Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) kiểm tra thông số kỹ thuật, bảo đảm vận hành đường dây an toàn.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (QHÐ VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 28 dự án nguồn điện với tổng công suất 19.164 MW; đầu tư và nâng công suất các trạm biến áp 220-500kV với tổng dung lượng hơn 118 nghìn MVA, đưa vào vận hành hơn 23.300 km đường dây 220kV, 500kV.
Nhiều khó khăn, thách thức
Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, kinh nghiệm từ việc thực hiện QHÐ VI cho thấy, khó khăn, thách thức lớn nhất là vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB) và năng lực nhà thầu. Ðối với QHÐ VII, giai đoạn 2011-2020, trung bình mỗi năm nước ta cần hơn 4,88 tỷ USD để đầu tư các công trình nguồn và lưới điện. Giai đoạn 2020-2030, con số này lên tới hơn 7,5 tỷ USD. Mỗi năm phải đưa vào vận hành thêm 5.000 MW công suất. Phó Tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành cho biết, giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện của EVN khoảng 501.470 tỷ đồng nhưng đến nay Tập đoàn mới cân đối thu xếp được khoảng 315.224 tỷ đồng (gần 62,85% tổng nhu cầu). Còn khoảng 186.245 tỷ đồng chưa thu xếp được, chủ yếu là phục vụ các công trình chuẩn bị khởi công, như Dự án Mỹ Tân 4, EVN đang lập thủ tục đầu tư để sau này thu xếp vốn; hay các nhà máy như Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3 và 4, EVN đang đàm phán vay vốn các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Vấn đề cấp thiết nhất là trong năm 2012, vốn còn thiếu tương đối lớn, trong đó, có một số công trình trọng điểm cấp điện cho miền nam còn thiếu hơn 8.900 tỷ đồng. Thậm chí, nhiều dự án chuẩn bị khởi công (có sử dụng vốn vay) nhưng EVN đang chạy đôn chạy đáo để lo đủ 15% vốn đối ứng.
Từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2012, EVN mới hoàn thành, đưa vào vận hành: 14 tổ máy với tổng công suất 2.718 MW; 68 công trình lưới điện 220-500kV với gần 1.500 km đường dây và hơn 9.800 MVA công suất các trạm biến áp. Ông Dương Quang Thành cho biết thêm, theo QHÐ VI, giai đoạn 2006-2010, EVN cũng chỉ hoàn thành 80% công suất nguồn điện, hơn 65% số km đường dây lưới điện truyền tải. Một số dự án thuộc QHÐ VI phải "vắt" sang QHÐ VII. Do thiếu vốn, cho nên nhiều công trình chậm triển khai. Các thủ tục vay vốn đều kéo dài vì bản thân các ngân hàng cũng đang thiếu vốn. Ðối với các dự án vay vốn nước ngoài, kể cả vốn ODA, thủ tục còn phức tạp và kéo dài hơn.
Phó Vụ trưởng Ðầu tư (Bộ Tài chính) Phan Ngọc Quang nhận định, tiềm lực vốn của các nhà đầu tư trong nước không lớn. Nguồn vốn huy động cho các dự án điện thường lên tới 70 đến 80%, vốn chủ sở hữu chỉ từ 20 đến 30%. Các nhà cung cấp tài chính trong nước lại rất khó trong việc đáp ứng nguồn vốn này, việc thu xếp vốn từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng cần có điều kiện, thời gian nhất định. Cơ chế quản lý tài chính, tín dụng có những ràng buộc. Ngay trong cân đối nguồn vốn hằng năm, chúng ta cũng phải trông chờ vào nguồn vốn bên ngoài rất nhiều, phía Việt Nam chủ động được chỉ từ 70 đến 80%. Bộ Tài chính cho rằng, việc huy động vốn cho đầu tư các dự án điện còn gặp nhiều khó khăn do giá điện còn thấp, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và đầu tư của nước ngoài còn hạn chế, chưa tạo ra động lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong xã hội. Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam Tô Quốc Trụ cũng cho rằng, số nợ của EVN quá lớn, khiến việc đi vay vốn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn.
