Sự kiện

Xem xét và rà soát lại quy hoạch thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Thứ bảy, 14/9/2013 | 08:18 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản số 142/BC-BTNMT về việc “Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” (thuộc tập đoàn tư nhân Đức Long Gia Lai) trình Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.



Việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng về đa dạng sinh học của khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu. Ảnh: World.Vietnammls

Lợi bất cập hại

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu. Việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hòa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên. Theo phương án đưa ra, hai dự án thủy điện trên sẽ được thiết kế xây dựng cống xả đáy và sử dụng tuabin Kaplan để điều hoà dòng chảy sau khi qua công trình Thủy điện Đồng Nai 5. Tuy nhiên, nếu xây dựng, hai dự án trên sẽ tác động đến hàng loạt những vấn đề môi trường và đa dạng sinh học của cả một vùng.

Và nếu thực hiện hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23ha đất rừng, trong đó đặc biệt có 128,37ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong báo cáo tác động môi trường của chủ đầu tư có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.

Đặc biệt, 2 dự án thủy điện này chỉ cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. Nhưng áo cáo tác động môi trường lại chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa của khu vực. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo tác động môi trường còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa vô cùng quý hiếm.

Phạm luật

Đặc biệt, theo như Khoản 1 Điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin”. Đối chiếu với báo cáo tác động môi trường của hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa có văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa - thông tin.

Cũng theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học thì “xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn” là hành vi bị nghiêm cấm. Căn cứ hồ sơ đánh giá báo cáo tác động thì hai dự án nêu trên đều có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Do vậy, việc xây dựng các công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng vi phạm quy định trên.

Nếu giả dụ, dự án trên được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận…. Việc thực hiện các hạng mục này sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế - xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Thêm một tác động tiêu cực nữa đó là ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như Châu Ro, Châu Mạ, STiêng, MN Ông… Hơn nữa, nếu triển khai hai dự án trên sẽ gây bất lợi đến quá trình xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Với tất cả những lý do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện 6 và 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

Trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được phê duyệt thời điểm năm 2002, dự kiến thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180MW, sản lượng điện bình quân 773,6 triệu kWh/năm, diện tích bị ngập gần 2.000 ha (trong đó 732 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, phần còn lại thuộc rừng phòng hộ 2 tỉnh Đăk Nông, Bình Phước), phải di dời 3 công trình công cộng và 33 hộ dân.

Giữa năm 2007, Tập đoàn tư nhân Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án này. Quá trình nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu đã thay đổi dự án thành công trình thủy điện 2 bậc thang mang tên Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với tổng công suất 241 MW, tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm.
Ngọc Thọ / ICON.com.vn