Anh Trí, người đưa điện lên Bảy Núi -Ảnh: Thanh Dũng
|
Lên Tây Nguyên học làm thủy điện
Nói xong, chị lật đật chạy đến bật công tắc cho chiếc quạt máy quay vù vù rồi mới kéo ghế ngồi tiếp chuyện với khách. Chị nói hồi đó dân núi Cô Tô (ấp Núi Trung, xã Núi Cô, H.Tri Tôn, An Giang) ai cũng xài đèn dầu, nên chiều xuống là xóm núi chìm trong bóng tối. Chỉ có một vài nhà khá giả trong xóm mới dám dùng điện bình (ACCU) để thắp sáng, còn lại phần đông sắm bình là để dành xem ti vi. “Xài điện bình phiền phức lắm, phải sạc liền liền hà. Mà hồi đó đường xuống núi rất khó đi, nên lâu lâu tụi tôi mới vần công nhau gánh nhiều cái bình đi sạc cùng lúc cho đỡ tốn công. Bởi vậy bà con ở đây xài bình tiết kiệm lắm, hôm nào có đám tiệc mới dám xài đèn bình. Còn ti vi thì phải xem… nhín, bữa nào có tuồng cải lương hay mới dám xem suốt”, chị Mai nhớ lại.
Người có công đưa thủy điện về làng là anh Nguyễn Hoàng Trí (39 tuổi), dân Bảy Núi chính gốc. Khoảng năm 1999, khi đi học ở Sóc Trăng, Trí tình cờ xem ti vi thấy dân vùng Tây Nguyên làm thủy điện gia đình thì mê lắm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Trí quyết định khăn gói lên Tây Nguyên học hỏi.
Đi được chừng hơn tuần lễ, Trí vác cái máy phát điện mini mua với giá 1 triệu đồng về nhà. Bà con trong vùng thấy lạ, kéo đến coi rần rần. Nghe Trí giải thích máy này lợi dụng sức nước chảy làm ra điện, ai cũng tròn mắt nhìn. Mấy người lớn tuổi mắng yêu: “Mồ tổ cha mầy, đừng làm cô bác mừng hụt nghen con”.
Những ngày sau đó, Trí hì hục xây bể xi măng thể tích 10 m3 rồi nối đường ống dẫn nước từ bể chứa vào máy phát điện… Xong đâu đó, anh mở hệ thống cho nước trong bể chảy làm mô tơ máy phát điện quay đều đều. Già trẻ xúm xít xem rồi thất vọng vì điện đóm không có. Không nản lòng, Trí kiên trì chỉnh sửa. Máy lít… tít… lè… tè một lúc bỗng dưng bóng đèn trong nhà vụt sáng, cái ti vi trắng đen bỗng vang lên tiếng ca vọng cổ mùi mẫn khiến bà con vỗ tay rần rần…
Suốt mấy ngày liền bà con cứ kéo tới nhà hỏi han rồi ngỏ ý nhờ Trí mua giùm 1 cái để về phát điện xài chơi. Cũng có nhiều người còn nghi ngờ, chiều nào cũng tới coi máy có còn phát điện được không rồi quày quả ra về. 1 tháng… rồi 3 tháng trôi qua, căn nhà của Trí lúc nào cũng sáng ánh điện. Chiếc ti vi được mở suốt ngày không sợ… hết bình. Thế là bà con trong làng hăm hở bàn tính chuyện làm thủy điện.
Sáng bừng xóm núi
Núi Cô Tô cao hơn 610 m so với mực nước biển, nhưng chạy dọc lên trên sườn cao, cứ chốc chốc lại ngang qua các con suối chảy rì rào. Anh xe ôm lại chỉ đây là thủy điện mi ni của chú Tư Minh, chú Thành, bà Chín, ông Liệt… Còn kia là của ông Thấm, Út Quân, Bảy Hiển, Bảy Tài, Tư Tòng, Sáu Thành, Ba Sơn, Tư Hùng, Năm Lệ, Hai Bé, Tư Trung…
Thủy điện cuối cùng nằm ở gần suối Bồng Lai là của Tư Sơn. Chỉ bể chứa gần 100 m3, Tư Sơn hồ hởi: “Thủy điện tiện lợi vô cùng, muốn xài điện lúc nào cũng được, không sợ bị nhà đèn cúp điện như dưới núi đâu. Nhà nào gần con suối điện càng mạnh. Mà nói thiệt, nếu không có thủy điện thì không biết đến bao giờ dân núi tụi tôi mới có điện lưới quốc gia xài. Bởi núi thì cao, dân cư thưa thớt nên kéo điện từ chân núi lên đây rất tốn kém”.
Chú Tư Minh thì khề khà nói có điện tụi con nít học hành cũng thoải mái hơn, xóm núi cũng sáng sủa hơn không còn hiu quạnh như trước đây nữa. Còn ông Út, nhà ở tuốt trên đỉnh núi, thì nói rằng chi phí bỏ ra làm thủy điện chỉ có vài triệu đồng mà xài được hàng chục năm. Xài vô tư, chỉ khi nào nước suối cạn mới phải tiết kiệm. Chỉ tiếc một điều là thủy điện mi ni công suất từ vài chục đến 100 kW nên không sử dụng được bàn ủi, tủ lạnh…
Dù vậy, với bà con xóm núi, bấy nhiêu đó đã là quá đủ. Từ ngày có thủy điện, làng xóm vui vẻ, yên lành hơn; công việc làm ăn của bà con cũng trôi chảy hơn nhiều.