Sự kiện

Những người “nghe” nhịp thở sông Đà

Thứ sáu, 12/10/2012 | 14:17 GMT+7
Với sự có mặt của công trình Thủy điện Sơn La, con sông Đà hùng vĩ thuở cụ Nguyễn Tuân viết bản hùng ca “Người lái đò trên sông Đà” đã chính thức phải khuất phục bởi “nhân định” chứ không còn hung hãn theo bản tính thiên định của nó.
 

Nếu “vẽ” bản đồ những dự án thủy điện lớn cùng trên một dòng, sông Đà đã được “chia” làm ba bậc thang: trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình, và nhà máy Thủy điện Sơn La nằm ở bậc thang thứ hai, gắn với những địa danh Tạ Bú, Pa Vinh, Bản Pẫu, Bản Tả của đất Mường La rất mực trữ tình.

Những người gắn bó với sông Đà, với Mường La cả chục năm trời, họ đã “nghe” được nhịp thở của dòng sông hùng vĩ…

Dự án Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm quốc gia, bậc thang thứ hai trên sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình), công suất lắp đặt 2400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW), công trình chính đặt tại tuyến Pa Vinh thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
 


Hạ du thủy điện Sơn La (nhìn từ trên mặt đập).

Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc.

Được khởi công năm 2005, ngày 17/12/2010 tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Đến nay, cả sáu tổ máy đã được vận hành, sản xuất được hơn 11,553 tỷ kWh (tính đến ngày 10/10/2012).

Đó là những thông tin, thông số mà bất kỳ cán bộ, công nhân nào làm nhiệm vụ tại công trường thủy điện Sơn La đều nằm lòng. Thế nhưng, có thể không phải ai cũng biết, để công trình này hiện hữu thành hình khối như hiện nay, nó đã được Đảng, Chính phủ phải đặt lên “bàn cân” một cách kỹ lưỡng.

Trước khi đưa ra QĐ phê duyệt dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La tại địa điểm hiện tại, đã có rất nhiều cuộc họp bàn về nó: Sơn La cao hay Sơn La thấp? Sơn La cao (mực nước 265m) thì có hai bậc thang thủy điện (Hòa Bình và Sơn La); Sơn La thấp (215m) sẽ có ba bậc thang thủy điện (Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu); Sơn La nhỏ (về quy mô) sẽ có thêm 3 - 4 bậc thang thủy điện khác trên sông Đà.

Trước đó, để có thể đặt bút viết dự án này, những cán bộ chuyên gia cũng đã phải trường kỳ 25 năm làm công tác khảo sát, thiết kế, thăm dò…

Thêm những tranh luận, họp bàn về những tác động của dự án nếu triển khai, sẽ phải tính đến các bài toán môi sinh, vấn đề bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực lòng hồ, chuyện di dân tái định cư, vấn đề an ninh quốc phòng của khu vực Tây Bắc…

Nhưng cuối cùng, phương án “Sơn La thấp” đã được Quốc hội quyết định thông qua, đồng nghĩa với việc hình thành ba bậc thang thủy điện trên sông Đà, đảm bảo các yếu tố an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du và an toàn cho cả Hà Nội; giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế mà vẫn không ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội.
 


6 tổ máy đang vận hành bên trong nhà máy Thủy điện Sơn La.

Tôi có mặt tại Mường La cùng thời điểm cụ Thái Phụng Nê - đặc phái viên của Thủ tướng, Phó trưởng ban chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La – Lai Châu, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) - người “giám sát” dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, cũng vừa có mặt.

Anh Lực, Chánh văn phòng BQLDA Thủy điện Sơn La hồ hởi: “Mới cuối tháng 9 vừa rồi “cụ” lên nhà máy trong sự kiện tổ máy số 6 đưa vào vận hành. Thế mà, bây giờ cụ lại lên với nhà máy, không quản đường sá xa xôi, dù cụ đang ở tuổi gần 80 - tuổi “xưa nay hiếm”.

