Sự kiện

Việt Nam – Liên bang Nga: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng

Thứ sáu, 3/12/2021 | 10:11 GMT+7
Từ ngày 29/11 đến ngày 2/12, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch nước Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác quan trọng, trong đó lĩnh vực năng lượng được 2 nước đặc biệt quan tâm. 

Ảnh: TTXVN.
 
Hai nước đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga đến năm 2030.
 
Trong đó, hai bên tiếp tục triển khai các dự án hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí phù hợp với lợi ích của cả hai bên, chú trọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện, công nghiệp, công nghệ thông tin, nông nghiệp.
 
Khuyến khích đầu tư song phương vào Việt Nam và Liên bang Nga trên các lĩnh vực truyền thống và mới, như năng lượng điện, bao gồm điện tái tạo, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao, giao thông vận tải, phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông nghiệp, lâm nghiệp; hỗ trợ nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án đầu tư ưu tiên.
 
Tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, là trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng phù hợp, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng.
 
Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trước hết trong khuôn khổ dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Cộng hòa XHCN Việt Nam, tiếp tục đào tạo sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Nga theo chuyên ngành liên quan. Trường hợp Việt Nam khôi phục kế hoạch phát triển năng lượng điện hạt nhân, Liên bang Nga sẽ được xem là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.
 
Mở rộng số lượng và nội dung các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ chung, bao gồm trên các lĩnh vực khoa học sự sống, công nghệ năng lượng, công nghệ vũ trụ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường, nghiên cứu cơ bản; đẩy mạnh hợp tác giữa các viện hàn lâm của hai nước, tiếp tục tiến hành các dự án chung về nghiên cứu biển.
Lê Linh