Diễn đàn năng lượng

Vẫn đau đầu bài toán năng lượng ở Việt Nam

Thứ hai, 17/6/2013 | 13:40 GMT+7
Trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày một gia tăng và các nguồn thủy điện ngày càng hạn chế, Việt Nam buộc phải xem xét các giải pháp năng lượng khác như phát triển nhiệt điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, …vv.


 
 
Điện gió là một trong các nguồn năng lượng xanh tiềm năng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có cái khó hoặc về vốn đầu tư, hoặc là độ rủi ro an toàn, hoặc là nguy cơ làm tăng phát thải khí nhà kính,..

Theo TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, tổng công suất phát điện của toàn hệ thống ở Việt Nam tính đến năm 2012 là 25.100 MW, trong đó thủy điện chiếm  45,5 %, nguồn điện khí: 33,6%, nhiệt điện than: 15,3 %, nhiệt điện dầu: 1,4 %.

Nhu cầu năng lượng sơ cấp đến năm 2030 là trên 250 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tăng gấp 5 lần  so với năm 2009. Thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này, nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí..) có trữ lượng giới hạn và nước ta đã phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2011, thay vì dự kiến từ năm 2015.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Việt Nam đang phải nhập khẩu điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn cung tốt vì giai đoạn đầu họ bán cho ta với giá 4,24,5 cent/kWh, nay họ tăng giá tới 7 cent/kWh.

“Chúng ta đang xem xét để phát triển điện hạt nhân an toàn cao. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi trong dư về độ an toàn. Tuy nhiên hiện nay chưa có phương án nào tốt hơn. Ở Thụy Điển, thủy điện chiếm 50% và điện hạt nhân chiếm 50% tổng sản lượng điện, ở Pháp cũng tương tự. Việt Nam dự kiến điện hạt nhân sẽ chiếm 20% tổng công suất điện sau năm 2020,” TS Lâm cho biết.

Điện hạt nhân có hệ số an toàn cao hơn, và độ an toàn càng cao thì giá thành càng cao. Chi phí đảm bảo an toàn cho điện hạt nhân là 3.000 USD/1kWh, trong khi chi phí đảm bảo an toàn cho điện gió là 2.000 USD/1kWh.

Việt Nam có dự điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận với 2 nhà máy có tổng công suất khoảng 4.000 MW. Nhà máy số 1 ta đã ký thỏa thuận hợp tác với Nga với chi phí 6.500-7.000 USD/1kWh điện, điều này đảm bảo độ an toàn rất cao.

 “Những vụ xảy ra như ở Chernobyl  hay Fukushima I (Nhật Bản) là do công nghệ lạc hậu đã sử dụng trong 40 năm trong khi bây giờ công nghệ hiện đại hơn nhiều. Không có cái gì là an toàn tuyệt đối cả. Nếu sóng thần và động đất xảy ra thì không thể đảm bảo an toàn. Chính phủ Việt Nam đã mời chuyên gia Triều Tiên, Nga, Nhật và Mỹ sang tập huấn về điện hạt nhân cho các cán bộ Việt Nam, " ông Lâm nhấn mạnh.

Mặc dù việc đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than sẽ làm tăng nguy cơ phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu trong tương lai và làm tăng phát thải khí nhà kinh, nhưng theo TS Lâm, nước ta chưa có sự lựa chọn nào tốt hơn.

Theo ông Lâm, Thụy Điển đặt mục tiêu đến 2030 sẽ phát triển 100% nguồn điện tái tạo và đưa phát thải khí nhà kính về con số không.  Đan Mạch hiện nay có 30% điện năng lượng tái tạo trong đó điện gió chiếm 25-27%. Thái lan đặt mục tiêu đến năm 2030 có 22% điện năng lượng tái tạo. Ở Việt Nam mới có 3,5% điện năng lượng tái tạo và sẽ tăng lên 6-6,5% vào năm 2020.

Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo nhưng hạn chế là không ổn định và giá thành đầu tư cao. Giá 1kWh thủy điện và nhiệt điện cần 4-5 cent, nhưng giá 1kWh điện mặt trời gấp 8,9 thậm chí là gấp 10 lần.

 “Trong số các loại điện tái tạo thì tiềm năng lớn nhất là năng lượng gió vì điện gió gần như có giá thành thấp nhất, ngang vói thủy điện nhỏ. Tuy nhiên tiềm năng gió của mình chỉ ở mức độ hạn chế ở mức 5.000-6.000MW. Tiềm năng điện gió chủ yếu tập trung ở ven biển, nhưng không phải chỗ nào gió cũng tốt. Chúng ta đã lập quy hoạch điện gió chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên và Bình Định, Bạc Liêu,…vv,” ông cho biết.

Theo TS Lâm, nếu sử dụng điện tiết kiệm vào hiệu quả có thể giảm được 15-20% lượng điện tiêu thụ hiện nay và có thể giảm việc xây dựng 1-2 nhà máy điện mới nhưng vấn đề này chưa được ưu tiên.

Ông Vũ Chí Thành, Giám đốc trường FPT Polytechnic Hà Nội, cho rằng Việt Nam nên học hỏi các sáng kiến ở nước ngoài để tiết kiện năng lượng và phát triển các nguồn điện năng xanh.

Ông Thành cho biết, ở ĐH Portland (Mỹ) có Khu vườn học tập, trồng rau bán cho căng tin sinh viên, rác ủ làm phân cho nông nghiệp. Một số trường có hệ thống cung cấp nước uống cho sinh viên để khuyến khích sinh viên mang chai cũ đến lấy nước uống và hạn chế việc mua chai mới. Họ cũng có hệ thống sạc năng lượng cho ô tô mà không phải dùng xăng. Một số nơi tận dụng năng lượng tại các trung tâm tập thẻ dục để phát ra điện, xây đường dành riêng cho xe đạp, trồng rau củ quả ở địa phương để tiết kiệm chi phí vận chuyển và giảm tiêu tốn năng lượng. Họ còn vận động các gia đình ở mặt phố để lại một khoảng đất nhỏ cạnh rãnh nước mưa để trông cỏ hoặc cây xanh.
 
Theo: Dân Trí