Sự minh mẫn, nhiệt huyết của cụ dường như đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, bởi những ngày có mặt tại nhà máy, chưa lúc nào tôi thấy cụ ngừng làm việc: cẩn trọng xem báo cáo của Trưởng BQLDA Nguyễn Hồng Hà trình; vào tận nhà máy dự các cuộc họp giao ban…

Các cán bộ, lãnh đạo của BQLDA, lãnh đạo của Nhà máy Thủy điện Sơn La cũng không lúc nào có mặt trong phòng làm việc đủ một tiếng đồng hồ, vì phải giải quyết cả đống công việc trước mắt, khi ở ngoài công trường, khi ở trong các cuộc họp…, nhất là khi dự án đã cơ bản hoàn thiện, chỉ còn một vài hạng mục cuối cùng đang gấp rút hoàn thành để bàn giao cho chủ dự án.

Anh Dũng, cán bộ Phòng Tổ chức-Hành chính của Nhà máy Thủy điện Sơn La, người có thâm niên gần chục năm công tác tại dự án, vừa dẫn tôi đi thực địa, vừa trao đổi những thông tin đầy ấn tượng: 6 tổ máy vận hành theo đúng công suất thiết kế, một ngày có thể mang lại… 6 tỷ đồng; hồ chứa nước thủy điện Sơn La tích nước ở cao độ thiết kế, nhà máy thủy điện Hòa Bình ở bậc thang phía dưới liền kề cũng ổn định về nguồn nước; cùng với đó là hàng trăm lao động có công ăn việc làm ổn định, và xung quanh dự án, những ngành nghề “ăn theo” của người bản địa cũng mọc lên, đời sống người dân từ đó cũng được thay da đổi thịt.
 


Màn hình truyền tín hiệu đo quan trắc dư chấn của nhà máy thủy điện Sơn La. Tất cả các thiết bị đo quan trắc này đều được gắn trong thân đập, xung quan thân đập và quanh nhà máy chia thành bảy tuyến tại 7 khu vực; gồm 668 thiết bị đo quan trắc.

 Thị trấn Ít Ong – thủ phủ của Mường La cũng tấp nập từ khi công trường xây dựng, hàng ngàn cán bộ công nhân tập trung về đây đã tạo cho Mường La một “thị trường” sầm uất…

Anh Dũng cũng tự hào kể: ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy Thủy điện Sơn La là dự án trọng điểm Quốc gia được Chính phủ đánh giá có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

“Ngay như con sông Đà, ở hạ du nước đục ngầu, thế nhưng trên mạn thượng du, hồ chứa nước trong xanh và êm dịu như hồ sinh thái. Trong tương lai không xa, chắc chắn hồ thủy điện Sơn La cũng sẽ khai thác cả tiềm năng du lịch, giống như hồ thủy điện Hòa Bình…” - anh Dũng nói.

Tôi như lây với cảm xúc của anh kỹ sư yêu nghề này. Trước mắt tôi, đập thủy điện khổng lồ dài 996 mét, cao 135 mét (ở vị trí mặt cắt cao nhất), bề rộng chân đập là 125 mét sừng sững và vững chãi như một bức trường thành đang án ngữ “ngăn đôi” sông Đà, tạo nên hai bức tranh “khác biệt”: hạ du ngầu đỏ và thượng du yên bình, êm ả.

Dòng nước trong xanh ôm những triền núi xanh rì, bảng lảng trong sương chiều Tây Bắc, được ánh nắng phản quang hắt lên màu chanh cốm.

Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Sơn La nói một cách đầy hoa mỹ: nếu công trình thủy điện Sơn La là bông hoa nở trên thượng nguồn Tây Bắc, thì linh hồn của nó chính là con đập khổng lồ này.

Câu nói văn vẻ từ một người có thâm niên mấy chục năm làm công việc tưởng như đầy khô khan vì suốt ngày chỉ đau đáu với các con số, với bê-tông, cốt thép, đầm lăn, áp lực… này, hóa ra lại có… cơ sở khoa học hẳn hoi, bởi trong cuộc trò chuyện của tôi với kỹ sư Lê Quốc Lâm – cán bộ phụ trách quan trắc của nhà máy, tôi mới hiểu: cả con đập khổng lồ được xây dựng bởi hàng triệu khối bê-tông này. Nó là một “cơ thể sống”.

