Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Không chỉ gắn liền với từng giai đoạn lịch sử, quá trình giải phóng dân tộc trước đây, thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay, đặc biệt trong suốt hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành năng lượng đã từng bước tự lực, tự chủ, có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Làm rõ hơn nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Anh hùng Lao động, TS. Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng.
PV: Thưa ông, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Năng lượng giai đoạn 1992-1995, ông có nhận xét gì về những bước tiến của ngành năng lượng Việt Nam và đóng góp của ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước?
Ông Thái Phụng Nê: Bộ Năng lượng được thành lập từ ngày 1/1/1989 theo Quyết định số 1379NL/TCCB-LĐ ngày 5/12/1988 của Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) trên cơ sở hợp nhất hai Viện: Viện Năng lượng và Điện khí hóa với Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật điện.
Khi đó, Bộ Năng lượng quản lý 2 ngành là điện lực và than; ngành dầu khí khi đó là Tổng cục Dầu khí trực thuộc Chính phủ. Sau này, thành lập Bộ Công nghiệp thì lĩnh vực dầu khí được chuyển về Bộ Công nghiệp.
Như chúng ta đã biết, ngành điện và than của Việt Nam được hình thành từ rất sớm, năm 1894 Việt Nam đã có nhà máy điện đầu tiên đó là Nhà đèn Vườn hoa Hải Phòng, còn ngành than cũng đã có lịch sử khai thác gần 180 năm. Trải qua khoảng 60 năm Pháp thuộc, 30 năm cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc (chống Pháp, chống Mỹ) và sau 19 năm kể từ ngày đất nước được giải phóng thì Mỹ mới bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.
Tôi liệt kê như vậy để thấy rằng mặc dù ngành than và điện của Việt Nam được hình thành từ rất sớm, nhưng để ngành than và điện phát triển có một kết quả vượt bậc thì phải kể đến thời kỳ đất nước được giải phóng, nhất là sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận với Việt Nam.
Theo Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương thì việc trọng yếu là phải phát triển năng lượng, điện phải đi trước một bước. Với tinh thần như vậy, thì phải nâng cao công suất khai thác than để cung ứng cho sản xuất điện, các ngành công nghiệp khác và phục vụ xuất khẩu để có nguồn ngoại tệ.
Trước đây, quy mô ngành than rất nhỏ, nhưng vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khai thác và chế biến than đã bắt đầu khởi sắc với sản lượng gần 10 triệu tấn/năm và đến nay đã đạt khoảng 40 triệu tấn/năm.
Đối với ngành điện, mặc dù có lịch sử gần 126 năm, tuy nhiên trong thời gian Pháp thuộc và chiến tranh chúng ta hầu như không có gì. Năm 1954, công suất nhiệt điện ở miền Bắc vào khoảng 32,5 MW. Sau 1954 ở miền Bắc có thêm nhiều nhà máy điện như Thủy điện Thác Bà (1964), Nhiệt điện Uông Bí (1961) với sự giúp đỡ của Liên Xô (Nga). Đây là sự phát triển mạnh mẽ ở phía Bắc trước khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau năm 1975, Liên Xô tiếp tục giúp đỡ Việt Nam xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với công suất 1.920 MW (năm 1979), Nhiệt điện Phả Lại 440 MW (năm 1980).
Từ nền tảng đó, trong 15 năm trở lại đây, chúng ta đã có bước phát triển mạnh mẽ với hàng loạt công trình nguồn điện lớn như Thủy điện Sơn La, Lai Châu và nhiều thủy điện nhỏ; hình thành các trung tâm điện lực như: Quảng Ninh, Vĩnh Tân, Duyên Hải… Đặc biệt, chúng ta đã tự chủ từ khảo sát, thiết kế, tư vấn, thi công, lắp đặt và quản lý vận hành. Chúng ta còn sang cả Lào để xây dựng các nhà máy thủy điện để đưa điện về Việt Nam. Cùng với đó là hệ thống truyền tải có quy mô lớn, rộng khắp, liên kết khu vực.
Đến nay, hệ thống điện đã lớn mạnh, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế đất nước. Hơn 99,25% hộ dân trên cả nước đã có điện, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Điều đó cho thấy ngành năng lượng, trong đó có điện đã phát triển nhanh chóng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa -hiện đại hóa đất nước.
PV: Vậy những mốc son của ngành điện là gì? Và bài học kinh nghiệm từ những kết quả đó, thưa ông?
Ông Thái Phụng Nê: Lịch sử ngành điện có nhiều tự hào, trong đó phải kể đến 2 điểm son sáng chói đó là Thủy điện Hoà Bình năm 1979 và đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 năm 1992.
Có thể khẳng định, khi có Thủy điện Hòa Bình thì chất lượng điện miền Bắc tốt hơn rất nhiều. Điện được đưa về đến các vùng nông thôn, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, thực hiện thành công chống lũ cho hệ thống sông Hồng, không còn tình trạng lũ lụt; điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh kế người dân phát triển.
Từ năm 1992, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện thừa, miền Bắc không sử dụng hết trong khi miền Nam lại thiếu điện. Lúc đó Bộ Năng lượng đề xuất xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam nhằm giải quyết thiếu điện cho miền Nam.
Dư luận trái chiều rất nhiều, xây dựng một công trình với chiều dài 1.487 km đi qua rừng núi mà lại tuyên bố hoàn thành trong 2 năm, điều mà chưa nước nào trên thế giới đã làm, chứ nói gì Việt Nam vừa khôi phục sau chiến tranh, vẫn đang bị Mỹ cấm vận.
Lúc đó, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nói rằng: Kỹ thuật là do Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm, quyết định xây dựng đường dây 500kV là của Thủ tướng. Tôi quyết định nếu không làm được hoặc thất bại tôi sẽ từ chức trước và không để ai cách chức tôi.
Vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, và sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của ngành năng lượng, sau 2 năm công trình hoàn thành đã tạo trục xương sống cho hệ thống điện Việt Nam, giải quyết được tình trạng thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế đất nước. Và giờ chúng ta đã có tiếp mạch 2 và mạch 3.
Rồi sau này, với Thủy điện Sơn La, Lai Châu, lúc đó với vai trò là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Thủy điện Sơn La - Lai Châu, sau khi các đơn vị báo cáo đảm bảo yếu tố kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, nhiều vấn đề đã được tôi quyết định tại chỗ. Nhờ thế mà Thủy điện Sơn La đã về đích sớm 3 năm, Thủy điện Lai Châu 1 năm.
Theo tôi, để đạt được những kết quả như trên, bài học kinh nghiệm ở đây là tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu và sự quyết đoán, quyết tâm vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc.
PV: Theo ông, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, Việt Nam cần làm gì để duy trì, phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện bền vững, tự chủ?
Ông Thái Phụng Nê: Hiện cuộc khủng hoảng năng lượng đã và đang diễn ra, ảnh hưởng đến Việt Nam, do đó cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ thống năng lượng, đặc biệt là điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững gắn với mục tiêu tại Hội nghị COP26.
Theo tôi, trước hết chúng ta cần sớm phê duyệt các quy hoạch năng lượng, trong đó có Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở triển khai sớm, nhất là những công trình cho đến năm 2025. Tập trung tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính; áp dụng khoa học - công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo, gắn liền với hệ thống truyền tải, gắn liền với hệ thống lưu trữ; nghiên cứu mở rộng các thủy điện lớn hiện hữu, phát triển thêm các thủy điện tích năng; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu điện trước mắt vì hiện nguồn điện không còn dự phòng. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!