Sự kiện

Doanh nghiệp chung tay với ngành Điện sử dụng điện hiệu quả

Thứ ba, 26/5/2009 | 09:14 GMT+7
Chi phí cho giá điện trong giờ cao điểm lớn hơn rất nhiều chi phí trong giờ thấp điểm, do vậy sử dụng điện vào giờ cao điểm phải chịu giá cao hơn, đó là bản chất vật lý của việc tiêu thụ điện, đó mới là kinh tế thị trường. Vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công Thương Tạ Văn Hường khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.

 

Quá tải hệ thống điện sẽ gây ra nhiều sự cố- Ảnh: Chinhphu.vn

Phóng viên: Xin ông cho biết tại sao giá điện giờ cao điểm lại cao hơn so với giá điện giờ thấp điểm?

Ông Tạ Văn Hường: Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) mua điện từ các nhà máy thủy điện với giá trung bình khoảng 3,8 cent/kWh, trong khi đó giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện dao động từ 4,5-5 cent/kWh.

Theo quy trình vận hành hệ thống điện quốc gia, EVN sẽ huy động các nguồn điện  rẻ trước như thủy điện. Nhưng khi nhu cầu sử dụng điện (mức phụ tải) lên quá cao trong các giờ cao điểm, bắt buộc hệ thống điện phải huy động đến các nguồn điện đắt hơn như nhiệt điện chạy than, dầu, khí. Chi phí cao chính là nguyên nhân tăng giá điện trong giờ cao điểm. 

Theo lịch phát điện, các tổ máy phát điện luân phiên theo các ca trong ngày. Như vậy, những tổ máy đã phát điện trong giờ thấp điểm sẽ được nghỉ để bảo dưỡng trong giờ cao điểm.

Nhưng nếu nhu cầu sử dụng điện quá cao tại các giờ cao điểm thì buộc EVN phải tiếp tục sử dụng cả những tổ máy vừa mới sử dụng trong các giờ trước. Việc máy móc chạy quá tải sẽ nhanh hỏng hóc, giảm tuổi thọ dẫn đến tình trạng thường xuyên phải sửa chữa, thay thế thiết bị gây tốn kém, giảm hiệu suất đầu tư ban đầu.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố mất điện trong giờ cao điểm mà các doanh nghiệp sản xuất hay phàn nàn trong thời gian vừa qua.

Phóng viên: Giá điện sản xuất tăng sẽ gây sức ép lên giá thành sản phẩm.. Vậy theo ông doanh nghiệp sẽ phải làm gì?

Ông Tạ Văn Hường: Điện là một loại hàng hóa, do vậy tôi cho rằng ai sử dụng bao nhiêu thì trả  tiền bấy nhiêu. Đó là kinh tế thị trường. Doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện cả trong giờ cao điểm và giờ thấp điểm nên vừa được tính giá điện ở giờ thấp điểm lại vừa chịu giá điện ở giờ cao điểm. Như vậy là công bằng. Về mặt nào đó, chi phí giá điện sản xuất ở hai thời điểm này có thể bù cho nhau.

Theo kết quả tính toán được, mức độ tiêu thụ điện ở thời điểm từ 9h30-11h30 cùng với thời điểm 17h-20h là hai thời điểm có cường độ sử dụng điện cao nhất trong ngày. Với cách tính như hiện nay khách hàng chỉ phải trả giá cao nếu dùng điện ở giờ cao điểm.

Theo tôi, doanh nghiệp có thể bố trí ca kíp giờ làm vào những giờ thấp điểm để tránh giờ cao điểm, đồng thời phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn công nghệ bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện năng. Có thể nói, giá điện của Việt Nam hiện thấp nhất Đông Nam Á. Do vậy nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước đã tận dụng điều này để đầu tư vào những ngành sản xuất, những công nghệ lạc hậu rất tiêu tốn điện năng. Do vậy, khi giá điện sản xuất thay đổi những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ phải chịu giá thành cao đầu tiên.

Việc sử dụng điện và điều chỉnh nhu cầu điện hợp lý trong giờ cao điểm thực sự là giải pháp đơn giản song lại góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng cho ngành Điện rất nhiều. Vì nếu khi biểu đồ điện quốc gia được điền đầy, mức độ sử dụng điện dàn đều các giờ trong ngày thì chúng ta không phải tốn công sức, tiền bạc để đầu tư thêm quá nhiều nhà máy điện như hiện nay.

Và việc phải xây dựng thêm nhiều nhà máy, nguồn điện mới chỉ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong 4-5giờ cao điểm mỗi ngày mà không sử dụng đến trong giờ thấp điểm là rất lãngphí và quá tốn kém.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nguyệt Hà (thực hiện)

Theo Chinhphu.vn