Vn-Index chưa vượt ngưỡng hỗ trợ

Thứ năm, 22/1/2009 | 15:24 GMT+7
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên tăng điểm muộn màng trước khi nghỉ giao dịch đúng một ngày. Như vậy là sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, nguy cơ chỉ số VN-Index phá vỡ mức 300 điểm trong phiên giao dịch sáng nay đã không xảy ra. Mặc dù thị trường vẫn tiếp tục giao dịch ảm đạm, nhưng có thể thấy mức hỗ trợ 300 điểm vẫn bền vững.
Một số cổ phiếu bluechips tăng giá từ đầu phiên đã kéo VN-Index đảo chiều tăng điểm ngay trong đợt khớp lệnh đầu tiên và giữ nguyên mức tăng điểm cho đến khi đóng cửa. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn rất băn khoăn không biết đây có phải là phiên hồi phục thực sự hay chỉ là sự bật ngược trở khi chạm ngưỡng hỗ trợ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/01/2009, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 301,12 điểm, tăng 1,08 điểm (tương đương tăng 0,36%). Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 4.614.330 đơn vị, giảm 6,16% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 103,409 tỷ đồng, giảm 8,64% so với phiên trước.

Tổng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu và trái phiếu thành công đạt 54.500 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 0,42 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 4.668.830 đơn vị (giảm 10,79% so với phiên trước) và tổng giá trị giao dịch đạt 103,824 tỷ đồng (giảm 15,08%).

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt thời gian qua luôn giảm điểm trong thế giằng co, nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường, phần lớn là do áp lực tâm lý đè nặng khi đầu tư trên một thị trường được đánh giá là quá rủi ro và mức độ quan tâm của họ đến thị trường có phần giảm sút mạnh khi tết âm lịch đang đến gần. Điều này thể hiện qua khối lượng giao dịch liên tục sụt giảm trong suốt tuần qua và với tâm lý như hiện nay thì khả năng để thị trường có thể vực dậy mạnh trước tết âm lịch là khó xảy ra.

Bước sang đợt giao dịch đầu tiên, tình trạng nhiều mã cổ phiếu không giao dịch đang ngày càng tăng, các cổ phiếu lớn như STB, PVF, REE, SAM, FPT  vẫn có khối lượng giao dịch khá hạn chế và mức độ biến động giá là không nhiều. Tuy nhiên, do bên bán có phần giảm sút so với các ngày trước, nên lực mua và lực bán trên thị trường hôm nay khá cân xứng. Nhiều cổ phiếu lớn đã bắt đầu có tính hiệu tăng tốt như HPG, DPM, HAG với mức tăng trên 0,5 điểm, cho thấy ngưỡng hỗ trợ tại mức 300 vẫn khá tốt.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 0,64 điểm, lên 300,68 điểm (tương đương tăng 0,21%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 745.080 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 18,14 tỷ đồng. Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, có 71 mã tăng giá, 49 mã đứng giá tham chiếu, 44 mã giảm giá và 12 mã không có giao dịch. Đáng chú ý, trong đó chỉ có 7 mã tăng trần là BT6, CAN, CYC, GMC, SGH, SMC, VIS và có tới 12 mã giảm sàn.

Bước sang đợt giao dịch thứ 2, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại khi nhiều cổ phiếu có vốn hoá lớn trên thị trường đồng loạt tăng điểm. Nhiều cổ phiếu có dấu hiệu giảm ở đầu phiên thì ở phiên 2 đã cho dấu hiệu phục hồi theo xu hướng chung.
Mặc dù thị trường đang giữ mức tăng điểm khá tốt, nhưng tính thanh khoản của thị trường đạt rất thấp. Việc giảm sút này một phần là do khối đầu tư ngoại tham gia vào thị trường hôm nay khá thấp, chỉ tập trung vào những mã cổ phiếu truyển thống mà họ hay đầu tư như FPT, TDH, DPM, PVD, PVF.

Sau 75 phút khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index tăng 1,56 điểm, lên 301,6 điểm (tương đương tăng 0,52%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 3.825.430 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 88,15 tỷ đồng.

Bước sang đợt giao dịch cuối cùng của phiên, lượng mua bắt đầu yếu dần so với lượng bán ra, nhiều mã cổ phiếu đã bắt đầu có xu hướng giảm điểm so với đợt tăng mạnh ở giữa phiên 2. Hiện có 9 mã cổ phiếu tăng trần ở cuối phiên là BT6, CAN, GMC, HBD…nhưng trong số đó không có một cổ phiếu blue-chip nào, cho thấy phiên đảo chiều hôm nay chưa thực sự thay đổi được xu hướng suy giảm trong giai đoạn hiện nay.

