Khu tái định cư Đà Vị vào xuân.
Đĩa xôi ngũ sắc đủ đầy
Có thể dễ dàng nhận ra cái Tết no ấm của đồng bào dân tộc Tày ở bản Thúy An (Yên Sơn, Tuyên Quang) khi nhìn vào đĩa xôi ngũ sắc trong mâm cỗ nhà ông Nguyễn Văn Huyền, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn. Ông cho biết: Thôn Thúy An mới trước kia là bản Lòa thuộc xã Thúy Loa (Na Hang, Tuyên Quang). Sau khi xuống đây (tháng 11-2005), bà con đã trải qua cái Tết đầu tiên trên quê mới với nhiều bỡ ngỡ, hồi hộp, lo lắng, vì không biết cuộc sống mới sẽ như thế nào. Đến Tết Đinh Hợi thì khó khăn cũng vơi dần, nhưng nhiều hộ trong bản vẫn còn nghèo, cần đến sự giúp đỡ của chính quyền mới có Tết.
Nhưng năm nay đã khác, bà con sản xuất 3 vụ trong năm, ngoài hai vụ lúa còn vụ đông để trồng rau xanh, khoai lang. Quen với kỹ thuật sản xuất mới, bà con biết cách chăm sóc lúa để tăng năng suất, bình quân thu được hơn 200kg/sào. Phần lớn các hộ đều chăn nuôi lợn, nhiều nhà nuôi với quy mô lớn, như hộ ông Cấp, ông Đạt, ông Kỳ... mỗi lứa từ 10 đến 15 con, đem lại thu nhập khá. Máy cày, máy xay xát, đài, ti-vi cũng ngày một nhiều lên. Cả thôn chỉ còn một hộ nghèo; tất cả trẻ em đều được đến trường.
Tết năm nay, trung bình cứ hai gia đình trong bản lại chung nhau mổ một con lợn để đón Xuân. Mâm cỗ Tết của đồng bào dân tộc Tày không thể thiếu được đĩa xôi ngũ sắc. Xôi được nấu bằng gạo nếp ngon, vừa thơm, vừa dẻo lại được tạo các màu xanh, đỏ, tím, vàng tự nhiên nên rất hấp dẫn. Tuy nhiên, một vài cái Tết trước, còn lo xóa đói, giảm nghèo, nên các bà, các chị ở Thúy An cũng chẳng có nhiều công sức để nấu xôi, cho nên, năm nay, nhìn thấy đĩa xôi đủ đầy, đẹp đẽ ở nhà trưởng thôn Huyền, ai cũng biết một cái Tết no ấm đã thực sự đến với đồng bào nơi đây.
Hạnh phúc sẻ chia ở Nà Giàng, bản Chúa
Từ Yên Sơn, chúng tôi ngược lên hướng Bắc, vượt qua những cánh rừng xanh ngút ngát để đến thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), nơi có các hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao đến từ thôn Khuổi Kè, xã Xuân Tiến (Na Hang, Tuyên Quang). Những ngày đầu xuân này, bà con đang tập trung ra đồng kiểm tra lại tác hại của đợt rét đậm, rét hại vừa qua với vụ lúa xuân. Gia đình anh Tiến - chị Việt, một cặp vợ chồng người Dao cho biết: Anh chị được chia 2.400m2 đất ruộng. Từ ngày rời Na Hang về định cư tại mảnh đất này, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình đã nhanh chóng ổn định nhà cửa và bắt tay vào sản xuất, chăn nuôi. Mỗi năm, ngoài 3 vụ gieo trồng hết diện tích ruộng, anh chị còn đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đó, có nguồn thu nhập đáng kể, bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Căn nhà gỗ đơn sơ nhưng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Còn tại thôn bản Chúa, xã Phúc Sơn, hầu hết các gia đình trong bản đều tập trung nhân lực ra đồng gieo trồng lạc xuân cho kịp thời vụ. Đây cũng là điểm tái định cư của các hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày đến từ bản Phắt, xã Xuân Tiến, huyện Na Hang. Những năm đầu về quê mới còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng được các tổ chức, đoàn thể, cán bộ khuyến nông và bà con dân bản tận tình giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, đến nay, đồng bào tái định cư ở bản Chúa đã quen với phương thức sản xuất 3 vụ mỗi năm, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp với đầu tư, thâm canh tăng vụ, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, cải thiện đời sống.
