Thi công hệ thống tiếp địa ứng dụng công nghệ San Earth do Nhật Bản sản xuất.
Trạm biến áp 110kV Tam Kỳ có dung lượng lắp máy là 50MVA được đóng điện vận hành năm 1994. Đây là trạm trọng điểm đảm bảo cung cấp điện cho toàn bộ TP Tam Kỳ và các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và các huyện lân cận trong khu vực của tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó trạm biến áp 110kV Tam Kỳ còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc trung chuyển công suất của các nhà máy thủy điện trên các vùng núi nam Quảng Nam như thủy điện Trà Linh, Trà My, Tà Vi, Mùa Mưa, Phú Ninh.
Hơn 23 năm vận hành cung cấp điện cho tỉnh Quảng Nam, mặt dù đã được kiểm tra và bổ sung theo định kỳ nhưng hệ thống tiếp địa trạm đã trải qua thời gian vận hành quá lâu nên lưới tiếp địa của trạm đã xuống cấp, làm cho điện trở tiếp địa tăng lên không đảm bảo trị số vận hành, nên mỗi khi có ngắn mạch hay giống sét rất nguy hiểm đến thiết bị, gây ảnh hưởng lớn đến vận hành an toàn thiết bị và dộ tin cậy cung cấp điện của trạm. Do đặc điểm địa lý, khí tượng thuỷ văn với một mật độ dông sét tương đối lớn nên nguy cơ sét đánh trực tiếp vào trạm biến áp, hoặc sét đánh vào lưới phân phối lan truyền vào các thiết bị trong trạm, sét đánh vào các đường cáp tín hiệu viễn thông, sau đó cảm ứng lan truyền điện đến các thiết bị điện tử đầu cuối nhạy cảm, gây hư hại và làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành an toàn của trạm. Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành cũng như các quy chuẩn đặt ra nên trạm biến áp phải có hệ thống tiếp địa phải được đầu tư xây dựng với tiêu chuẩn cao, có điện trở nối đất thấp để đáp ứng yêu cầu hoạt động an toàn và hiệu quả. Chính vì vậy, việc trang bị hệ thống tiếp địa cho trạm 110kV Tam Kỳ là rất cần thiết.
Theo đó, trạm sẽ được lắp đặt hệ thống tiếp đất chôn sâu kết hợp sử dụng hợp chất San Earth, thiết bị này gồm các cọc thép mạ đồng thả trong giếng xếp theo hàng, được nối liên kết với nhau theo các rãnh tiếp đất. Sử dụng hợp chất giảm điện trở tiếp đất San Earth đổ dọc theo rãnh, phủ kín hệ thống dây tiếp đất nằm ngang liên kết các giếng. Sau khi lấp đất đầm chặt và ổn định toàn bộ, hỗn hợp San Earth và đất sẽ đông cứng như xi măng tạo thành một điện cực tiếp đất có điện trở ổn định và bền vững, không bị chi phối bởi thời tiết, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao độ tin cậy trong vận hành của thiết bị khi có giông sét.
Các rãnh tiếp địa được sử dụng hỗn hợp San Earth sẽ làm giảm đáng kể điện trở suất do chính nhà cung cấp sản phẩm thi công.
Hỗn hợp hoá chất San-Earth do Nhật Bản sản xuất có tác dụng giảm đáng kể điện trở suất của đất dẫn đến giảm điện trở tiếp đất của các hệ thống thiết bị. Vì vậy, khi thiết kế và thi công sẽ giảm đáng kể vật liệu kim loại để làm điện cực sử dụng trong hệ thống, đồng thời làm giảm diện tích mặt bằng cần thiết để thi công. Ngoài ra, sau một thời gian hóa chất sẽ đông cứng, bao bọc cực tiếp đất bằng kim loại và cứng như một loại xi măng có khả năng dẫn điện, hạn chế hiện tượng điện phân để bảo vệ kim loại khỏi bị ăn mòn.
Sau khi nghiên cứu công nghệ và phương án thi công của nhà thầu, CGC đã phê duyệt phương án thi công công trình xử lý hệ thống tiếp địa của trạm biến áp 110kV Tam Kỳ. Mặt dù trong điều kiện thi công hết sức khó khăn do thời tiết vào mùa mưa, bên cạnh đó đội thi công phải thi công trong điều kiện các thiết bị điện đang mang điện vận hành.
Để đảm bảo tốt cho quá trình thi công, CGC đã tổ chức huấn luyện đầy đủ các biện pháp an toàn cho đội thi công, thực hiện công việc giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.
Qua gần hai tháng thi công, với sự nỗ lực của tất cả cán bộ công nhân viên trong đơn vị, công việc đã hoàn thành, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và thiết bị. Việc sử dụng công nghệ San-Earth sẽ ổn định và giảm thấp nhất điện trở suất, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy cho trạm biến áp 110kV Tam Kỳ trong mọi điều kiện, đồng thời cung cấp điện ổn định cho các địa phương của tỉnh Quảng Nam.
Theo: CPC