Sự kiện

Giải quyết tài chính cho EVN - không phải mỗi giá điện

Thứ hai, 23/7/2012 | 09:55 GMT+7
Chiều 20/7, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã chủ trì cuộc tọa đàm với báo giới về vấn đề giá điện.



Phó Tổng Giám đốc EVN- Đinh Quang Tri tại cuộc tọa đàm.


Nhiều câu hỏi của báo giới đã được Phó Tổng Giám đốc EVN trả lời thẳng thắn, không né tránh, đầy đủ, ngắn gọn và hài hước.

Chênh lệch tỷ giá khiến EVN bị lỗ

Trước câu hỏi của nhiều phóng viên thắc mắc về lý do điều chỉnh giá điện tăng 5% khi thời điểm hiện tại đang có nhiều yếu tố thuận lợi như tỷ giá ổn định, thủy điện dồi dào, giá dầu giảm….

Ông Đinh Quang Tri cho biết, đó là cách nhìn bề ngoài, đơn lẻ và chưa thấy hết được bức tranh toàn cảnh về  bài toán giá điện hiện nay.

Vì ngoài các yếu tố đó, EVN có khoản treo chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ và khoản lỗ tồn đọng do kinh doanh điện 11.000 tỷ đồng từ 2011. Đây là một gánh nặng, không xử lý thì sau này sẽ rất khó.

Ngành than cũng đang khó khăn trong khi 30-40% sản lượng điện là từ nhiệt điện than. Nếu không hỗ trợ ngành than thì rồi đến lúc không có than cho điện. Chính phủ cũng chỉ đạo đến năm 2013, giá than sẽ theo thị trường. Vừa rồi, EVN đề nghị cho phép tăng giá than 10-11%, sẽ giúp tăng 400 tỷ đồng cho than. Doanh thu từ tăng 5% giá điện từ 1/7 dự kiến tăng thêm 3.700 tỷ, như vậy, EVN còn lại 3.300 tỷ sẽ bù trừ vào chênh lệch tỷ giá.

Bên cạnh đó, nếu đúng theo quy định, cứ 3 tháng một lần EVN được phép xem xét để đề nghị tăng giá điện. Tuy vậy, từ đầu năm đến tháng 7, giá điện vẫn giữ nguyên do các Bộ yêu cầu EVN phải giữ giá điện để đảm bảo phát triển kinh tế trong thời kỳ khó khăn. Và đương nhiên trong 7 tháng đó, dù lỗ, EVN vẫn phải chấp nhận và vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đến tháng 7, các bộ đồng ý thì EVN mới tăng giá.

Trả lời câu hỏi vì sao các DNNN khác như PetroVietnam, Vinaconex, Lilama không thấy được bù chênh lệch tỷ giá thì EVN lại được bù, ông Đinh Quang Tri cho rằng lỗ chênh lệch tỷ giá là yếu tố rất khách quan. Tập đoàn Điện lực được bù lỗ trong khi các Tập đoàn khác thì không, nghe có vẻ không công bằng. Tuy nhiên, cái gốc ở đây là tính chất đặc thù của giá điện. Tất cả giá sản phẩm của DNNN khác vận hành theo cơ chế giá thị trường. Giá thị trường tăng, doanh nghiệp được phép tăng. Giá thị trường giảm, doanh nghiệp buộc phải giảm theo. EVN thì khác, hiện nay EVN chưa bán điện theo giá thị trường. Dù có lỗ nhưng nếu Chính phủ bảo kinh tế khó khăn, không được tăng giá điện, chênh lệch tỷ giá phải để lại hết thì EVN phải chịu, không được phép tăng giá.  Nói cách khác, 26.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá còn treo lại là do chính sách đặc thù về giá điện nên Chính phủ phải có cơ chế bù cho EVN.

Đây cũng là cơ chế chung của giá điện trên toàn thế giới. Tại các nước, tất cả các DN điện đều phải bù chênh lệch tỷ giá vào giá điện và người tiêu dùng phải chịu.

Theo đó, từ nay đến năm 2015, các khoản lỗ sẽ được phân bố đều vào giá điện, mỗi năm nếu chia trung bình EVN phải phân bổ 6.600 tỷ đồng vào giá điện thì mới hết. Riêng khoản lỗ kinh doanh điện trong hai năm 2010-2011 lên 11.000 tỷ đồng, EVN sẽ không phân bổ vào giá điện mà sẽ tự điều tiết khoản này trong cân đối phần lợi nhuận doanh thu của mình khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Tri cũng khẳng định thêm, giải quyết vấn đề tài chính cho EVN không phải mỗi tăng giá điện mà còn đồng bộ cả thu xếp vốn. Hiện nay, nhiều dự án 100% vốn đều là đi vay cả như nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 3. Trong đó, 85% vay nước ngoài, 15% vay ngân hàng thương mại trong nước. Tất cả các khoản vay đều do Chính phủ bảo lãnh, chỉ đạo ngân hàng trong nước cho vay chứ một mình EVN không thể đảm đương nổi.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điện

Về đến Đề án Tái cơ cấu, EVN đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó thành lập 3 Tổng Công ty phát điện (GENCO) sẽ vận hành chính thức từ 1/10/2012.

