Đường dây 500kV đã tạo nên bước đột phá kinh tế cho đất nước. Ảnh: TL
Ba ngày và một lời hứa với Thủ tướng
Vào một ngày tháng 6/2014, Minh Huệ, Hòa Bình, hai trong số các phóng viên có mặt ở Trường Sơn từ ngày đầu xây dựng đường dây 500 kV dẫn tôi đến thăm nhà ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Năng lượng, một trong những người đầu tiên có ý tưởng xây dựng đường dây 500kV Bắc -Nam. Ông Hải nhớ lại: “Tết năm 1991, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tôi và một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng là đồng chí Lê Liêm (Thứ trưởng) Bùi Văn Lưu (Giám đốc Công ty Điện lực 2), Trương Bảo Ngọc (Giám đốc Công ty Khảo sát và Thiết kế điện 1), Trần Viết Ngãi (Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3)… đến nhà khách của Công ty Điện lực 2 ở TP Hồ Chí Minh ăn cơm. Đó là một bữa cơm bình thường. Nhưng hôm đó tôi nhớ như in tâm trạng của Thủ tướng. Ông bảo rằng chúng ta đã mở cửa kinh tế rồi nhưng không phát triển được chỉ vì miền Nam thiếu điện trong khi miền Bắc lại đang thừa điện vì có thủy điện Hòa Bình, Thác Bà”...
Theo ông Hải: “Lúc đó Thủ tướng nói: Bây giờ các ông làm cách gì để đưa điện từ miền Bắc vào Nam cho tôi, càng sớm càng tốt. Tôi thưa với Thủ tướng: Muốn đưa điện vào Nam chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp. Thế giới đã có đường dây 400 kV. Riêng Pháp, Nga có 500 kV, và dài lắm là 500 km. Còn Việt Nam nếu làm thì ít nhất không dưới 1.500km. (chính xác là 1.567km). Thủ tướng trầm ngâm một lúc rồi nói: Tôi giao ông trong ba ngày phải trả lời có làm được hay không?”
Ba ngày sau, ông Hải tự tin trả lời với Thủ tướng Võ Văn Kiệt là làm được!
Chấm dứt chuỗi dài “hai tối, một sáng”
Trở lại tình hình điện Việt Nam thập kỷ 1970, 1980. Điện chỉ có ở thành phố và được gọi là những ngày “hai tối, một sáng”. Tức là có điện một ngày thì mất điện hai, ba ngày. Có điện thì cũng lom rom. Trong khu tập thể, nhà nào có survolter, bật lên một cái để sáng đèn nhà mình thì các nhà khác chỉ đủ đỏ dây tóc.
Miền Trung cơ bản không có điện. Đà Nẵng có Nhà máy đèn Cầu Đỏ chạy bằng diezen, lúc có dầu, lúc không. An ninh điện là an ninh quốc gia. “Câu điện” trở thành một loại tội phạm nghiêm trọng. Tôi nhớ mãi một vụ án: Một công nhân Hà Nội về hưu, dùng may-xo nấu cám lợn bằng điện ngoài công-tơ, đã bị phạt ba năm tù giam!
Đường dây 500kV đã ra đời hết sức khó khăn, nhưng chưa có công trình nào có vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD), công trường thi công trải dài đất nước vượt trùng điệp núi rừng Trường Sơn và bảy con sông lớn, lại được hoàn thành một cách nhanh chóng đến như vậy. Tháng 1-1992, Bộ Chính trị thông qua. Ngày 5/4/1992 khởi công. 19h6 phút ngày 27/5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ lệnh hòa lưới điện quốc gia thành một mạng thống nhất.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và đường dây 500 KV (mạch 1) được xây dựng trong những ngày ấy, không chỉ giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Nam, miền Trung ngày ấy, mà đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1990 – 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%; GDP tăng từ 5,1% vào năm 1990 đến 9,5% vào năm 1995.
Nhưng trong hai năm ấy, với cách làm bắt buộc “vừa chạy vừa xếp hàng”, tức là vừa khảo sát, vừa tư vấn, vừa thi công, đường dây 500 kV cũng để lại ít nhiều tai tiếng. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải bị bắt và xử ba năm tù vì không kiểm soát được trong một vụ mua bán vật tư. Tuy nhiên, sau một năm, vụ án được xem lại và ông được ra tù. Bây giờ thì ông sống cuộc sống như người nghệ sĩ, sáng tác thơ, nhạc, đôi khi chạnh buồn nhưng vẫn lạc quan, hàm ơn cuộc sống, tự hào vì đã góp phần trong việc làm nên một kỳ công…
Chặng cuối của con đường thống nhất
Sự thống nhất của quốc gia không chỉ biểu hiện bằng việc thống nhất ngôn ngữ, lãnh thổ… mà còn là sự thống nhất tiền tệ, thị trường và cùng đó là một mạng điện quốc gia thống nhất.
