Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội- Y Thanh Hà Niê Kđăm và Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện cùng các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nhà bán trú học sinh và công trình cấp nước sinh hoạt Trường PTDT bán trú THCS xã Chiềng Công. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Với một nơi như Chiềng Công hay những vùng miền xa xôi hẻo lánh, mỗi ân tình trao dâng luôn được nâng niu ghi lòng tạc dạ, niềm vui ấy luôn được nhân lên gấp bội, bởi nó gieo vào lòng người niềm tin yêu trìu mến, rằng các em học sinh vùng cao đã không bị lãng quên và sự kiện bàn giao công trình nhà bán trú và công trình cấp nước sinh hoạt cho Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Chiềng Công chỉ là một trong nhiều công trình của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thực hiện với mục đích “Thắp sáng những ước mơ” đến với trẻ em vùng cao các tỉnh phía Bắc mang đến sự ấm áp cho các em vào những ngày đông lạnh giá.
Tôi đã đi mọi nẻo đường trên dặm dài đất nước, nhưng chuyến đi lên Chiềng Công - một xã hẻo lánh ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La thì quả là vất vả. Đường đi không xa, từ thành phố Sơn La lên chỉ khoảng 66 km, chúng tôi đi hết 2 tiếng 31 phút. Thế mới hiểu, những con đường đi ở miền núi không được tính bằng ki-lô-mét mà phải tính bằng thời gian đi. Con đường gập gềnh đá như vừa trải qua một trận lũ quét, lũ ống, vẫn còn nguyên những khối đá nằm ngổn ngang dọc đường. Anh lái xe của Công ty Điện lực Sơn La nhích từng bánh xe của chiếc bán tải gầm cao để các nhà báo đỡ bị xóc, nhưng có lẽ, với những con đường như vậy, thì mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa. Con đường càng làm cho Chiềng Công thêm heo hút. Bởi thế mỗi niềm vui chiu chắt nhỏ nhoi ai đó dành cho Chiềng Công đều khiến chúng tôi vui như chính mình được nhận một niềm đáp đền ân nghĩa. Chuyến đi này cũng như bao chuyến thiện nguyện của EVNNPC đã làm trong nhiều năm qua đối với khách hàng của mình và nhiều địa phương khác được đón nhận một đáp đền như thế từ những tấm lòng của EVNNPC dành cho như đối với Chiềng Công.
Chiềng Công là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, kinh tế của người dân xã Chiềng Công chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Để từng bước xóa đói, giảm nghèo, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phát triển sản xuất khi tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Tuy vậy, để giúp cho Chiềng Công từng bước thoát nghèo, vẫn cần lắm…
Ở Chiềng Công, điện đã được đưa đến từng hộ dân từ hơn chục năm nay, nhưng con đường bê tông vẫn là cái gì đó “xa xỉ”. Có đi trên con đường như đường đến Chiềng Công, đá sỏi lổn nhổn, gập ghềnh, dốc cao, quanh co mới thấu hiểu được những bao xi măng, những viên gạch được chuyên chở lên đây phải được đo bằng tình yêu thương dành cho các em nhỏ vùng cao của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sự hỗ trợ đã đến đúng nơi cần đến.
Đón chúng tôi bằng ánh mắt hiền hậu, cô giáo trẻ Đặng Thị Hậu tâm sự: Tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc chuyên ngành giáo dục, chị không trở về quê hương ở Hà Tây cũ mà quyết định xin về dạy tại trường cấp II Chiềng Công. Nơi đây cũng đã chắp cánh cho tình yêu, hoài bão, khát vọng tuổi trẻ “người lái đò tri thức”, để rồi chị đã nên duyên vợ chồng trên chính mảnh đất này.
