Sự kiện

Ngành điện: Tìm giải pháp ổn định kinh doanh

Thứ tư, 1/8/2012 | 16:12 GMT+7
Không trực tiếp tham gia sản xuất, không bị giảm giá sản phẩm nhưng ngành điện vẫn bị sụt giảm doanh thu do nhiều nhà máy bị đình trệ sản xuất, thậm chí phá sản khiến các công ty điện lực rơi vào cảnh không thu hồi được tiền bán điện.

 “Cháy thành vạ lây”

Vốn được coi là lãnh địa của ngành thép và xi măng, nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh của Công ty Điện lực Hải Phòng (PCHP) khá ổn định nhờ doanh thu từ các nhà máy thép, xi măng sử dụng điện rất nhiều. Thế nhưng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của 2 công ty này đã bị giảm mạnh.

Ông Trần Ngọc Quỳnh - Phó giám đốc PCHP cho biết, 5 tháng đầu năm 2012, Công ty Xi măng Hải Phòng giảm tiêu thụ 6,99 triệu kWh, Công ty Thép Việt Ý giảm 15,37 triệu kWh, Công ty Thép Cửu Long giảm 11,09 triệu kWh, Công ty Thép POSCO giảm 5,29 triệu kWh. Việc giảm sản lượng tiêu thụ điện công nghiệp đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của PC Hải Phòng. Thậm chí, có DN bị phá sản (Thép Vạn Lợi) đã để lại khoản nợ tiền điện khoảng 18 tỷ đồng, trong đó có 15 tỷ đồng thuộc nợ khó đòi.

Công ty Điện lực Thái Nguyên (PCTN) cũng đang chật vật vì chỉ tiêu kinh doanh bán điện chỉ đạt 46,2% kế hoạch. Ảnh hưởng nặng nề nhất là Điện lực thị xã Sông Công, nơi có thành phần phụ tải công nghiệp xây dựng chiếm tới 90,19% nhưng sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt 42,21% kế hoạch, giá bán bình quân của Điện lực Sông Công thấp hơn giá bình quân cả nước.

Đó là chưa kể, trong khi sản lượng tiêu thụ điện công nghiệp giảm thì tỷ trọng điện sinh hoạt lại tăng là nguyên nhân gây tăng tổn thất điện năng (TTĐN). 5 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ TTĐN của PC Hải Phòng ở mức 6,88%, tăng  0,25% so với cùng kỳ và cao hơn kế hoạch EVN NPC giao là 1,76%. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh thu của công ty bị giảm theo.

Không riêng PCHP và PCTN, 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng điện thương phẩm của cả Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) chỉ đạt 46,60% kế hoạch, trong khi tỷ lệ tổn thất là 8,85%, tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2011.

Giải pháp

Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Điện lực Sông Công - cho biết, để đảm bảo doanh thu trong thời buổi khó khăn này, việc thu tiền điện là cả nghệ thuật. Phương châm của Điện lực Sông Công là quan hệ tốt với khách hàng, gặp gỡ thường xuyên để tìm kiếm sự chia sẻ. Với khách hàng lớn, lãnh đạo công ty đích danh gọi điện nhắc nhở thân tình mỗi khi đến kỳ thu tiền điện, khách hàng nhỏ thì nhân viên thu ngân phải làm việc cụ thể, tìm hiểu nguyên nhân những trường hợp chậm nộp tiền điện. Nếu lý do chính đáng thì vẫn cấp đủ điện để họ duy trì sản xuất. Vì vậy, nhiều đơn vị rất khó khăn nhưng vẫn trả tiền điện đầy đủ. Có thời kỳ, giờ thấp điểm của hệ thống điện đã trở thành giờ cao điểm ở Sông Công do khách hàng đăng ký sử dụng điện giờ thấp điểm quá nhiều. PC Sông Công đã tổ chức họp với khách hàng để hiệp y lại giờ hoạt động, tránh quá tải nguồn cấp.

Trong công tác thu nộp tiền điện, NPC còn yêu cầu các công ty điện lực thực hiện nghiêm túc việc chuyển tiền tự động từ tài khoản chuyên thu của điện lực đến các công ty điện lực. Kiểm tra ngay các đơn vị điện lực có số dư nợ lớn hoặc tăng đột biến, bất thường. Thực hiện quyết toán hóa đơn đúng thời gian quy định.

Giảm tổn thất điện năng cũng là giải pháp được đặc biệt chú trọng. Hiện NPC đã yêu cầu các công ty điện lực phải duy trì củng cố công tác quản lý kỹ thuật lưới điện và các TBA; kiểm tra, giám sát chương trình giảm tổn thất, tìm biện pháp xử lý đối với đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Đẩy nhanh tiến độ thay thế công tơ tại các khu vực tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đặc biệt là tổ chức lắp đặt công tơ 3 pha. Tăng cường quản lý giá bán điện, kiểm tra việc khai sản lượng điện tiêu thụ theo đúng mục đích. Quản lý chặt chẽ việc hộ dùng điện giá hộ nghèo.

6 tháng đầu năm 2012, sản lượng điện thương phẩm của EVN NPC chỉ đạt 46,60% kế hoạch, trong khi tỷ lệ tổn thất là 8,85%, tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo: Công Thương Online