Công tác đền bù GPMB luôn gặp khó khăn, phức tạp, khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ. Nhiều dự án triển khai trên địa bàn rộng, phức tạp, lực lượng làm công tác bồi thường di dân lại mỏng về quân số và không chuyên nghiệp; các chế độ, chính sách về bồi thường di dân-tái định cư của Nhà nước thay đổi liên tục, dẫn đến sự chênh lệch trước và sau trong cùng dự án, chênh lệch giữa các dự án trong cùng khu vực dẫn đến sự so sánh, gây khiếu nại trong nhân dân, thời gian giải quyết kéo dài. Một số dự án trọng điểm lưới truyền tải điện của EVN chậm tiến độ do công tác GPMB như đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa mãi đến cuối tháng 3-2012 mới đóng điện, chậm tiến độ một năm. Nhiều công trình trọng điểm lưới điện 220kV, 500kV ở phía nam cũng gặp tình trạng tương tự trong khi hệ thống đường dây ở đây, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, luôn trong tình trạng đầy hoặc quá tải.
Thực tế có những dự án do EVN làm chủ đầu tư, nhất là các nhà máy nhiệt điện than, bị chậm tiến độ do năng lực tư vấn thiết kế, thi công và năng lực của các nhà thầu không bảo đảm, lại luôn thiếu vốn, thiếu lực lượng thi công, thiết bị, thợ lành nghề, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, vì vậy phải kéo dài thời gian xây dựng, khi hoàn thành, đi vào vận hành lại không ổn định, liên tục phải dừng máy để sửa chữa, thay thế, hiệu chỉnh, như các nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Việc cấp vốn cho các dự án gặp nhiều khó khăn, nhà thầu không đủ vốn để thi công do khủng hoảng kinh tế từ năm 2007 đến nay. Hầu hết các hệ thống thiết bị nhà máy điện phải nhập khẩu bằng ngoại tệ, trong khi giá vật tư, nguyên vật liệu tăng cao, biến động tỷ giá càng làm khó khăn cho công tác xây dựng các dự án điện.
Gỡ nút thắt về vốn
Ðể bảo đảm đủ nguồn vốn, EVN đang tích cực làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, JICA, KfW để huy động vốn cho các dự án điện. EVN đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên tối đa nguồn vốn ODA, vốn tín dụng phát triển cho các dự án điện và bảo lãnh cho EVN vay vốn của các ngân hàng thương mại nước ngoài. Tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước để vay vốn cho các dự án điện, đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại cho EVN vay để đầu tư các dự án điện vượt 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng có liên quan. EVN đã xin phép Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu để huy động vốn từ các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, dân cư ... cho nhu cầu đầu tư của Tập đoàn. Ðối với một số dự án chưa thu xếp được vốn, khi mời thầu tham gia thực hiện dự án, EVN yêu cầu nhà thầu chào thầu kèm theo phương án tài chính để xem xét.
Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Giải pháp quan trọng là yêu cầu nhà thầu, đặc biệt là tổng thầu triển khai hợp đồng EPC tự thu xếp nguồn vốn để triển khai thực hiện. Với cách này, thời gian qua, EVN đã triển khai được một loạt công trình, với thu xếp vốn của các tổng thầu EPC. Cần tận dụng các nguồn vốn vay dạng ODA, OCR, vay tín dụng xuất khẩu, khuyến khích các hình thức hợp tác công-tư (PPP) trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án IPP, BOT với tỷ lệ thích hợp. Ngày 10-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 854/QÐ-TTg, về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 của EVN, trong đó, cho phép EVN được huy động nguồn vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế cho các dự án điện giai đoạn này.
Các nhà quản lý, chuyên gia tài chính cũng nhận định cần có chính sách giá điện phù hợp, bảo đảm các nhà đầu tư vào ngành điện có lãi hợp lý. Các dự án điện của chúng ta sẽ đủ sức hấp dẫn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khu vực Nhà nước cũng như tư nhân. Khi đó, khó khăn vốn mới giải quyết được về lâu dài. Có giải quyết được vấn đề vốn thì chúng ta mới bảo đảm được an ninh cung ứng năng lượng nói chung và cung ứng điện nói riêng cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Việc này cần phải công khai, minh bạch các thông số đầu vào tính toán giá điện. Ðồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là liên Bộ Tài chính và Công thương cần tăng cường cơ chế giám sát về điện và giá điện, đưa ra những bộ tiêu chí cập nhật và hiệu quả hơn trong quản lý lãi suất và điều hành giá điện. Tách bạch phần sản xuất, kinh doanh và công ích của EVN. Hơn nữa, nếu phải điều chỉnh tăng giá điện thì Nhà nước vẫn phải bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội để các hộ nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa... được hưởng giá điện ưu đãi. Bộ Tài chính cũng cho rằng, ngay trong Quyết định 24/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định, ngoài việc tham gia kiểm toán của các tổ chức kiểm toán độc lập, trước khi điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đều phải kiểm soát lại báo cáo tài chính của EVN, đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan để quyết định vấn đề điều chỉnh giá điện trong mỗi thời điểm. Ngay cả trong trường hợp chúng ta có xác định được nhân tố làm tăng giá điện, nhưng những yếu tố chung của nền kinh tế chưa cho phép thì cũng chưa thể tăng giá ngay được.