Chiêm Hóa là huyện giáp với Na Hang nên đón nhận các hộ gia đình đồng bào vùng lòng hồ thủy điện Na Hang về định cư khá đông. Đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 770 hộ gia đình với 4.057 nhân khẩu về định cư xen ghép tại 41 điểm thuộc địa bàn 11 xã, trong đó có 7 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Huyện đã sử dụng 290ha đất ở, 1.600ha đất sản xuất nông nghiệp và 65ha đất vườn để chuyển giao cho các hộ tái định cư. Các công trình cơ sở hạ tầng như: Mặt bằng tái định cư, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt trị giá hàng trăm tỷ đồng đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của bà con, từng bước giúp các hộ gia đình yên tâm định cư trên quê hương mới.
Đà Vị: Giàu niềm tin
Khu tái định cư Đà Vị (Na Hang) nằm gọn trong một thung lũng, xung quanh ngút ngàn cây xanh. Đây là điểm di dân tái định cư tại chỗ, nay đã san sát những dãy nhà ngói duyên dáng bên con đường bê tông, nằm sâu hun hút giữa rừng. Mùa xuân ở đây đầy ắp tiếng cười em thơ.
Khu tái định cư Đà Vị được cơ bản hoàn thành trong năm 2006. Có 4 thôn trong xã phải di chuyển lên là Phai Khằn, Pắc Lè, Xã Thị, Nà Pục với hơn 300 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu. Sắp xếp ổn định chỗ ở cho từng ấy nhân khẩu quả là vấn đề không đơn giản. Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết: "Công việc đền bù giải phóng mặt bằng ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Mặt bằng khu tái định cư không làm kịp, bà con không phải ai cũng hiểu ngay chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên chúng tôi phải tổ chức công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình. Khi các hộ gia đình đã đồng ý di chuyển thì những khó khăn khác lại nảy sinh, như có gia đình tính thiếu một cây nhãn, có nhà thì quên kê khai một vài bụi nứa trong phần được đền bù.... Chúng tôi gấp rút hoàn thành hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, đường điện trước nhưng cuộc sống của bà con chưa hết khó khăn"…
Tuy nhiên, cụ Hoàng Văn Tường, người đã tích cực vận động con cháu lên định cư ngay từ đầu cho biết: "Còn khó khăn nhưng bà con vẫn tin tưởng vào việc mình làm. Hy sinh một chút, khó khăn một vài năm cho công trình điện lưới quốc gia là việc nên làm”. Điện đã và đang tỏa sáng trong từng mái nhà, thắp lên niềm tin vào tương lai. Chợ phiên đầu năm ở Đà Vị đã khai màn, dù chưa trù phú như một số nơi khác nhưng vẫn nhộn nhịp như chính nhịp sống hối hả của đồng bào các dân tộc. Trong câu chuyện của đồng bào nhân dịp chợ phiên năm mới, ai cũng nhắc đến chuyện Nhà máy thủy điện Tuyên Quang vừa phát điện tổ máy số 1 đúng hôm kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng, chính thức hòa lưới điện quốc gia. Những khó khăn khó kể hết bằng lời của đồng bào vùng tái định cư, cũng sẽ lùi vào dĩ vãng. Một cuộc sống tốt đẹp đã và đang đến, cũng như mục tiêu đưa tổ máy số 2và số 3 của nhà máy cũng sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2008 này, góp vào điện lưới quốc gia 13 tỷ kWh điện/năm - một con số không nhỏ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.