Sự kiện

An toàn hành lang điện siêu cao áp luôn bị đe dọa

Thứ sáu, 29/5/2009 | 09:44 GMT+7
Được biết, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2009, lượng điện truyền tải trên đường dây 500 kV mạch 1 đã đạt 5,3 tỷ kWh, bằng gần 30% so với mức truyền tải cả năm 2008 khiến cho nhiều đường dây và trạm 500 kV/220 kV luôn trong tình trạng đầy hoặc quá tải. Bên cạnh đó, những vi phạm hành lang an toàn điện cũng đang đặt hệ thống điện luôn đứng trước nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho đường dây 500 kV Bắc - Nam được coi là nhiệm vụ hàng đầu, thậm chí quan trọng hơn cả việc đưa thêm các nguồn điện mới vào hoạt động.
 
 

Bát sứ bị bắn vỡ tại đường dây 500 kV.

Hành lang an toàn luôn bị đe dọa

Trên đồi Cốm, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình, cách các trụ điện đường dây 500 kV Bắc- Nam và các trụ điện số hiệu 61-62-63 đang được xây dựng cho tuyến 500 kV Sơn La-Hoà Bình-Nho Quan khoảng 200-300m đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún sụt, ảnh hưởng đến nền móng của các cột điện cao thế. Nguyên nhân của hiện tượng này là do việc khai thác than tràn lan dưới chân đồi Cốm từ 5-6 năm qua cùng với việc sử dụng vật liệu nổ trong quá trình khai thác đã tác động đến nền móng địa chất. Nếu không kịp thời khắc phục có thể làm nghiêng, đổ cột truyền tải điện Bắc-Nam, gây nguy cơ mất an toàn cho các đường dây 500 kV, nhất là mùa mưa bão đã cận kề. Cách đây mấy năm, chân cột điện cao thế 500 kV ở Xuân Nam (Hà Tĩnh) cũng bị báo động xói lở do tình trạng khai thác cát trái phép ở đây. Đây chỉ là vài vụ việc điển hình của việc khai thác gần chân cột điện siêu cao áp.

Không chỉ có thế, tình trạng trẻ em dùng súng cao-su bắn vỡ bát sứ cách điện, gây hậu quả nghiêm trọng đối với đường dây 500 kV vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương. Ngày 4/6/2008, Ðội Truyền tải điện Tam Kỳ trong quá trình tổ chức kiểm tra tuyến, đã phát hiện tại vị trí 86 đường dây 500 kV mạch 2, ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành, Quảng Nam) bị vỡ chín bát sứ cách điện mà nguyên nhân là do 13 trẻ em chăn trâu đã thách đố nhau dùng ná cao su bắn, ước tính thiệt hại đến hơn 1,24 tỷ đồng do phải cắt điện để sửa chữa, chi phí mua sứ mới, nhân công, phương tiện đi kiểm tra và sửa chữa khắc phục hậu quả.

Đó là chưa kể tình trạng đốt nương rẫy dưới đường dây điện, bắn chim trên cột điện, thả diều, tháo bu-lông đế cột, thanh giằng cột điện... đã gây ra nhiều sự cố, thiệt hại lớn. Ngoài ra, ở nhiều nơi trên hành lang đường dây cao thế Bắc - Nam bị người dân chiếm dụng để trồng cây, xây nhà trái phép dưới đường điện. Rồi những khó khăn về giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến để đảm bảo tiến độ thi công, vấn đề điện từ trường cũng đang gây khó khăn không nhỏ cho công tác truyền tải.

Bên cạnh “nhân tai”, thiên tai cũng là nỗi lo thường trực của ngành điện. Do địa lý Việt Nam có biển chạy theo chiều dài, chiều ngang lại hẹp, núi cao, vực sâu, khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa bão thường xuyên. Chỉ cần một vị trí cột bị gió bão giật đổ là có thể gây sự cố rã lưới toàn tuyến. Trận bão lũ năm 2008 ở Lào Cai nhiều móng cột bị sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng mưa lũ làm sạt lở tới sát chân móng xảy ra không ít. Trong khi đa phần chiều dài của đường dây truyền tải 500 kV đi qua địa hình rừng rậm, núi cao, suối sâu và sình lầy. Đường vào tuyến không có hoặc nếu có thì do lâu ngày đã bị mưa lũ, thiên tai bào mòn, gây sạt lở đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành, kiểm tra và xử lý sự cố trên đường dây.