Ðồng bộ các giải pháp khác
Về lâu dài, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu EVN theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về phần mình, EVN dự kiến bán tiếp cổ phần của Tập đoàn tại các công ty phát điện đã cổ phần hóa mà Nhà nước không cần chi phối. Nguồn vốn thu được sẽ tập trung cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Cũng theo Quyết định 854/QÐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN thực hiện thoái vốn đã đầu tư tại các công ty liên kết thuộc các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm. Ðến năm 2015, thoái hết vốn đầu tư các lĩnh vực này để tập trung đầu tư các dự án điện. EVN đang rà soát danh mục các dự án đầu tư, nhu cầu đầu tư cần thiết để phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm cấp bách, các dự án nằm trong mục tiêu đưa vào vận hành trong năm 2012; chỉ bố trí vốn đối với các dự án, công trình đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đủ các điều kiện để thi công và giải ngân.
Theo Bộ Công thương, cần thực hiện chặt các thủ tục đánh giá, lựa chọn nhà thầu, các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực quản lý, quy định chặt chẽ các điều khoản trong các hợp đồng tổng thầu EPC về đặt cọc, phạt do chậm tiến độ và độ ổn định trong vận hành các nhà máy điện. Nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án; thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy chế phân cấp đầu tư của Tập đoàn; điều hành, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các nhà thầu. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần quyết liệt làm tốt công tác GPMB. Ngành điện không có quyền cưỡng chế cũng như tăng tiền bồi thường. Cứ để chờ thì vừa ảnh hưởng đến tiến độ, vừa làm tăng chi phí công trình do trượt giá nguyên vật liệu.
Việc giảm tổn thất điện năng (TTÐN) cần được EVN đặt ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bằng các giải pháp trong đầu tư, quản lý vận hành và kinh doanh, EVN đã liên tục nỗ lực phấn đấu, đưa tỷ lệ TTÐN từ 21,4% năm 1995 giảm xuống còn 9,23% năm 2011. Bộ Công thương đã phê duyệt chỉ tiêu TTÐN của lưới điện Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016, theo đó, năm 2012 là 9,2%, năm 2013 là 9,32%, năm 2015 là 8,9% và năm 2016 là 7,9%. Trong đó, riêng năm 2013 lại tăng cao hơn các năm khác do thời điểm đó, EVN phải tăng cường truyền tải điện từ bắc vào nam thông qua đường dây 500kV, đồng thời đẩy nhanh tiếp việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Hiện, EVN đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên thực hiện chương trình giảm TTÐN, tập trung vào: tăng cường quản lý kỹ thuật, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết trên thiết bị để bảo đảm vận hành hệ thống điện theo phương thức tối ưu; đầu tư mới các công trình nguồn, lưới điện với tính năng kỹ thuật tiên tiến và từng bước hiện đại hóa lưới điện; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm điện...
Một nội dung nữa rất quan trọng là việc hình thành, phát triển thị trường điện. Từ ngày 1-7, đã chính thức khởi động thị trường phát điện cạnh tranh (TTPÐCT), huy động các tổ máy điện trong hệ thống điện cũng như thanh toán tiền điện cho các nhà máy điện theo bản chào của các nhà máy. Ðể đạt được thị trường điện có tính cạnh tranh cao thì phải mất nhiều thời gian nữa, và TTPÐCT hiện nay mới là bước đi đầu tiên để tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng đang cố gắng rút ngắn quá trình chuẩn bị từ nay đến năm 2022 để thị trường bán lẻ cạnh tranh có thể khởi động sớm hơn.