Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long (ngoài cùng bên trái) và Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú điều hành cuộc họp GPMB. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mặc dù năm 2021, công tác đầu tư xây dựng của EVNNPT gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt sự ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 với các đợt giãn cách xã hội kéo dài... nhưng kết quả của công tác đầu tư xây dựng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận với việc hoàn thành một khối lượng đầu tư lớn có giá trị giải ngân 16.499 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và giải ngân khối lượng đầu tư thuần 11.328 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch; phê duyệt được 108 báo cáo nghiên cứu khả thi, tăng 27,1% ; phê duyệt 58 thiết kế kỹ thuật, tăng 65,7% so với năm 2020; khởi công 41/KH 45 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong và Nâng công suất các TBA 500kV Pleiku 2, Đăk Nông; các đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống, Huội Quảng - Nghĩa Lộ - Việt Trì; các TBA 220kV: Tương Dương, Nối cấp TBA 220kV Phố Nối, Vĩnh Châu, Năm Căn, Duyên Hải...; đóng điện được 42/KH 56 dự án, trong đó có các dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, Năng lượng tái tạo (NLTT), thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện: Đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2; Mỹ Tho - Đức Hòa; TBA 500kV Đức Hòa; NCS TBA 500kV Pleiku 2; Đường dây 220kV Mường Tè - Lai Châu, Đông Hà - Lao Bảo, Quảng Ngãi - Quy Nhơn; TBA 220kV Thủy Nguyên, Bến Lức, Giá Rai...
Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Bắc Hoàng Văn Tuyên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cuộc sống luôn đặt ra cho con người bao thách thức lớn nhỏ, càng day dứt hơn khi số dự án khởi công và đóng điện năm 2021 chưa đạt so với kế hoạch mà nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong công tác thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm trạm và tuyến đường dây dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư bị kéo dài; sự bùng phát của đại dịch Covid -19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cung cấp vật tư thiết bị và thi công các dự án đầu tư xây dựng. Năm Tân Sửu 2021 đã qua với lắm nỗi nhọc nhằn, âu lo chồng chất đối với những người làm công tác truyền tải điện, họ chưa thể nhẹ nhõm thở phào bởi sự bề bộn của năm cũ còn bày biện đây đó, do vẫn còn có dự án chưa hoàn thành đóng điện theo kế hoạch đề ra, họ cần thêm thời gian để công việc được gọn gàng, tinh tươm như mong muốn.
Địa phương đã bàn giao 78 vị trí móng cột cho đơn vị thi công đường dây 220kV mạch kép đấu nối với TBA 220kV Bắc Quang. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2022, EVNNPT đề ra kế hoạch, thực hiện đầu tư xây dựng với tổng giá trị 22.361 tỷ đồng, trong đó 17.118 tỷ đồng đầu tư thuần; khởi công 43 dự án (8 dự án 500kV, 34 dự án 220kV, 01 dự án 110kV) và hoàn thành và đưa vào vận hành 71 dự án (21 dự án 500kV, 48 dự án 220kV, 02 dự án 110kV). Thực hiện quyết liệt các giải pháp để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án giải tỏa công suất các NMĐ BOT (nhất là NMNĐ BOT Vân Phong 1), năng lượng tái tạo, thủy điện khu vực Tây Bắc và các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc…trong bối cảnh trái đất đang có nhiều biến đổi khôn lường về khí hậu cùng với dịch bệnh Covid -19 đang hoành hành chưa nhìn thấy điểm dừng. Nhưng dù muốn hay không, những người làm công tác truyền tải điện chẳng dễ buông bỏ những lo toan của năm cũ để bước vào năm mới. Hành trang của họ luôn mang chứa bộn bề công việc, vì vậy nếu muốn sống như không thể mất thì phải xốc lại tinh thần, bình tĩnh nghĩ và bình tĩnh làm.
Phần TBA 220kV Bắc Quang đã được Công ty Sông Đà 11 Thăng Long hoàn thành 80% khối lượng công việc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong công tác bồi thường GPMB, sớm hoàn thành dự án Đường dây 220kV mạch kép đấu nối với TBA 220kV Bắc Quang để tăng sản lượng điện mua từ Trung Quốc từ tháng 5-2022 và truyền tải hết công suất phát của các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc, EVNNPT đã chủ động bám sát chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ giải quyết các vướng mắc trong công tác GPMB kịp thời, tạo điều kiện để nhà thầu thi công công trình đảm bảo tiến độ.
Tiến độ thi công phần TBA 110kV đã đạt được 90%. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Chỉ huy trưởng công trình xây dựng TBA 220kV Bắc Quang (Sông Đà 11 Thăng Long) Hoàng Minh Huấn nói: Đến thời điểm hiện nay, tiến độ thi công phần TBA 110kV đã đạt được 90% và phần TBA 220kV là 80%. Đơn vị thi công sẽ đảm bảo được tiến độ đóng điện. Công trình TBA được bắt đầu thi công từ tháng 3-2021, nhưng do trong tháng 6 và 7-2021, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều và lớn đã làm hạn chế rất nhiều đến công tác thi công, trong 1 tháng chỉ thi công được khoảng 10 ngày, nhưng ngay sau đó, đơn vị đã phải bù tiến độ bằng cách tăng ca, tăng cường nhân lực nên đến tháng 10-2021 đã đạt tiến độ chung.
