Công trình sẽ được khánh thành vào cuối năm nay, rút ngắn tiến độ 3 năm so với Nghị quyết Quốc hội đề ra, mang lại nguồn lợi to lớn không chỉ giải quyết vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với phái viên của Thủ tướng Chính phủ đặc trách công trình TĐ Sơn La - Lai Châu - ông Thái Phụng Nê.
´ Thưa ông, do đâu mà chúng ta có thể rút ngắn được tiến độ thi công TĐ Sơn La tới 3 năm, điều mà nhiều dự án điện luôn bị “kêu” về việc chậm tiến độ?
- Tính đến nay, TĐ Sơn La đã phát điện tổng cộng 11,4 tỉ kWh, dự kiến cả năm nay sẽ phát hơn 8 tỉ kWh nữa. Do việc phát điện sớm hơn so với tiến độ nên tính đến thời điểm này, tổng giá trị nộp ngân sách của TĐ Sơn La cho 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu lên tới 1.144 tỉ đồng. Dự án cũng được đánh giá là “kiểu mẫu” về tiến độ thi công với việc cứ 4 tháng đưa vào vận hành 1 tổ máy. Từ khi phát điện tổ máy số 1 đến nay, trong năm 2011 lần lượt 3 tổ máy vào vận hành an toàn, và năm 2012, 2 tổ máy cuối cùng đạt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng thi công. Việc sớm đưa công trình vào vận hành, trước hết là do sự sáng tạo trong cơ chế quản lý và thực hiện dự án. Chính phủ cho phép phê duyệt thiết kế kỹ thuật (TKKT) công trình làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, phê duyệt việc lựa chọn tuyến công trình, làm rõ sơ đồ dẫn dòng. Trong quá trình lập TKKT giai đoạn 2, cho phép công trình được triển khai thi công sớm các hạng mục phục vụ dẫn dòng (mà thông thường phải hoàn tất toàn bộ TKKT 2 giai đoạn mới được bắt tay thi công). Ngoài ra, một loạt các bước thí nghiệm quan trọng cũng được triển khai trong giai đoạn này, đặc biệt là thí nghiệm sơ đồ thủy lực và cấp phối vật liệu đã giúp rút ngắn tiến độ thi công ít nhất trên 1 năm. Nếu như TĐ Hòa Bình, phải có sự hướng dẫn tỉ mỉ của các chuyên gia Liên Xô từ khâu thiết kế đến tất cả các khâu thi công, đào đắp, lắp máy... thì đến TĐ Sơn La, người VN đã đảm nhiệm toàn bộ, chỉ thuê nước ngoài thiết kế những phần việc phụ. Các hạng mục thiết bị cơ khí thủy công như cửa van, kết cấu thép trong bêtông, đường ống áp lực, thiết bị cẩu, nâng hạ... trước đây phải nhập của nước ngoài toàn bộ, thì hiện giờ, các đơn vị trong nước đều đã chế tạo và cung cấp được.
´ Khi tiến hành thi công TĐ Sơn La, hình như có một cuộc tranh luận khá nảy lửa giữa ông với lãnh đạo Bộ Xây dựng lúc đó về việc có hay không đưa công nghệ bêtông đầm lăn áp dụng cho Sơn La?
- Đúng vậy, vị lãnh đạo Bộ Xây dựng khi đó băn khoăn khi tôi cho rằng, bêtông đầm lăn hoàn toàn có thể áp dụng được ở công trình TĐ Sơn La. Dù vào thời điểm đó, công nghệ bêtông đầm lăn mới được đưa vào thử nghiệm ở TĐ Pleikrông (Đắc Lắc), nhưng cũng không hoàn toàn giống với cấp phối bêtông đầm lăn ở Sơn La. Vả lại, trong công nghệ bêtông đầm lăn, phụ gia quan trọng nhất là tro bay (loại nhiên liệu được lấy ra từ quá trình sản xuất nhiệt điện than) lúc bấy giờ VN chưa sản xuất được. Nhập khẩu thì giá quá cao. Tuy nhiên, lúc đó tôi vẫn bảo vệ quan điểm phải sử dụng bêtông đầm lăn vì thế giới họ đã làm rồi, hơn nữa, các thí nghiệm với bêtông đầm lăn đều cho thấy kết quả rất tốt. Với các công trình đập sử dụng bêtông thông thường, lo ngại nhất là bêtông bị dãn nở trong quá trình đông kết nên thường phải giảm tối đa lượng ximăng trong bêtông. Công nghệ bêtông đầm lăn đã làm được điều này khi phối trộn tro bay với ximăng ở một tỉ lệ nhất định, bêtông sẽ được hạ nhiệt một cách nhanh chóng. Thay vì phải mất từ 250-300kg ximăng cho 1m3 bêtông, ở TĐ Sơn La, tỉ lệ tro bay là 160kg, phối trộn với 60kg ximăng trong 1m3 bêtông đầm lăn cho kết quả tối ưu, vừa giúp giảm tối đa sự tăng nhiệt của bêtông, giảm nứt bề mặt bêtông, mà còn tăng độ chống thấm bề mặt đập phía thượng lưu, tiết kiệm giá thành và thời gian thi công. Nhờ áp dụng cơ giới hóa bêtông đầm lăn, dây chuyền trộn bêtông vận hành liên tục, không gián đoạn mà bình quân 1 tháng đơn vị thi công đạt năng suất đổ bêtông từ 9-12m cao trình đập, thay vì chỉ đạt 3-4m/tháng như bêtông thường.
