Giới thiệu hệ thống máy chủ của Trung tâm điều khiển xa kết nối tại TBA 220kV Mỹ Phước thuộc TTĐ Miền Đông 2.
Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao năng suất lao động hiệu quả. Với chủ đề “đẩy mạnh ứng dụng khóa học công nghệ” trong toàn ngành điện, năm 2017 này, các đơn vị quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia có điều kiện để xây dựng các trung tâm điều khiển xa, đảm bảo thực hiện lộ trình trạm biến áp không người trực.
Theo báo cáo của Công ty Truyền tải điện 4, hiện đơn vị này đang quản lý, vận hành mạng lưới điện tryền tải khu vực phía Nam và hơn 33 trạm biến áp từ 220-500kV. Trong đó, nhiều trạm đã áp dụng công nghệ tự động hóa trạm (SAS). Để đáp ứng nhu cầu quản lý vận hành hệ thống cao áp 500/220kV ngày càng phát triển với số lượng TBA và đường dây ngày càng lớn, các TBA cần được tập trung vào 1 trung tâm để dễ dàng theo dõi, quản lý vận hành, điều độ công suất trong lưới truyền tải và giảm các lỗi thao tác do vận hành gây ra. Do đó phương án xây dựng 2 trung tâm điều khiển xa - trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ để tích hợp các thông số, dữ liệu thông tin vào hệ thống máy tính, đảm bảo việc đưa vào vận hành, giám sát các TBA 220kV trong khu vực và đặt tại TBA 500kV Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và TBA 500kV Tân Định (tỉnh Bình Dương) đã được lên kế hoạch từ năm 2013. Trong đó, Trạm 500kV Tân Định là một trạm mẫu về mặt vận hành Trung tâm điều khiển xa của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia.
Trung tâm điều khiển đặt tại Trạm biến áp 500kV Tân Định được thi công từ cuối năm 2016, đến cuối tháng 5/2017 hoàn thành, kết nối dữ liệu và đã thực hiện thao tác điều khiển thực tế, sẵn sàng cho việc giám sát vận hành các TBA 220kV trong khu vực khi chuyển sang chế độ bán người trực và không người trực. Thực tế tại TBA 500kV Tân Định, ông Nguyễn Tuấn Hải - Trạm trưởng TBA 500kV Tân Định cho biết, “Việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa với mục đích ứng dụng KHCN để tích hợp và đưa vào hệ thống vận hành các TBA bán người trực và không người trực để nâng cao NSLĐ cũng như giảm định mức lao động tại các TBA điều khiển xa 220kV”.
Vận hành tại TBA 220kV Mỹ Phước.
Theo kế hoạch của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Công ty truyền tải điện 4 (PTC4), những TBA thực hiện mô hình điều khiển xa sẽ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là “bán người trực”, bắt đầu từ thời điểm 25/11/2017, sau 4 tháng vận hành sẽ chuyển qua mô hình không người trực. Theo đó, đầu tháng 12/2017 những trạm biến áp 220kV của khu vực miền Nam đủ điều kiện kết nối với Trung tâm điều khiển xa sẽ được đưa vào áp dụng mô hình này.
Theo ông Huỳnh Hữu Phúc - Phó trưởng phòng kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4), quá trình xây dựng hệ thống trạm không người trực có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó, yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo được thiết bị luôn ổn định trong quá trình vận hành lâu dài; kết nối với hệ thống SCADA và hệ thống điều khiển xa từ trạm kết nối về Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam đồng thời với việc xây dựng các trung tâm vận hành. Ví dụ Trung tâm vận hành đặt tại TBA 220kV Bình Hòa sẽ thực hiện việc giám sát Trạm 220kV Bình Hòa, TBA 220kV Mỏ Cày và 4 trạm khác dự kiến. “Hiện nay Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam đã tiến hành điều khiển xa TBA220kV Uyên Hưng. Sắp tới sẽ tiếp tục đưa vào điều khiển xa các trạm 220kV Trà Vinh, Mỏ Cày và 8 trạm khác, đảm bảo kế hoạch trong năm 2018 sẽ đưa vào vận hành 14 TBA 220kV không người trực” – ông Huỳnh Hữu Phước cho biết.
Ông Đặng Quang Tuấn - Trạm trưởng TBA 220kV Mỹ Phước cho biết, TBA 220kV Mỹ Phước sẽ là TBA đầu tiên thực hiện mô hình không người trực của Truyền tải điện miền Đông 2 (dự kiến bắt đầu tư 05/12/2017) do đã được thử nghiệm vận hành theo chế độ bán người trực từ đầu năm nay. “Sau 1 năm chuyển qua vận hành bán người trực thì một số khó khăn anh em cũng đã vượt qua. Cụ thể như công việc nhiều hơn do lúc này 6 người được rút đi để thực hiện các công việc khác, lúc này còn lại 5 người phải đảm đương công việc của 10 người. Như vậy sau này khi chuyển sang vận hành theo mô hình không người trực thì 5 người này có thể quản lý được số lượng trạm nhiều hơn, việc rút bớt người như vậy đã rất hiệu quả. Công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho cán bộ công nhân sẵn sàng đáp ứng cho các công việc mới tại các Trung tâm vận hành, điều khiển xa hoặc sẽ làm việc tại các TBA 500kV cũng đã được đơn vị quan tâm triển khai đồng thời…” - ông Đặng Quang Tuấn Trạm trưởng TBA 220kV Mỹ Phước chia sẻ.
Trên thực tế hiện nay, mỗi TBA 220kV đang vận hành có người trực được biên chế 11 người, trong đó có 1 trưởng trạm và 10 điều hành viên làm việc theo chế độ 3 ca 4 kíp, mỗi ca 2 người. Khi vận hành TBA bán người trực quân số giảm còn 6 người và khi thực hiện vận hành không người trực, trạm sẽ chỉ còn lại đội ngũ bảo vệ, toàn bộ cán bộ nhân viên trực vận hành sẽ được đưa về các Trung tâm vận hành và được đào tạo nâng cao để tăng cường nhân lực cho các TBA 500kV mới được xây dựng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Trạm biến áp 500kV Tân Uyên (Bình Dương) sẽ được hoàn thành vào quý 1 năm 2018; TBA 500kV Chơn Thành (Bình Phước) sẽ hoàn thành trong năm 2019…). Việc đưa vào vận hành các TBA không người trực còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.