Như vậy, tiến độ phần TBA có thể yên tâm. Phần Đường dây 220kV mạch kép đấu nối với TBA 220kV Bắc Quang, đến thời điểm này, địa phương đã bàn giao 78 vị trí móng cột cho đơn vị thi công, còn 4 vị trí chưa bàn giao mặt bằng là 37, 40, 51 và 94.
Toàn cảnh TBA 220kV Bắc Quang. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) năm 2022, hiện có khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ, trong đó gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì vậy, chỉ những người thực hiện dự án và tham gia công tác GPMB mới hiểu được nỗi nhọc nhằn khi gặp vướng mắc trong GPMB, dù là vướng mắc không quá phức tạp. Để không xảy ra tiêu cực trong đất đai ngày càng phổ biến làm niềm tin của dân với GPMB bị đổ vỡ, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long và Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cùng thống nhất quan điểm “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” - khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền. Có nghĩa, sẽ vận dụng những chính sách tốt nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo được kỷ cương và khi chính sách thông suốt sẽ đảm bảo được kỷ cương phép nước – cơ sở của sự bền lâu.
Phó Chủ tịch Hoàng Gia Long khẳng định, để đảm bảo mục tiêu đóng điện dự án theo yêu cầu của EVNNPT là cuối tháng 4 - 2022, Phó Chủ tịch Hoàng Gia Long sẽ trực tiếp thị sát hiện trường và giải quyết các tồn tại về GPMB, bàn giao nốt 4 vị trí móng cho đơn vi thi công trong tháng 2-2022 và hành lang tuyến trong tháng 3-2022.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cuộc họp diễn ra nhanh chóng vỏn vẹn khoảng 90 phút. Có lẽ là cuộc họp nhanh chóng và hiệu quả nhất về giải quyết vướng mắc GPMB cho dự án mà tôi được chứng kiến. Điều này khiến tôi nhớ về câu chuyện thi công con đường Mã Pí Lèng - là dốc đệ nhất đỉnh đèo trời Nam có độ cao 2.000m thuộc cao nguyên Đồng Văn nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200km được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong gần bảy năm (1959 - 1966) với trên 2,2 triệu lượt người ngày công lao động. Trong đó, riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng do các thanh niên trong đội cảm tử đảm nhiệm. Chỗ dốc Mã Pí Lèng (Sống Mũi Ngựa) này phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục, đánh mìn, bổ đá, khắc đá. Để khai đường, ầm ầm cây lao xuống vực, ầm ầm đá lao xuống dòng sông Nho Quế tít tắp phía dưới. Có hòn đá to bằng cái tủ áo nhưng chỉ lộn nhào vài chục vòng là tan hút ra thành khói. Mới biết để có con đường nhựa cho xe 24 chỗ ngồi hôm nay chạy đến cột cờ Lũng Cú đã có bao công sức xương máu của bao người đổ xuống, trong đó, có rất nhiều người dân ở Hà Giang.
Tôi càng thấu hiểu về những con người nơi đây và tại sao sứ mệnh giữ gìn Cột cờ Lũng Cú- biểu tượng của quốc gia, của điểm cực Bắc nơi địa đầu Tổ quốc lại được trao cho người dân Hà Giang.
Như một sự trùng hợp, EVNNPT hiện đang gánh vác sứ mệnh quản lý và vận hành lưới điện truyền tải quốc gia – xương sống của Hệ thống điện Việt Nam, họ là những người được giao nhiệm vụ tiên phong trong xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam mạch 1 – một công trình có tầm vóc lớn cả về kinh tế, kỹ thuật và thời gian thi công. Công trình hoàn thành đã tạo ra bước phát triển mới về kinh tế cho cả nước, đã đi vào biên niên sử Điện lực Việt Nam và có thể cả biên niên sử đất nước, như thời khắc nổ phát súng lệnh cho quân đội năng lượng tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ của ngành Điện lực Việt Nam sau này. Sự trùng hợp ấy đã tạo ra sự hòa hợp trong việc triển khai các dự án của EVNNPT trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Chia tay Hà Giang, sắc đỏ trên cột cờ Lũng Cú như sắc nắng làm ấm lại lòng người. Một Hà Giang nhiều sắc màu, nhiều hương vị đắm đuối cho đến giờ tôi vẫn còn cảm giác chao nghiêng như người say sóng đất khi về với đất biển. Những bước núi trập trùng như ngọn sóng dâng cao trong lòng mình - ngọn sóng của tình yêu Tổ quốc khi về với vùng đất địa đầu đất nước. Nhất định Dự án cụm công trình truyền tải điện khu vực Tây Bắc sẽ đúng hẹn.