Đổ bê tông đầm lăn Công trình Thủy điện Sơn La
´ Với tư cách là một chuyên gia đầu ngành về thủy điện, ông đánh giá thế nào về những thành tựu khoa học công nghệ được áp dụng tại công trình thủy điện Sơn La?
- Trước hết đó là sự thành công của một tập hợp trí tuệ, từ những công việc tưởng chừng như hết sức bình thường nhưng đem lại hiệu quả vô cùng lớn. Để hoàn thành công trình lần đầu tiên vượt tiến độ đề ra trước hết là sự đầu tư nguồn lực của cả hệ thống chính trị, dành tất cả nguồn lực tài chính, nhân tài, vật lực cho Sơn La. Trước Sơn La, chúng ta đã có một đội ngũ nhân lực hùng hậu và hết sức tinh nhuệ, trưởng thành từ các công trình thủy điện như Hòa Bình, Trị An, Yaly, Thác Mơ... đặc biệt là đội ngũ những người thợ xây lắp Sông Đà, thợ lắp máy Lilama đủ trình độ kỹ thuật, giàu kinh nghiệm và tâm huyết, lúc cao điểm trên công trường có tới 13.000 con người làm việc ngày đêm, liên tục 3 ca. Hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều cách làm sáng tạo đã được ứng dụng và lần đầu tiên triển khai trên công trường đã rút ngắn tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế. Trước đây, những thiết bị siêu trường siêu trọng như ở TĐ Sơn La, việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị là rất khó khăn thì nay, hiện trong nước đã có Cty chế tạo được cần cẩu có khả năng cẩu lên đến 1.000 tấn, đảm đương được lắp đặt thành công rotor các tổ máy. Từ 8 tổ máy thiết kế ban đầu (công suất mỗi tổ 300MW) do chứng minh được năng lực vận chuyển, lắp đặt, chúng ta đã mạnh dạn chuyển sang 6 tổ máy (400MW/tổ), vừa giảm được thời gian thi công, lắp đặt, giảm chiều dài của gian máy...
- Xin cảm ơn ông!
Về đích sớm làm lợi trên 20.000 tỉ đồng
Cuối tháng 9 vừa qua, tổ máy số 6 của Nhà máy thuỷ điện Sơn La đã chính thức phát điện. Việc tổ máy cuối cùng về đích trước kế hoạch 3 tháng, hoà vào lưới điện quốc gia, không chỉ mang ý nghĩa giải quyết việc cung ứng điện của quốc gia mà còn làm lợi cho đất nước trên 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn tiết kiệm được hàng nghìn ngày công lao động và hàng trăm tỉ đồng chi phí. Để có được thành công đó những người thợ Sông Đà đã phải làm việc ngày đêm, không quản mưa nắng, gió rét thi công đập chính cao 138m (rộng đáy là 120m và rộng đỉnh là 10m) với chiều dài gần 1km, mặt đập được ví như sân vận động. Theo các chuyên gia việc thi công trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng yêu cầu là nhiệt độ của bêtông là 220C, mỗi lớp đổ dày 30cm và cứ trung bình 8h/1 lớp. Do vậy, ngoài việc trang bị máy móc, công nghệ hiện đại thì ý chí và quyết tâm của những người lính thợ vô cùng quan trọng. Ông Trần Văn Huyên - TGĐ Cty CP Sông Đà 5 - cho biết, thành công của thủy điện Sơn La có rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất của thi công đập bêtông RCC là việc EVN chấp nhận chi phí và Sông Đà mạo hiểm đầu tư máy móc, thiết bị. Thời điểm quyết định đầu tư, cả nước đang gặp nhiều khó khăn, việc dám bỏ ra 25 triệu USD để đầu tư dây chuyền RCC thực sự là một việc làm vô cùng mạo hiểm và cũng không phải DN nào cũng dám đầu tư. May mắn nhất của sự thành công là Sông Đà 5 đã lựa chọn công nghệ phù hợp và nhà thầu uy tín để cung cấp các thiết bị. Toàn bộ dây chuyền thiết bị đều được nhập khẩu từ Châu Âu. Mặt được lớn hơn là từ thủy điện Sơn La đơn vị đã có một đội lính thợ với tay nghề giỏi có thể đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu.
Việc 6 tổ máy cùng hoạt động, đã đóng góp cho lưới điện quốc gia hơn 10 tỉ kwh điện mỗi năm và riêng việc tổ máy cuối cùng phát điện trước 2 năm đã làm lợi cho đất nước khoảng 20.000 tỉ đồng. Đánh dấu một mốc son của ngành xây dựng thủy điện VN và cũng là tiền đề để phát triển ngành điện năng nước nhà, cũng như tạo tiền đề để các nhà hoạch định chính sách quản lý của Nhà nước thiết kế, thi công và giám sát các công trình tiếp theo. C.Thắng - Đ.Tiến |