Diễn đàn năng lượng

Ứng phó biến đổi khí hậu: Xu hướng tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng

Thứ ba, 11/6/2013 | 08:34 GMT+7
Bên cạnh những ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề do biến đổi khí hậu tác động tới môi trường cũng như cuộc sống của người dân, thì nỗi lo về thiếu hụt điện năng ngày càng tăng khi ngành xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất ở nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
 

Tháp tài chính Bitexco, một trong những tòa nhà điển hình sử dụng năng lượng hiệu quả.

 Phát triển tòa nhà xanh (những tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sự tỏa hơi do hiệu ứng nhà kính, bảo toàn nguồn nước, chống ô nhiễm tiếng ồn, không khí, đất và ánh sáng), kết hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời góp phần bảo đảm phát triển bền vững.

Thách thức từ đô thị hóa

Chỉ từ con số thống kê Bộ Xây dựng mới đưa ra, ngành xây dựng chiếm khoảng 30% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước, có thể thấy rõ rằng, hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng đang được xã hội quan tâm. Nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tại TP Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư xây dựng công trình nhà cao tầng cũng quan tâm đến việc sử dụng công nghệ xanh, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ như gạch không nung, kính tiết kiệm năng lượng (TKNL), tường cách nhiệt, tận dụng hệ thống thông gió tự nhiên, mảng không gian xanh, vườn tường xanh...

Hơn mười năm qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) TP Hồ Chí Minh kiểm toán và tư vấn hơn 700 tòa nhà trên cả nước, trong đó có khoảng 300 tòa nhà tại TP Hồ Chí Minh. Theo kết quả khảo sát mới của ECC thành phố Hồ Chí Minh, trong sự bùng nổ cao ốc văn phòng, chung cư, trung tâm thương mại hiện nay, bên cạnh việc áp dụng giải pháp hệ thống chiếu sáng và điều hòa không khí thì hầu hết các tòa nhà vẫn chưa quan tâm đến hệ thống quản trị năng lượng, dường như vẫn có sự dè dặt trong đầu tư thiết bị TKNL. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Lưu chia sẻ trong một cuộc hội thảo mới đây, nếu sử dụng thiết bị TKNL, đổi mới công nghệ... thì sẽ "đội" giá thành xây dựng lên 20% - 30% so với thông thường, nhưng nếu xét về hiệu quả lâu dài thì lợi ích từ các công trình này mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thách thức hiện nay ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa "bắt kịp" được với tốc độ phát triển đô thị. Cả nước hiện có khoảng 756 đô thị các loại. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng cho biết thêm: Con số này được dự báo sẽ tăng khoảng 1,5 lần trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020. Dân cư đô thị hiện chiếm khoảng 32%, đến năm 2025, được dự báo tăng lên khoảng 52 triệu người, chiếm 50% tổng số dân cả nước.

Ðầu tư công nghệ, tối ưu hóa sử dụng năng lượng

Các nhà khoa học tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng khẳng định, một trong những biện pháp hiệu quả TKNL trong tòa nhà là trang bị thiết bị hiện đại, hệ thống cấp nước nóng mặt trời, hệ thống quản lý tòa nhà cao tầng BMS (Building Management System)... BMS gồm hệ thống giám sát và báo động, hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống thông tin. Tùy thuộc vào công năng của các tòa nhà như văn phòng, nhà ở, bệnh viện, ngân hàng... mà các hệ thống BMS phải trang bị phù hợp mục đích sử dụng và môi trường tòa nhà đó được khai thác.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, công nghệ tòa nhà mang tính tự động hóa cao thì đem lại hiệu quả cao như tính an toàn, độ bền vững... Nếu xét về khía cạnh kinh doanh thì các nhà cao tầng có hệ thống BMS luôn là lợi thế cạnh tranh cho các nhà đầu tư bất động sản, vì mang tính tổng thể cao trong điều khiển và giám sát các hệ thống kỹ thuật, cho phép nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa sử dụng năng lượng của tòa nhà.

Thực tế giải pháp tổng thể BMS quản lý năng lượng tòa nhà hiện cũng đang hấp dẫn doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Các nhà cao tầng sử dụng hệ thống BMS của Siemens khai thác hiệu quả khả năng quản lý giám sát và báo hiệu các sự cố kỹ thuật, tiết kiệm được 50% năng lượng điện tiêu thụ cho hệ thống so với trước khi lắp đặt. Tiến sĩ Phạm Thái Lai, Tổng Giám đốc Công ty Siemens Việt Nam chia sẻ, với giải pháp BMS, Siemens và các đối tác đã góp phần biến công trình tiêu điểm Tháp tài chính Bitexco (68 tầng) trở thành một điển hình về tòa nhà xanh sử dụng năng lượng hiệu quả.

Giải pháp phát triển bền vững

Kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Ðại học Hamburg (CHLB Ðức), giải pháp này là để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng giúp tòa nhà giảm chi phí vận hành, đồng thời góp phần vào tiến trình tăng trưởng kinh tế thải ít các-bon. Chính động thái tích cực này là lý do cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng do Bộ Công thương tổ chức dành cho tất cả các tòa nhà, văn phòng công sở, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... luôn được không chỉ đội ngũ kiến trúc sư mà cả các nhà khoa học quan tâm.

Cuối tháng trước, Bộ Xây dựng và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ký kết thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Thứ trưởng Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh hy vọng hợp tác lần này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện những quy chuẩn trong công tác thiết kế và xây dựng các công trình nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó giúp kiểm soát và giảm thiểu khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam lại có nguồn tài nguyên sẵn có như gió, mặt trời có thể tận dụng để xây dựng tòa nhà xanh. Vì thế, kiến trúc xanh là hướng đi tất yếu của kiến trúc Việt Nam hiện nay, TS, KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Kiến trúc quy hoạch đô thị, nông thôn khẳng định: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam gắn liền với việc bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường, duy trì mục tiêu phát triển bền vững. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 8-10% trong giai đoạn 2011-2020.

Ðối với các công trình mới, có thể tiết kiệm từ 30 đến 40% năng lượng nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu TKNL, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao... Ðối với các công trình đang hoạt động, có thể tiết kiệm từ 15 đến 25% năng lượng nếu áp dụng các giải pháp TKNL.
Theo: Nhân dân Online