Bản giới thiệu tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thọ

Cùng ngày, tại trụ sở EVN, đã khai mạc Lớp phổ biến kiến thức về điện hạt nhân cho phóng viên các báo đài trong và ngoài ngành tại Hà Nội. Giảng viên là các chuyên gia về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân đến từ Cục Năng lượng nguyên tử; Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ); Trung tâm An toàn hạt nhân; Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; các phóng viên, nhà báo chuyên trách về lĩnh vực điện hạt nhân.

Theo Tiến sỹ Lê Văn Hồng - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân vẫn đang là lựa chọn tối ưu của các nước có nhu cầu cao về năng lượng, tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân trên thế giới khoảng gần 11%/năm. Và số lò phản ứng đang xây dựng tính tới thời điểm này là 72 lò. Pháp đang là nước dẫn đầu về điện hạt nhân. Điện hạt nhân là nguồn năng lượng có tính kinh tế, ổn định cho an ninh năng lượng và và nguồn năng lượng sạc vì giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Việt Nam được dự báo vào năm 2050, nguồn năng lượng điện hạt nhân chiếm 20%. Sau sự cố Fukushima do động đất, sóng thần, một số quốc gia tuyên bố loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân quá cũ hoặc xem xét các dự án xây dựng mới nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, điện hạt nhân vẫn là sự lựa chọn số 1 tại nhiều quốc gia đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.

Ông Phan Minh Tuấn – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết: Theo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam thì sẽ có 7 địa điểm ứng viên và mỗi địa điểm có thể xây dựng từ 4-6 tổ máy. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận và Ninh Thuận 2 sẽ được xây dựng tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Quy mô công suất dự kiến khoảng 4000 MW cho mỗi nhà máy, công nghệ là lò nước nhẹ với nhiên liệu nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Lê Doãn Phác khẳng định chính sách nhất quản của Việt Nam là phát triển và sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử với Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Riêng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam ký với Nga và Nhật các Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác trong đó Nga là đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Nhật xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Ngày 22/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Việt-Mỹ, còn được gọi là Hiệp định hợp tác hạt nhân 123 sẽ cho phép các công ty của Mỹ thâm nhập vào thị trường đang mở rộng của Việt Nam về phát triển điện hạt nhân.

Ngọc Thọ