Kết thúc đợt 3, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 301,12 điểm, tăng 1,08 điểm (tương đương tăng 0,36%) so với phiên trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh báo giá thành công đạt 4.614.330 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 103,41 tỷ đồng.

Trong tổng số 176 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HoSE, có 99 mã tăng giá, 35 mã giảm giá, 39 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, có 9 mã tăng trần là BT6, CAN, GMC, HBD, MAFPF1, MHC, SFC, SGH, SMC và 7 mã giảm sàn là BBT, FBT, NKD, RIC, SDN, CAD, MTG và 3 mã không có giao dịch là COM, SAF, VHC. Đáng chú ý, sau khi kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, trên bảng điện tử chỉ có 7 mã không còn dư mua là CAD, FBT, BBT, SDN, RIC, FPC, NKD.

Trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có 6 cổ phiếu tăng giá, 3 cổ phiếu giảm giá và 1 mã đứng giá là PVD.

Cụ thể, FPT tăng 800 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,61%), đạt 50.500 đồng. DPM tăng 700 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,10%), đạt 34.100 đồng. HAG tăng 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,83%), đạt 60.500 đồng. HPG tăng 400 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,33%), đạt 30.500 đồng. PVF tăng 100 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,55%), đạt 18.400 đồng. PVD giữ nguyên mức giá tham chiếu là 70.500 đồng/cổ phiếu.

Còn lại, VNM giảm 1.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,20%), còn 82.000 đồng. VPL giảm 1.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,96%), còn 50.000 đồng. VIC giảm 2.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 3,07%), còn 79.000 đồng.
Cổ phiếu có khối lượng giao dịch báo giá dẫn đầu thị trường là STB với 398.340 đơn vị được giao dịch thành công (chiếm 18,14% tổng khối lượng toàn thị trường), đóng cửa ở mức 17.300 đồng/cổ phiếu sau khi tăng 200 đồng (tương đương 1,17%). Tổng khối lượng của 5 mã có giao dịch lớn nhất thị trường chiếm 24,90% so với tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng nay. Trong khi đó, một số mã như FPC, LGC, BTC, DTT, HAX, TNA, IFS, DPC lại có khối lượng cổ phiếu được giao dịch rất thấp chưa đầy 100 cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là HBD với mức tăng 5,00% lên 10.500 đồng (tăng 500 đồng/cổ phiếu), tổng khối lượng giao dịch hơn 3 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, với mức giảm giá mạnh nhất 4,90%, mã NKD đóng cửa chỉ còn 23.300 đồng/cổ phiếu (giảm 1.200 đồng), tổng khối lượng giao dịch gần 13 nghìn cổ phiếu.

Ngoài ra, xét về mức tuyệt đối thì SGH là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất khi tăng 3.000 đồng lên mức 69.000 đồng/cổ phiếu, với tổng khối lượng giao dịch 30 cổ phiếu. Ngược lại, VIC là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất khi giảm 2.500 đồng xuống còn 79.000 đồng/cổ phiếu, với gần 27 nghìn cổ phiếu được giao dịch.

Trong 4 chứng chỉ quỹ đang niêm yết trên HoSE, có 2 mã tăng giá và 2 mã đứng giá. Cụ thể, PRUBF1 và VFMVF1 cùng giữ nguyên mức giá tham chiếu tương ứng là 4.100 đồng và 7.800 đồng/chứng chỉ quỹ. VFMVF4 tăng 100 đồng (tương đương 2,22%), đạt 4.600 đồng/chứng chỉ quỹ. MAFPF1 tăng kịch trần 100 đồng (tương đương 2,94%), đạt 3.500 đồng/chứng chỉ quỹ.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 51 mã cổ phiếu với tổng khối lượng mua vào là 398.060 đơn vị, bằng 8,63% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong đó, TDH được họ mua vào nhiều nhất với 67.750 đơn vị, chiếm 42,18% tổng khối lượng mua vào của khối này. Tiếp theo là các mã như PVF (36.720 đơn vị), FPT (30.600 đơn vị), VSH (28.500 đơn vị) và MPC (21.460 đơn vị). Đáng chú ý, các mã có được nhà đầu tư nước ngoài mua vào chiếm tỷ trọng lớn trên tổng khối lượng giao dịch là PAC (100,00%), DPR (84,43%), CII (80,86%), GMD (45,64%) và MPC (42,66%).
Theo: TNCK