Từng khâu chủ động xanh hoá sẽ khiến vòng sản xuất xanh trong ngành dệt may dần khép kín.
"Xanh hóa" dệt may
Cơ bản sản xuất xanh là sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm và chất thải trong các quy trình sản xuất, khi doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh họ sẽ được hưởng lợi nhất định. Chẳng hạn như trong ngành dệt may, khi các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tự nhiên sẽ được ưu tiên xuất khẩu vào những thị trường lớn, được ký các hợp đồng dài hạn với giá trị lớn hơn.
Công ty Cổ phần Tập đoàn gai Thiên Phước, Thanh Hóa hiện đang có khoảng 3.800 ha vùng trồng cây gai xanh trên 12 tỉnh, thành. Sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên là lợi thế giúp sản phẩm dệt may Việt Nam tiếp cận đến nhiều thị trường khó tính.
Ông Lê Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn gai Thiên Phước, Thanh Hóa cho biết: "Sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, các khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn trong danh sách các nhà cung ứng. Những nhà cung ứng nào mà đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ có cơ hội ký đơn hàng dài hạn".
Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, những chiếc máy nhuộm tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định sử dụng công nghệ tạo nhiệt hoàn toàn từ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), giảm 50 tấn than đốt lò hơi mỗi ngày. 10% nước thải từ quá trình dệt nhuộm cũng được xử lý để tái sử dụng.
"Mục tiêu của chúng tôi từ nay đến 2025 sẽ tái tuần hoàn được 50% lượng nước thải. Nước sau khi xử lý sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho sinh hoạt, gia đình", ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định cho hay.
Hiện nay, thế giới chưa có bất kỳ một quy định pháp lý nào về tỉ lệ xanh hoá cho các sản phẩm dệt may. Thế nhưng, một khi là xu thế, là lộ trình thế giới đã đặt ra, những tiêu chuẩn sẽ sớm được luật hoá.
"Hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí của các thị trường sau này chắc chắn sẽ được gây dựng trên cơ sở các trụ cột của sản xuất xanh. Doanh nghiệp lúc này là pass hoặc fail. Chúng ta vào được hoặc là không vào được", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết.
Đầu tư vào sản xuất xanh là hướng đi mà các quốc gia lựa chọn, để vươn lên trên bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới. Từng khâu chủ động xanh hoá sẽ khiến vòng sản xuất xanh trong ngành dệt may dần khép kín. Để những chiếc áo tiếp tục có tấm vé thông hành xanh trên các kệ hàng.
Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xanh
Không chỉ việc chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu xanh để cắt giảm phát thải, nhiều doanh nghiệp còn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, hoặc làm mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu ô nhiễm.
Kinh tế tuần hoàn được hiểu là biến chất thải của ngành này thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác, thành một vòng quay tuần hoàn trong sản xuất của doanh nghiệp. Điều này giúp giảm việc khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh, mỗi ngày bò thải ra 30 tấn phân. Chất thải sau đó được thu gom bằng hệ thống hiện đại, đưa vào xử lý với công nghệ ủ Biogas. "Đầu ra" của quy trình này là phân bón, nước, khí đốt sẽ trở thành "đầu vào" của một vòng tuần hoàn mới, khép kín.
Đầu tiên là phân hữu cơ và nước, được dùng bón cho 500 ha đất trồng cỏ, hoa màu, cây trồng và từ đó lại cung cấp nguồn thức ăn dinh dưỡng, xanh, sạch ngược lại cho 8.000 con bò sữa. Thứ hai khí Metan, khí này được dùng để sấy cỏ khô dự trữ cho bò ăn và đun nước nóng để vệ sinh thiết bị của trang trại và thanh trùng sữa cho đàn bê. Nhờ vậy mà mỗi năm trang trại có thể tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phí điện năng, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.
Ngoài việc "tái tạo tài nguyên" từ chính chất thải, thì từ năm 2019 doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi sử dụng năng lượng mặt trời tại các trang trại chăn nuôi bò sữa. Không chỉ có thêm nguồn điện, mà còn giúp làm mát chuồng trại.
Tính ra, năng lượng mặt trời đã giúp cho 13 trang trại của doanh nghiệp giảm phát thải được 62.341 tấn CO2/năm, tương đương với việc trồng 3,4 triệu cây xanh.
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp, mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Khi đã cắt giảm và chuyển đổi tối đa thì "hấp thụ" là bước cuối cùng hướng tới mục tiêu cân bằng, Net-zero. Hiện các doanh nghiệp đã nỗ lực hướng tới việc trồng nhiều cây xanh để hấp thụ, bù lại lượng C02 mà quá trình sản xuất đã thải ra. Cắt giảm, chuyển đổi, hấp thụ - 3 quá trình này phải được thực hiện cùng lúc để hướng tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh bền vững.
Link gốc