Mở cửa đột phá cho năng lượng sạch

Thứ tư, 11/1/2023 | 09:53 GMT+7
Năm 2022 sẽ được nhớ tới với cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành năng lượng thế giới trong nhiều thập kỷ. Nhưng, nó cũng trở thành bước ngoặt quan trọng để thế giới chuyển mình, trong hành trình hướng đến những nguồn năng lượng sạch hơn.


COP 27 ghi dấu bởi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các quốc gia trên thế giới.

Thách thức

Việc giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất trong lịch sử và giá dầu lên sát mốc 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục mọi thời đại, gây ra vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch, tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia đã tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu trong cả năm 2022. Trái hoàn toàn với mọi dự đoán về một cuộc phục hồi nhanh chóng, nền kinh tế thế giới giảm tốc trong phần lớn thời gian của năm 2022 và đứng trước nguy cơ về một cuộc suy thoái trên diện rộng.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm đổ vỡ các chuỗi cung ứng năng lượng vốn tồn tại trong hàng thập kỷ, khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới phải tìm kiếm các nguồn thay thế và gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường toàn cầu. Các chính phủ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các tập đoàn điện lớn như Uniper ở Đức. Điều đó khiến giá nhiên liệu trên thế giới tăng cao, kéo theo những hệ lụy. Nam Phi trải qua đợt cắt điện tồi tệ nhất trong lịch sử. Sri Lanka cạn kiệt nhiên liệu.

Khu vực Eurozone, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, bị đánh giá là thiệt hại nặng nề nhất và cũng sẽ có nguy cơ kéo dài nhất, khi phải từ bỏ đối tác năng lượng lớn nhất của mình trong nửa thế kỷ qua là Nga để tìm kiếm những nguồn cung thay thế. Theo ước tính của Bloomberg, hãng tài chính hàng đầu thế giới, thiệt hại đối với khu vực Eurozone từ nay đến năm 2026 ước tính lên tới 1.000 tỷ euro. Đây mới chỉ là số tiền các nước này phải trả thêm cho giá năng lượng tăng cao. Còn trên quy mô toàn cầu, con số thiệt hại khó có thể đong đếm được, khi hàng trăm nền kinh tế đã bị đánh giá lại khả năng tăng trưởng nhiều lần trong suốt cả năm qua.

Để ứng phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều quốc gia đã quay trở lại với nguồn nhiên liệu hóa thạch cũ vốn bị chỉ trích vì ô nhiễm: Than đá. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay: Năm 2022, ước tính mức tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng 2%, vượt hơn 8 tỷ tấn, là mức tiêu thụ lớn nhất trong lịch sử.

Sản lượng tiêu thụ than ở châu Âu tăng 9% trong năm qua, khi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) buộc phải khởi động lại hoạt động hoặc trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, trong đó có sử dụng cả than non, một loại than kém chất lượng gây ô nhiễm nặng. Điều này khiến giá than tăng đáng kể khi đạt kỷ lục mới vào cuối năm lên tới gần 500 USD/tấn.

Biến đổi khí hậu cũng góp phần gia tăng thêm cuộc khủng hoảng khi hạn hán làm giảm công suất sản xuất thủy điện ở Trung Quốc, kéo theo việc tăng cường sử dụng than cho phát điện. Hàng tỷ USD phải trả thêm cho những "nguồn năng lượng cũ" đã khiến các nhà đầu tư, các chính phủ phải nghĩ lại. Đây là thời khắc của sự thay đổi.

Và cơ hội

Việc tái sử dụng năng lượng hóa thạch đầy ô nhiễm như than đá hay dầu mỏ là điều khó tránh khỏi, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang trầm trọng. Nhưng, năm 2022 đồng thời ghi nhận những khoản đầu tư lớn vào các lĩnh lực năng lượng sạch và các kết quả bước đầu.

Theo báo cáo từ Bloomberg, trong 6 tháng đầu năm 2022, đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đã đạt 226 tỷ USD. Đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời đạt mức kỷ lục 120 tỷ USD (tăng 33% so với 2021), trong khi điện gió thu hút 84 tỷ USD (tăng 16%). Những con số đã phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với năng lượng sạch. Bất kể những thách thức do tăng giá vật tư, gián đoạn chuỗi cung ứng đẩy chi phí tài chính cao hơn, cả điện mặt trời và điện gió đều tăng trưởng. So với năm trước đó, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 11%. Ước đoán cả năm 2022, 650 tỷ USD đã được chi ra cho việc phát triển năng lượng sạch, một mức chi tiêu kỷ lục.