Mùa khô nắng nóng kéo dài, bụi đất đỏ bazan bám vào trục sứ gặp sương mù gây phóng điện qua sứ, tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy của bà con ở nhiều địa phương cũng thường xuyên đe dọa an toàn lưới điện. Mùa mưa cây cối mọc rất nhanh, nếu phát tuyến không kịp sẽ ảnh hưởng đến an toàn đường dây. Khó khăn về giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến để đảm bảo tiến độ thi công, giải quyết được mâu thuẫn giữa nguồn và tuyến; Vấn đề vi phạm hành lang tuyến của người dân; và vấn đề điện từ trường.

Đảm bảo an ninh truyền tải – còn nhiều khó khăn

Để giữ thông dòng điện, Tổng công ty Truyền tải (NPT) đã và đang tìm mọi giải pháp đảm bảo an toàn cho đường dây 500 kV Bắc – Nam. Vấn đề là “lực bất tòng tâm”. Ông Nguyễn Hà Đông, giám đốc Tổng công ty Truyền tải cho biết, đường dây 500 kV mạch 1 đi vào vận hành được 15 năm nên việc xuống cấp của thiết bị là khó tránh khỏi, nhất là các MBA 500 kV, cáp nhị thứ, máy cắt… Trong đó, một số chi tiết, linh kiện khi hỏng hóc không có thiết bị thay thế do nhà sản xuất không còn chế tạo theo chủng loại ban đầu. Khả năng đáp ứng về truyền tải điện của lưới điện còn thấp so với nguồn nên yêu cầu về vận hành, sửa chữa lớn rất căng thẳng. Để thay thế sửa chữa những thiết bị này, NPT đang gặp nhiều trở ngại do nguồn vốn đầu tư thiếu nghiêm trọng nên NPT không thể mua sắm dự phòng cũng như trang bị máy móc thiết bị và phương tiện thiết yếu phục vụ sản xuất.

Ông Đông cho biết, mỗi năm chi phí sửa chữa của đường dây 500 kV mạch 1 đã lên tới 200 tỷ đồng, chưa kể các đường dây 500 kV mạch 2 và các đường 220 kV. Trong khi NPT thành lập vào năm 2008 là giai đoạn khó khăn nhất do lạm phát kinh tế toàn cầu. NPT không có vốn lưu động bằng tiền, lại chưa đủ 3 năm kinh doanh có lãi nên không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Mong muốn của NPT là EVN triển khai nhanh dự án Nâng dung lượng tụ bù dọc 500 kV Đà Nẵng – Hà Tĩnh từ 1000A lên 2000A để nâng cao khả năng truyền tải của đường dây 500 kV, đồng thời tăng cường vật tư dự phòng lưới điện để đảm bảo vận hành trong điều kiện truyền tải công suất cao.

Đặc biệt, các ban ngành cần tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của điện từ trường, nhất là hiện tượng cảm ứng tĩnh điện theo các quy định hiện hành; chuẩn hóa thiết bị và phương pháp đo điện trường, tiếp đất theo quy định cho các bộ phận kim loại nằm trong vùng ảnh hưởng của điện trường. Trong điều kiện nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, các nhà máy đi vào hoạt động ngày càng nhiều thì việc vận hành an toàn đường dây siêu cao áp 500 kV và các đường dây tải điện khác càng quan trọng. Để giải quyết vấn đề này không chỉ cần sự cố gắng của các “nhà truyền tải” mà còn cần sự ủng hộ về cơ chế, tài chính của các ban ngành và sự tham gia tích cực của người dân.

Theo Công Thương