Thầy giáo hiệu trưởng Doãn Văn Trịnh chia sẻ: Thời tiết ở đây thất thường, có những hôm trên đỉnh đèo thì mưa, dưới chân đèo lại nắng. Những hôm mưa bão to, gió tạt ngang với tốc độ mạnh, phải dừng lại chờ hết luồng bão mới dám đi tiếp. Rồi những hôm sương mù dày đặc nhìn không rõ người. Khí hậu là vậy nhưng nước sinh hoạt từ trước luôn là vấn đề nan giải. Nước sinh hoạt được lấy từ suối nên không ổn định, mỗi khi vào vụ mùa, người dân lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là nguồn nước bị cắt hoàn toàn, có thể từ 3 đến 5 ngày liên tục. Trong khi đó, ngoài giáo viên thì học sinh gần như ở bán trú (478 học sinh bán trú/490 tổng số học sinh), nên việc thiếu nước sinh hoạt đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của giáo viên và học sinh. Tuổi trung bình của giáo viên khá trẻ từ 27-28 tuổi. Đó là một trong những yếu tố giúp trường xây dựng thành một trong những trường điểm của huyện Mường La. Tuổi trẻ có nhiều lý tưởng để phấn đấu, nhiều mục tiêu để đạt được và có nhiều lựa chọn cho tương lai nhưng có những lựa chọn mà nếu như lưỡng lự thì sẽ khó có cơ hội được sống và trải nghiệm, bởi thế những giáo viên trẻ đã không ngần ngại để góp sức mình. Những thầy cô ngày ngày “vượt nắng, thắng mưa” đến lớp truyền dạy tri thức cho bao thế hệ học sinh đã làm ấm lòng những người dân bản địa.
Nhắc lại những câu chuyện trên để hiểu thêm những thiệt thòi của vùng đất này. Và vì thế, nếu có một sự đầu tư san sẻ, dù nhỏ bé, thì với người dân nơi đây, điều đó cũng nặng trĩu ân tình. Công trình nhà bán trú và công trình cấp nước sinh hoạt cho Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Chiềng Công mà Tổng Công ty Điện lực miền Bắc vừa hoàn thành và bàn giao trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần (năm 2022) cũng là một minh chứng như thế. Dãy nhà bán trú và công trình cấp nước sinh hoạt đều được xây dựng từ nhiều năm và đã xuống cấp hoặc không đáp ứng được nhu cầu. Để đảm bảo tiến độ bàn giao công trình trước Tết Nguyên đán, đơn vị thi công đã tập trung chạy đua kịp hoàn thành công trình và dù việc thi công gặp nhiều khó khăn do dịch COVID - 19, từ việc vận chuyển nguyên vật liệu, nhân lực thi công, những trở ngại do thời gian thi công công trình, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực phải thực hiện giãn cách nhưng lời hứa với thầy và trò về khu nhà ở bán trú và công trình cung cấp nước sinh hoạt trước Tết không thể sai hẹn. Ngày bàn giao công trình, khu nhà bán trú được khoác trên mình màu vàng chanh trẻ trung và năng động, những ô cửa với màu xanh mới tinh, khi mở cửa ra cũng là kết nối ánh nhìn của các em với vòm cây và khung trời xanh thẳm bên ngoài. Và thật kỳ lạ, khu nhà bán trú dường như rộng thêm ra, hòa hợp trong một không gian nhiều cây xanh và nổi bật sắc vàng sáng tươi giữa núi rừng thăm thẳm.
Với tấm lòng tri ân cho vùng đất từng chịu nhiều hy sinh, những khó khăn đó đã không ngăn được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đúng hẹn với thầy trò về tấm áo mới cho một năm mới.
Đứng lặng nhìn những đứa trẻ sau những giờ học, giờ chơi được tươm tất sạch sẽ, gọn gàng và sâu giấc ngon lành, tôi thầm nghĩ, không phải chỉ có ở Chiềng Công, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã góp phần rất nhiều cho sự nghiệp trồng người trên vùng cao phía Bắc với việc xây dựng các khu nhà bán trú, ủng hộ trang thiết bị dụng cụ dạy học để các em vùng cao được đến lớp, được học tập vui chơi trong điều kiện như bao trẻ em miền xuôi. Tạm biệt Chiềng Công, tôi chỉ mong sao, sẽ có nhiều những công trình như Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã đem đến cho các em học sinh miền núi phía Bắc để các em luôn vẹn nguyên dấu cười.
Công trình nhà bán trú được xây dựng 2 tầng với 14 phòng ở có vệ sinh khép kín và các hạng mục phụ trợ.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện tham quan “Phòng máy xanh” có máy tính kết nối mạng do Tổng công ty trang bị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Các đại biểu thăm hỏi thầy trò Trường PTDT bán trú THCS xã Chiềng Công. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Công nhân Điện lực Mường La (Công ty Điện lực Sơn La) tuyên truyên, hướng dẫn các cháu học sinh sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện trao học bổng “Thắp sáng những ước mơ” cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt với tổng trị giá 225 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
EVNNPC trao tặng 1.500 quyển vở và 500 áo ấm cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn