Sự kiện

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia: Xứng đáng vai trò “đầu tàu” của hệ thống điện

Thứ ba, 9/6/2009 | 08:59 GMT+7

Sau 15 năm phát triển, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Ao) đã không ngừng lớn mạnh, xây dựng được đội ngũ cán bộ, kỹ sư có trình độ cao, tinh thông nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, làm chủ công nghệ, thiết bị hiện đại trong điều hành, chỉ huy hệ thống điện, góp phần quan trọng đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, tin cậy, liên tục và kinh tế cao.

 

Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Ao có trình độ chuyên môn cao, làm chủ khoa học công nghệ - thiết bị hiện đại

Sau khi được thành lập (ngày 11/4/1994), nhiệm vụ đầu tiên của Ao là chuẩn bị phương thức đóng điện và vận hành hệ thống truyền tải điện cao áp 500 kV Bắc - Nam (mạch 1) nhằm liên kết hệ thống điện ba miền Bắc - Trung - Nam đang vận hành độc lập, cấp điện áp truyền tải cao nhất là 220 kV. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp đối với đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Trung tâm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là chuyên gia Úc, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Ao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng điện đường dây 500 kV.

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) được thành lập. Ao trở thành đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, trực thuộc EVN. Tới năm 1999, Trung tâm đã tiếp nhận ba trung tâm điều độ hệ thống điện (HTĐ) miền đang trực thuộc các Công ty Điện lực 1, 2, 3. Từ một đơn vị nhỏ với số CBCNV khoảng 80 người, đến nay, tổng số CBCNV trong Trung tâm là gần 400 người, đảm bảo nhiệm vụ điều hành trực tiếp HTĐ bao gồm các nhà máy điện có công suất ≥ 30 MW, hệ thống truyền tải từ cấp điện áp 66 – 500 kV và chỉ huy điều độ vận hành lưới điện phân phối của các điện lực tỉnh, thành phố.

Những năm qua, do nhu cầu điện năng tăng cao (từ 13 – 15%/năm, có năm  tới 17 - 18%), các phần tử của hệ thống điện như các nhà máy điện, trạm biến áp, đường dây truyền tải liên tục được xây dựng mới và đưa vào vận hành trong hệ thống điện. Trong vòng 15 năm, từ năm 1994 đến 2008, sản lượng điện tăng trưởng từ 12,28 tỷ lên 76,955 tỷ kWh, công suất cũng tăng tương ứng từ 2.796 MW lên 12.636 MW. Thực tế đó đã đặt ra không ít thách thức cho công tác điều độ, chỉ huy vận hành hệ thống điện của Ao. Hơn nữa, tiến độ các nguồn điện mới đưa vào thường bị chậm, lưới điện phát triển còn thiếu đồng bộ, vừa phải cải tạo chống quá tải vừa phải vận hành; hệ thống rơ le bảo vệ, tự động chống sự cố trên lưới điện chắp vá, thiếu đồng bộ; hệ thống điện không có đủ công suất dự phòng… Những yếu tố bất lợi đó đã ảnh hưởng rất lớn tới việc tính toán, triển khai các phương thức vận hành hệ thống điện của Ao.

Tuy nhiên, vượt lên những thách thức đó, bằng tinh thần chủ động, sáng tạo, không ngừng học hỏi, tập thể CBCNV Ao 15 năm qua luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhanh chóng làm chủ và khai thác có hiệu quả các thiết bị công nghệ hiện đại, các phần mềm tính toán chuyên dụng, trực tiếp tính toán, đưa ra các phương thức vận hành, chỉ huy hệ thống điện đảm bảo tối ưu về an toàn, kinh tế, góp phần đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho khách hàng. Riêng về vấn đề thiếu công suất dự phòng, truyền tải cao trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam, Ao đã đề xuất và là đơn vị đầu tiên tính toán thiết kế, lắp đặt hệ thống sa thải phụ tải theo tần số F81 trên phạm vi toàn quốc. Trung tâm cũng tính toán thiết kế hệ thống sa thải phụ tải đặc biệt tại các hệ thống điện miền Bắc, miền Nam ở cấp điện áp 110 kV; hệ thống phòng chống sự cố khi mất nguồn cung cấp khí Nam Côn Sơn; hệ thống tách đảo nhằm đảm bảo cấp điện cho một số phụ tải quan trọng của thủ đô Hà Nội trong trường hợp hệ thống điện sụp đổ. Tất cả các hệ thống bảo vệ đặc biệt trên đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn các sự cố mất điện diện rộng trong suốt hơn 10 năm qua, cũng như tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Được biết, ngoài các mệnh lệnh chỉ huy vận hành thông thường, mỗi năm Ao cùng với các điều độ miền phải thực hiện hàng ngàn phiếu thao tác, xử lý hàng trăm sự cố trên hệ thống điện từ cấp 66 – 110 - 220 và 500 kV. Tất cả các thao tác và xử lý sự cố của Trung tâm những năm qua đều được thực hiện an toàn, nhanh gọn, giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng.

Từ năm 2005 - 2008, Trung tâm đã tích cực tham gia xây dựng và điều hành thị trường điện nội bộ, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm. Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành đóng góp và xây dựng quy trình, quy định pháp lý làm nền tảng cho việc vận hành thị trường điện hoàn chỉnh sau này. 

Cùng với nhiệm vụ chính là chỉ huy điều hành sản xuất, những năm qua, Ao còn được EVN giao thực hiện một số dự án quan trọng và phức tạp như: Dự án SCADA/EMS của Điều độ Quốc gia giai đoạn 2; Dự án nâng cao năng lực của các trung tâm điều độ lưới điện truyền tải; Dự án hệ thống SCADA/EMS Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc, Trung, Nam do các công ty điện lực làm chủ đầu tư… Các dự án này đều được hoàn thành đạt chất lượng cao và tiết kiệm cho Tập đoàn nhờ không phải thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài.

Thời gian tới, với dự báo nhu cầu phụ tải gia tăng với tốc độ lớn, hệ thống điện ngày càng mở rộng, công tác điều hành, chỉ huy hệ thống điện sẽ trở nên phức tạp, khó khăn gấp bội. Cùng với đó là nhiệm vụ điều phối thị trường điện – một loại hình hoạt động rất mới mẻ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Đó là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, tin cậy và kinh tế.

Theo: Tạp chí điện lực