Sự kiện

Thủy điện Nậm Chiến và những cái “Nhất”

Thứ tư, 6/2/2013 | 09:02 GMT+7
Nhà máy xây dựng thuộc loại khó nhất Việt Nam. Đập vòm duy nhất và cao nhất, đường hầm dẫn nước cũng thuộc vào loại dài nhất.


Mùa Xuân dường như đến sớm hơn trên mảnh đất rẻo cao này. Riêng đối với những bản làng người Thái, người Mông ở quanh thị trấn It Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cùng với việc vui Tết, bà con còn kháo nhau, năm nay ở vùng ta có đến hai nhà máy phát điện. Cái thủy điện phát điện lớn đã đành, cái thủy điện nhỏ ở Ngọc Chiến cũng có điện rồi…
 


Toàn cảnh hồ và đập thủy điện Nậm Chiến 1

Đây đã là năm thứ sáu thứ bẩy, người dân ở các xã Nậm Păm, Ngọc Chiến, Chiềng Muôn (huyện Mường La) được hưởng lợi từ dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1. Gần như đồng thời với việc khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, Tổng công ty sông Đà cũng triển khai dự án thủy điện Nậm Chiến 1 trên suối Chiến, công suất lắp máy 200 MW.

Để xây dựng nhà máy, Tổng công ty đã làm hơn 40km đường ô tô từ thị trấn It Ong vào đến Ngọc Chiến và Chiềng Muôn- là nơi đắp đập thủy điện và đặt nhà máy. Từ chỗ không có đường hoặc chỉ là đoạn đường mòn, giờ bà con có đường to để đi.

Ngay khi vừa có đường, ở bản Chiến, xã Chiềng Muôn, hộ các ông Nọi, ông Tươi, ông Hiếu, ông Điền đã làm nhà mới, bám theo mặt đường làm ăn buôn bán. Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến 1 còn giúp bà con xây dựng trường học, tram xá, nhà văn hóa… góp phần phát triển kinh tế xã hội ở trong vùng.

Mừng nhất là từ It Ong, các đơn vị thi công của Tổng công ty sông Đà đã “soi” thủng đường lên Huội Quảng (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) ô tô đi lại dễ dàng. Và từ khi đập thủy điện Nậm Chiến 1 hoàn thành, nối đôi bờ suối Chiến với hai vách đá cao dựng đứng, đoạn đường từ đập tới Mù Cang Chải (tinh Yên Bái) cũng hình thành, tạo một đầu mối giao thông thuận tiện.

Giáp Tết Quý Tỵ, trên đập Nậm Chiến - ở độ cao 950m so với mặt nước biển, chốc chốc lại có từng cặp vợ chồng người Mông lùa ngựa, lùa bò qua mặt đập mang về chợ bán.

Kỹ sư Vũ Thanh Tùng, phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết: Nếu được đầu tư nâng cấp, đoạn đường Nậm Chiến-Mù Cang Chải sẽ thành tuyến du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, đập Nậm Chiến là đập vòm, cao nhất Việt Nam và cũng là duy nhất ở Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Một cái được lớn nhất của dự án thủy điện Nâm Chiến 1 là không một bản làng nào phải di dời khi mở công trường. Đập thủy điện - Nhà máy đều xây dựng ở nơi núi cao vực sâu. Phương án đường hầm dẫn nước- phải đào đến 14km đường hầm. Tuy có vất vả cho người thi công, nhưng hạn chế được diện tích rừng phải phá. Cho nên bây giờ quanh cụm công trình đầu mối, rừng cây xanh thắm. Nắng lên, núi, rừng in bóng xuống mặt hồ nước long lanh thật là "sơn thủy hữu tình”.

Gần dưới chân đập, tại bản Khau Vai bà con đi chơi chợ rất đông. Các cô gái người Mông súng sính trong bộ váy áo mới, trên tay người nào cũng có một cuộn sợi lanh, vừa đi vừa se chỉ. Gặp ngày nắng ấm, từng tốp, các cô ngồi túm tụm trên đồi khâu váy áo.
 


Từ vai trái đập thủy điện, đường nối với huyện Mù Cang Chải đã thông

Kỹ sư Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến khoe vui về những cái nhất của công trình: Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1 xây dựng thuộc loại khó nhất Việt Nam. Đập vòm duy nhất và cao nhất. Đường hầm dẫn nước cũng thuộc vào loại dài nhất. Mấy cái nhất ấy cộng lại, mới thấy hoàn thành được công trình, phải có một quyết tâm rất lớn.

Tôi nói thêm với Quân: Ngoài ra, các bạn còn có một hậu phương rất lớn nữa chứ. Tôi đã có lần gặp tại công trường một cặp vợ chồng trẻ: Chồng là kỹ sư,vợ là cô giáo. Cưới nhau đúng dịp nghỉ hè. Cô giáo trẻ theo chồng lên công trường, ở với chồng đúng khi "có kết quả “mới về. Nghe tôi thuật lại, Quân xác nhận: Sau này còn nhiều cặp như thế nữa.

Mùa Xuân này, đúng ngày 14/1/2013, tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1 phát điện. Dự tính vào sau Tết Quý Tỵ, tổ máy 2 của nhà máy sẽ hòa lưới điện quốc gia. Ngày khải hoàn, các chàng kỹ sư trẻ về xuôi thăm nhà, chắc cây gạo đầu làng hoa đã rụng và đứa trẻ ngày nào sinh ở Nậm Chiến tung tăng nhặt hoa chơi, đón bố ở đầu làng./.
Theo: Đài tiếng nói Việt Nam