Sinh năm 1981, quê ở Hà Nam, tốt nghiệp khóa 41 ĐH Thủy lợi, kỹ sư Lê Quốc Lâm “đầu quân” vào Nhà máy Thủy điện Sơn La từ năm 2006, biên chế trong Ban chuẩn bị sản xuất. Khi nhà máy đi vào vận hành, Lâm được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực quan trắc – hàng giờ cập nhật những thông số từ các máy đo quan trắc về thân đập báo về qua máy tính.

Lâm cho biết: bao xung quanh thân đập, chân đập, trong lòng đập là 668 thiết bị đo quan trắc, được bố trí thành bảy tuyến tại 7 khu vực có chức năng khác nhau; mỗi một nhóm thiết bị đo quan trắc “phụ trách” một nhiệm vụ: quan trắc đo áp lực lỗ rỗng trong nền đá (liên quan đến lượng nước thấm qua nền đập); quan trắc đo độ mở của các khe biến dạng; đo ứng xuất trong bê-tông; thiết bị đo địa chấn; thiết bị đo giám sát nhiệt độ trong bê-tông; thiết bị đo áp lực tổng của toàn bộ đập; hệ thống mốc đo chuyển vị bề mặt đập được quy chuẩn với hệ thống mốc Quốc gia; hệ thống đo rọi; quan trắc đo thấm tại các hành lang khu nước qua thân đập…

Mỗi một loại thiết bị quan trắc, Lâm đều rành mạch giảng giải để một người “ngoại đạo” như tôi có thể hiểu được, tại sao lại như thế?, thông số đó nói lên điều gì? có vai trò gì?… Vừa giảng giải, Lâm còn lấy bút vẽ minh họa như một cách giải thích đầy sinh động.

Và, mục đích cuối cùng của ngần ấy thiết bị (tất cả đều được tự động hóa bằng máy móc công nghệ hiện đại, truyền về màn hình máy vi tính, được lưu lại trong một ổ chứa khổng lồ mà Lâm khoe “ổ chứa này của em phải 3 năm mới… đầy” thành một cuốn “nhật ký điện tử” về con đập), là “bảo vệ” sức khỏe của đập thủy điện!.

“Bất cứ một sự thay đổi nhỏ nào ảnh hưởng đến đập, tác động lên đập hay sự tăng – giảm nhiệt độ bên trong thân đập, đều được máy đo quan trắc báo về. Điều đó giúp các lãnh đạo, kỹ sư chủ động ứng phó với những biến đổi nếu như nó vượt quá các thông số an toàn cho phép… Đập thủy điện, nó cũng giống như một cơ thể sống, rất sinh động, nên nó chính là “linh hồn” của nhà máy thủy điện” – kỹ sư Lâm hào hứng.

Bữa cơm trưa đạm bạc tại nhà bếp của nhà máy ngày 10/10, tôi được làm khách của thủy điện Sơn La. Anh Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính của Nhà máy Thủy điện thật thà: “Nhà bếp nấu ăn cho 200 cán bộ công nhân viên, mỗi một suất có đơn giá… 15 ngàn đồng, nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng cho anh em làm việc, và đảm bảo an toàn vệ sinh chất lượng. Trong tương lai không xa, khi nhà máy đi vào hoạt động sản xuất ổn định, đời sống người lao động sẽ được cải thiện”.

Tôi biết, đấy không phải là điều phiền muộn đối với họ, những người gắn bó thời gian đằng đẵng với Thủy điện Sơn La từ ngày chặn dòng gần chục năm về trước. Trên hết, đấy là ấp ủ của dự án sẽ “cống hiến” cho đất nước 15% tổng sản lượng của toàn ngành điện, và góp phần quan trọng để làm thay da đổi thịt cả đất nước, chứ không chỉ riêng mảnh đất Mường La…

Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước).

Theo: Vietnamnet