Sự gia tăng này được hỗ trợ một phần bởi nguồn vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân. Tổng cộng 9,6 tỷ USD (tăng 63% so với năm 2021) đã được các quỹ ở phố Wall (trung tâm tài chính lớn nhất thế giới) ném vào thị trường năng lượng sạch. Ông Albert Cheung, Trưởng bộ phận phân tích của Bloomberg cho biết: "Bất chấp những khó khăn đang được gây ra bởi lạm phát cũng như những thách thức trong chuỗi cung ứng, nhu cầu đối với các nguồn năng lượng sạch chưa bao giờ cao hơn thời điểm hiện tại và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch".

Tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook của giới đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào tháng 11/2022, Larry Fink, Giám đốc điều hành Quỹ BlackRock, đã dự đoán "vốn đầu tư mạo hiểm sẽ chảy nhiều hơn vào các công ty khởi nghiệp sử dụng khoa học cứng để giải quyết các vấn đề lớn nhất của hành tinh". Có được điều này là bởi các chính phủ trên thế giới cũng đã có những hành động quyết liệt trong năm qua.

Năng lượng sạch đã có những bước phát triển đột phá trong năm 2022.

Những đột phá

Trong năm qua, các chính phủ trên khắp thế giới đã bật đèn xanh cho các chính sách năng lượng tái tạo đầy tham vọng nhằm mở rộng quy mô lớn của năng lượng gió và mặt trời, cùng với sự phát triển của các công nghệ mới để hướng tới lượng khí thải carbon bằng không. Một số chính sách bao gồm tín dụng thuế để mua xe điện, máy bơm nhiệt hoặc vật liệu tiết kiệm năng lượng cho xây dựng.

Nước Mỹ thông qua đạo luật giảm lạm phát, đạo luật về khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử của đất nước. Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch REPowerEU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Trung Quốc cũng công bố các kế hoạch giúp nước này đạt được các mục tiêu năng lượng sạch năm 2030, trước thời hạn 5 năm. Chính những quyết sách mạnh mẽ này của các nước lớn đã mở đầu làn sóng cho toàn thế giới hướng tới những mục tiêu năng lượng sạch.

Tháng 11/2022, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 27 của Liên hợp quốc tại Ai Cập ghi dấu ấn khi các quốc gia đã đồng ý với một thỏa thuận lịch sử về tài chính khí hậu cho các nước nghèo hơn. Quỹ Tổn thất và Thiệt hại để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023. Việc đồng ý thành lập quỹ được ca ngợi như một "khoảnh khắc lịch sử".

Các tổ chức tài chính quốc tế cũng tuyên bố sẽ hướng các khoản đầu tư tới năng lượng sạch nhiều hơn năng lượng hóa thạch. Ngân hàng Thế giới (WB) rót gần 500 triệu USD để tìm nguồn cung ứng năng lượng sạch cho Nam Phi, nền kinh tế công nghiệp lớn nhất của châu Phi vốn phụ thuộc rất nhiều vào than đá. Một khoản vay có ý nghĩa tương tự lên đến 2,5 tỷ USD được dành cho các nước Đông Nam Á, khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những bước đệm quan trọng để năng lượng sạch tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Trong những ngày cuối năm, một tin tốt lành cho thế giới đến khi các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (California, Mỹ) thông báo họ có thể tạo ra "nguồn năng lượng gần như vô tận, an toàn, sạch sẽ và không có carbon” thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân. Đây là bước "đột phá quan trọng" nhất về mặt công nghệ trong năm 2022 đem đến sự háo hức cho toàn thế giới. Giáo sư Daniel M. Kammen - Khoa Công nghệ hạt nhân, Đại học California, Berkeley, Mỹ, đánh giá: "Sự kiện có nhiều ý nghĩa to lớn. Thứ nhất, chúng ta biết việc mô phỏng cách mặt trời tạo ra năng lượng là khả thi. Thứ hai, đây là lần đầu tiên chúng ta tạo ra phản ứng nhiệt hạch trên bề mặt Trái đất và cuộc đua sản xuất năng lượng nhiệt hạch đã bước sang trang mới".

Chúng ta đang tiến gần hơn một chút đến nguồn năng lượng sạch mới. Mặc dù vẫn có thể mất nhiều thời gian trước khi nhiệt hạch trở thành nguồn năng lượng thay thế, nhưng thành tựu đạt được là một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu đó. Nó cũng đã chứng minh những bước đi đúng đắn của loài người, khi hướng tới khoa học để giải quyết vấn đề của mình.

Link gốc

Theo: ANTG