Sự kiện

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Tạo động lực cho Ninh Thuận phát triển đột phá và bền vững

Thứ năm, 12/11/2009 | 09:34 GMT+7
 
Sau chặng đường dài dày công nghiên cứu, xây dựng, chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam đã đi đến một trong những mốc lịch sử quan trọng: Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo đầu tư Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và trình Quốc hội xem xét. Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Xuân Thìn - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận. 

PV: Được biết vừa qua, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thuê Tập đoàn Tư vấn Moniter của Mỹ (tổ chức tư vấn hàng đầu trên thế giới) xây dựng chiến lược phát triển tổng thể. Theo ông, trong chiến lược đó, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại 2 xã Phước Dinh và Vĩnh Hải của tỉnh sẽ có ý nghĩa và vị trí như thế nào?

Ông Trương Xuân Thìn: Hiện Ninh Thuận còn nhiều khó khăn với mật độ dân số thấp, kinh tế - xã hội chưa phát triển. Song đi sau cũng lại trở thành lợi thế khi vào thời điểm này, Ninh Thuận có thể tiến hành nghiên cứu, xây dựng một quy hoạch bài bản, hoàn chỉnh. Trong đó, dự án xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đang và sẽ là một “điểm nhấn” đặc biệt quan trọng, góp phần tạo động lực cho sự phát triển đột phá mà vẫn đảm bảo yếu tố bền vững của tỉnh Ninh Thuận.

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Ninh Thuận vừa qua, trong số 54 dự án thuộc các lĩnh vực có nhiều tiềm năng của tỉnh, thì dự án ĐHN được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhất. Bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, thể hiện bước đi đúng hướng của Việt Nam trong đa dạng hóa nguồn năng lượng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, bền vững, bảo tồn tài nguyên đất nước và bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự án sẽ đem lại nguồn lợi nhiều mặt, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương,… góp phần thay đổi diện mạo “bức tranh toàn cảnh” của địa phương. 

PV: Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng như vậy đối với sự phát triển của Tỉnh, dự án này có đạt được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân Ninh Thuận?

Ông Trương Xuân Thìn: Thực tế, vì ĐHN còn mới mẻ đối với Việt Nam, nên trước đây đã có nhiều câu hỏi được đặt ra về sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, khả năng vận hành… và đặc biệt là sự an toàn của nhà máy. Ngay cả khi hoàn toàn không thể phủ nhận những giá trị về kinh tế, xã hội… của việc phát triển ĐHN đối với đất nước, thì khi nhìn ở góc độ hẹp hơn, vẫn còn có những băn khoăn: Dự án này sẽ đem lại những gì cho mỗi người dân và tương lai của Ninh Thuận?

Nhưng dần dần, khi tiếp cận tiến trình nghiên cứu khoa học của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam, khi được biết đến nhiều hơn những thông tin chính xác nhất về ĐHN nói chung và dự án ĐHN Ninh Thuận nói riêng, với tinh thần cầu thị và sự nỗ lực bền bỉ của EVN – chủ đầu tư dự án này, những trăn trở trên của chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã dần dần có được lời giải thỏa đáng.

UBND tỉnh Ninh Thuận có đại diện trong Hội đồng thẩm định dự án điện hạt nhân của quốc gia, nên các thông tin về dự án luôn được cập nhật. Trong các cuộc hội thảo, triển lãm, trao đổi lấy ý kiến về ĐHN diễn ra khá thường xuyên tại Ninh Thuận, những băn khoăn, nguyện vọng của các tổ chức đoàn thể, của nhân dân đã được các cơ quan có chức năng thu thập và giải đáp. EVN cũng đã tổ chức nhiều đoàn làm việc để lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Ninh Thuận đến Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt, mắt thấy lò phản ứng hạt nhân vận hành được đảm bảo an toàn nghiêm ngặt như thế nào ở Việt Nam, tai nghe trực tiếp những chia sẻ của bao người dân sống bình yên hàng chục năm nay ở khu vực xung quanh lò phản ứng… Từ đó, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận đã thực sự yên tâm và đồng thuận về dự án. Minh chứng rõ nét nhất là vừa qua, trong Hội nghị lấy ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp (các đơn vị trong vùng dự án) của tỉnh Ninh Thuận, đã có 100% đại biểu nhất trí thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận.

Đến thời điểm này, điều mà chính quyền và nhân dân Ninh Thuận trăn trở đã không còn là câu hỏi: Có nên xây dựng nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận hay không, mà chỉ hướng tới những bước tiếp theo của dự án: Kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc biệt với nhân dân vùng dự án và tỉnh Ninh Thuận; Phối hợp với EVN để thực hiện các chính sách đó một cách tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và cho địa phương…

PV: Giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư luôn là một trong những công tác khó khăn nhất khi triển khai một dự án. Theo đánh giá của ông về năng lực, thiện chí của chủ đầu tư dự án qua quá trình phối hợp với EVN, đồng thời căn cứ kế hoạch của dự án, có khả năng sẽ nảy sinh những khó khăn nào khi triển khai giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư ở Ninh Thuận?

Ông Trương Xuân Thìn: Theo tôi, thuận lợi sẽ là cơ bản. Các cơ quan chức năng của Nhà nước đã nghiên cứu kỹ các yếu tố cần và đủ để có thể xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, việc đảm bảo thành công cho công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư chính là một trong những điều kiện tiên quyết.

Tất nhiên, không thể tránh được những khó khăn phát sinh, đặc biệt là khi dự án này mang sứ mệnh tiên phong. Khó khăn không chỉ xuất phát từ phía những hộ dân trực tiếp phải thay đổi nơi ở... Nhưng tôi rất tin tưởng vào EVN, đây là một tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước trong phát triển điện năng, có bề dày kinh nghiệm, với đội ngũ nhân lực mạnh và tiềm năng hùng hậu về KHCN, EVN đã xây dựng các công trình lớn, phức tạp trước đó như: Đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam; xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La có quy mô lớn nhất Đông Nam Á… Đảng và Nhà nước đã chọn giao cho EVN là chủ đầu tư dự án đầu tiên nhiều thách thức này, khi dự án đầu tiên thành công, các dự án ĐHN tiếp theo sẽ rất thuận lợi. Khi dự án được phê duyệt, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ sát cánh với EVN vượt qua mọi khó khăn, để việc triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn Ông!

Tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía đông giáp biển Đông.

- Diện tích tự nhiên 3.360 km2

- Dân số: 586 nghìn người

- Có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (Phan Rang - Tháp Chàm) và 6 huyện (Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc).

- Bờ biển dài 105 km, vùng ven biển có diện tích đất quy mô lớn, có Vịnh Vĩnh Hy và nhiều bãi tắm đẹp, nhiều địa điểm du lịch sinh thái…phù hợp cho sự phát triển du lịch có tầm cỡ trong nước và quốc tế…

Theo: Tạp chí Điện lực