Hiện, Thủ tướng chỉ đạo, các Genco được thành lập vẫn trực thuộc EVN trong thời gian đầu khoảng 3 năm. Sau khi đủ điều kiện cổ phần hóa sẽ cổ phần hóa và tách khỏi EVN, dự kiến vào 2015-2016. Nhiệm vụ của tập đoàn là mua và bán điện từ các GENCO này. Từ đó, EVN chỉ nắm giữ các nhà máy điện nguyên tử, thủy điện chức năng và các nhà máy điện đa mục tiêu, còn các nhà máy điện khác sẽ giao cho 3 GENCO.

Bản thân các công ty này đang hạch toán độc lập và cổ phần hóa, EVN không can thiệp. "Chỉ có ngày hội cổ đông là chúng tôi bầu ra Chủ tịch, sau đó các Chủ tịch này sẽ tự cử ra Tổng giám đốc, ban điều hành. Như thế thử hỏi EVN thao túng cái gì ở thị trường điện này?"- ông Tri phát biểu.

Liên quan đến vấn đề nhiều báo giới đã nêu là EVN không hạch toán các khoản thu từ việc thuê cột điện, ông Đinh Quang Tri cho biết, Kiểm toán nhà nước không hề nói EVN làm sai quy chế! Ngược lại kết luận chung của cơ quan này là EVN làm đúng chế độ kế toán, tài chính của Việt Nam hiện nay.

Theo quy định, doanh thu cột điện là hạch toán riêng vào doanh thu doanh nghiệp. Thay vì hạch toán vào giá điện thì hạch toán vào doanh thu, suy cho cùng cũng nhằm mục tiêu là giảm lỗ. Việc hạch toán này Bộ Tài chính hướng dẫn thế nào, thì EVN làm đúng như hướng dẫn.

KTNN chỉ kiến nghị xem xét nghiên cứu thêm về cách hạch toán giá thành điện sao cho hợp lý hơn. Những kiến nghị của KTNN, EVN đã thực hiện. Ông Tri cũng cho biết thêm, KTNN thông báo kết quả với EVN năm 2010 từ lâu chứ không phải mới công bố.

Ông Tri cho biết, thực tế lỗ năm 2011 là 11.000 tỷ, nhưng nhờ kinh doanh tài chính giảm 2.900 tỷ đồng, nên lỗ còn trên 8.000 tỷ đồng. Hạch toán vào doanh thu giúp giảm lỗ của EVN, thay vì hạch toán vào giá thành.

Về vấn đề độc quyền được khá nhiều phóng viên đề cập, ông Đinh Quang Tri khẳng định, EVN không hề muốn độc quyền. Trái lại, mong muốn của EVN là kêu gọi càng nhiều nhà đầu tư đủ năng lực tham gia vào ngành điện càng tốt, để chia sẻ bớt gánh nặng cho EVN. Tuy vậy, lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh phải trải qua nhiều giai đoạn, đốt cháy giai đoạn không hề có lợi, thậm chí còn phải trả giá đắt nếu tiến quá nhanh.

Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng, lưới truyền tải và lưới phân phối điện là độc quyền tự nhiên, "dù muốn phá cũng không được". Ông Tri cho biết, không ai đi làm thêm một đường dây 500 kV nữa để cạnh tranh, sẽ phải tốn hàng tỉ USD. Cũng không chính phủ nào cũng cho phép 1 công ty khác làm thêm một mạng lưới điện khác đến từng khu vực, do quá tốn kém nguồn lực đất nước.


Đến năm 2015 sẽ thoái vốn toàn bộ ngoài ngành

Ông Đinh Quang Tri cho biết, hiện EVN còn đầu tư tại một số doanh nghiệp như: Ngân hàng An Bình, Công ty chứng khoán An Bình, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu và một số công ty bất động sản.

Tại Ngân hàng An Bình, EVN đầu tư 757 tỷ đồng, hiện Tập đoàn đang trình Thủ tướng Chính phủ chuyển nhượng sang Geleximco để đưa tỷ lệ vốn đầu tư xuống 20%, nhưng hiện nay thoái vốn ở ngân hàng rất khó khăn vì giá cổ phiếu thấp, EVN đang đề nghị bán giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vấn đề này đang chờ ý kiến Thủ tướng.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, EVN có 22% cổ phần tại đây, đang cố gắng rút xuống 20% và đang chờ bán. Hiện EVN đang đàm phán với đối tác của Đức để bán, giá cả đang thảo luận, nhưng chắc chắn sẽ lãi lớn.

Đối với bất động sản, EVN đang đầu tư khoảng 103 tỷ đồng, dự kiến sẽ bán hết để trả lại tiền cho cổ đông. Riêng lĩnh vực chứng khoán, do chưa tìm được đối tác để bán do thị tường khó khăn. Vì vậy, EVN muốn chờ đến 2015 khi nào thị trường tốt hơn thì sẽ bán hết. Tổng số tiền EVN đầu tư cho lĩnh vực này hiện nay khoảng 1.100 tỷ đồng.

 
Bài và ảnh: PV