Sau đường dây 500 kV mạch 1, ngành điện đã tiếp tục xây dựng các đường dây 500 kV mạch 2, mạch 3… Chặng cuối của con đường thống nhất lưới điện quốc gia này chính là sự khép lại ở vòng cung Đông Bắc bằng Dự án ĐZ 500 KV Quảng Ninh – Hiệp Hòa. Dự án nhằm mục đích giải phóng công suất cụm nhiệt điện Quảng Ninh – Mông Dương 3 400 MW, tạo mạch vòng truyền tải 500 kV Quảng Ninh – Hiệp Hòa – Việt Trì –Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan – Thường Tín – Quảng Ninh, nhằm liên kết hệ thống mạch giữa Đông Bắc và khu vực Bắc Hà Nội để vận hành ổn định và tối ưu cho hệ thống điện miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Tháng 6, nắng Hoành Bồ như đốt cháy cả đá. Tại xã Thống Nhất, giữa lau lách của những triền núi cao, những ruộng lầy, các đơn vị thi công đang tích cực kéo dây suốt cả trưa. Hán, Lạc là những kỹ sư thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung bám từng chân cột để giám sát và động viên thợ đang xuống máng (neo dây vào sứ). Hai người đen trũi, từ Đà Nẵng ra thuê trọ từ mấy năm nay. Nhìn nước da phong sương, mái đầu đã lốm đốm bạc của Hán, cứ nghĩ anh ngót 50 tuổi. Hỏi ra, mới biết sinh năm 1978. Hán có con gái 3 tuổi. Ngày đi, Hán dỗ con: “Con ở nhà ngoan, ba đi làm mua sữa con ăn”. Lâu, nó nhớ cứ gọi hoài: “Con có sữa rồi. Mà con không cần sữa nữa, ba về với con…”.
Đời người thợ điện, cứ thế, hết Nam lại Bắc, hết công trình này đến công trình khác. Lúc về thành phố, có khi xài như công tử nhưng cả đời, sống như dân công. Lạc đã có cháu nội, cháu ngoại, đã từng có mặt ở rất nhiều công trình. Hỏi anh có yêu nghề không, anh bảo đó là cái số, cái nghiệp; muốn bỏ cũng không được, mà cũng chẳng biết làm việc khác. Bù lại, mỗi khi xong một công trình, lại tự thấy vui khi làm được một việc có ý nghĩa. Tỷ như, trong dự án này, ngoài Hiệp Hòa (Yên Dũng, Bắc Giang) là trạm biến áp lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, các anh đang vinh dự khép lại một vòng cung cuối cùng của phía Bắc; đưa hệ thống truyền tải điện nước nhà thành một khối hoàn thiện và thống nhất.
“Nhiều nước có nền kinh tế phát triển hơn nước ta, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, vẫn chưa có một hệ thống lưới điện thống nhất, hiện đại như vậy. Điều đó cho thấy tầm nhìn, quyết tâm chiến lược của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi thấy vinh dự được là người tham gia vào công việc này”, các anh tâm sự. Tôi hỏi, vì sao phải điều người Đà Nẵng thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung ra; các anh cười “đó là việc của cấp trên”! Tôi thì nghĩ rằng, do đây là một Ban được thành lập sớm (1988) và được giao quản lý nhiều công trình trọng điểm, khó khăn nên đã dày dạn kinh nghiệm và quan trọng là sự nhiệt tình, xông pha máu lửa của các anh chính là câu trả lời…
Tháng 7/2014 sẽ diễn ra lễ đóng điện, khép lại một vòng cung Đông Bắc. Rồi các anh lại xa miền Bắc, đến những miền đất mới. Cái nghề “dây cột” thật là khô, nhưng mỗi nơi đều là một kỷ niệm không quên. Trong kỷ yếu của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung, tôi đọc được bài thơ chân thành của Trần Thái Thùy, người giám đốc đầu tiên của Ban:
Đường qua suối chênh vênh thác đổ
Nắng chan mưa, áo mặn mồ hôi
Thư con, chưa kịp đọc, nhòe rồi
Mưa tiếp đến, mẻ bê-tông trộn dở
Cột dựng đó, cao thêm đời thợ
Đường dây dài, dài nỗi nhớ người thương
Khói đèn dầu, con học bài đêm
Đừng trách bố: Gắng lên quê, xa phố
Trưa Đắc Lây lán che mưa đổ
Thoáng anh buồn bởi nửa ướt người đi
Ai đến đây và ai đã ra đi?
Đời điện sáng rồi đây ai quên, nhớ
Theo chiều dài đường dây trăn trở
Nghe họa mi vui hót nơi nơi
Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời
Giọt ngọc tặng của đời anh, đời thợ…
Anh bạn đồng nghiệp ở Báo Tiền Phong đã bất chợt thốt lên trước đường dây 500 kV: “Đây cũng là một con đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn”.
Quả vậy. Vén những mù sương vụn vặt thường giăng mắc cuộc sống nơi đô thị dễ làm người ta tẻ nhạt, buồn chán, về giữa dòng đời sôi động, thấy hiển lộ những con đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đang không ngừng được mở ra trên đất nước hôm nay./.