18 ngân hàng bị hạ triển vọng, Phố Wall lại thoái lui

Thứ năm, 18/6/2009 | 16:09 GMT+7
Ngày 17/6, việc Standard & Poor's hạ triển vọng đối với 18 ngân hàng đã tạo áp lực đẩy Dow Jones và S&P 500 mất điểm phiên thứ ba.
Thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ đã cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5/2009 đã tăng 0,1%, sau khi không thay đổi trong tháng 4. Nếu loại trừ giá năng lượng (tăng 3,1%) và thực phẩm (tăng 0,2%), thì CPI cơ bản trong tháng cũng tăng 0,1%.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI ở Mỹ đã giảm 1,3% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/1950, nhưng CPI cơ bản lại tăng 1,8%.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho hay thâm hụt cán cân vãng lai trong quý 1/2009 ở mức 101,5 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ quý 4/2001, từ mức 154,9 tỷ USD trong quý 4/2008.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hôm thứ Tư đã cắt giảm triển vọng đối với 18 ngân hàng Mỹ trước những lo ngại về những rủi ro đối với hệ thống tài chính.

Standard & Poor's cho biết những rủi ro của hệ thống tài chính sẽ khiến các ngân hàng bị thua lỗ trong hoạt động tín dụng. Đáng chú ý, trong số ngân hàng bị hạ triển vọng có những tên tuổi lớn trong hệ thống ngân hàng Mỹ như Wells Fargo, BB&T, Capital One, PNC Financial Services Group, Regions Financial.

Theo đó, Standard & Poor's đã cắt giảm xếp hạng tín dụng của Wells Fargo & Co về “AA-” từ mức “AA”; Capital One Financial Corp hạ xuống “BBB” từ mức “BBB+”; U.S. Bancorp hạ xuống “A+” từ “AA”.

Chuyển qua thông tin liên quan đến tiến trình hoàn trả vốn của các định chế tài chính lớn cho Chính phủ Mỹ, theo đó, JPMorgan Chase cho biết đã hoàn trả 25 tỷ USD; Morgan Stanley đã trả 10 tỷ USD; Goldman Sachs Group trả 10 tỷ USD; U.S. Bancorp hoàn trả 6,6 tỷ USD; American Express trả 3,4 tỷ USD; BB&T trả 3,1 tỷ USD; Capital One Financial Corp trả 3,6 tỷ USD; Bank of New York Mellon Corp trả 3 tỷ USD; State Street Corp trả 2 tỷ USD và Northern Trust Corp trả 1,57 tỷ USD.

Thanh khoản được cải thiện

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục mất điểm hôm thứ Tư sau khi Standard & Poor's cắt giảm xếp hạng tín nhiệm tín dụng đối với 18 ngân hàng ở Mỹ. Trong khi chỉ số Nasdaq lại phục hồi trở lại nhờ nhận định tích cực của Goldman Sachs đối với cổ phiếu nhà cung cấp thiết bị không dây Qualcomm.

Thị trường đã trải qua thời điểm giằng co dữ dội trong phiên buổi sáng với xu thế chủ đạo là giảm điểm, tuy nhiên, đến phiên buổi chiều thì xu thế chủ đạo lại là tăng điểm.

Những tưởng thị trường sẽ có phiên tăng điểm đầu tiên trong tuần thì một đợt giảm điểm đến từ khối ngân hàng đã kịp đẩy Dow Jones và S&P 500 đi xuống vào phút cuối ngày giao dịch - dù biên độ giảm là không đáng kể.

Việc cắt giảm xếp hạng tín nhiệm đối với 18 ngân hàng Mỹ - có cả những ngân hàng lớn ở Mỹ như Wells Fargo, BB&T, Capital One, PNC Financial Services Group, Regions Financial - đã tác động xấu tới khối tài chính. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu khối này và những đợt bán tháo cổ phiếu đã khiến chỉ số KBW Ngân hàng mất 3,3%.

Cổ phiếu 18 ngân hàng bị hạ xếp hạng đều giảm từ 0,49% đến 16,35%, trong đó cổ phiếu của Wells Fargo giảm 5,37%, BB&T mất 2,92%,...

Trong khi đó, cổ phiếu của những ngân hàng công bố hoàn trả vốn cho Chính phủ Mỹ cũng giảm điểm, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 2,3%, US Bancorp hạ 0,5%, cổ phiếu Goldman Sachs trượt 3,07%, cổ phiếu Morgan Stanley xuống 2,21%, cổ phiếu Bank of New York Mellon giảm 0,49%.

Cổ phiếu FedEx phiên này đã giảm 1,4% xuống 50,7 USD/cổ phiếu sau khi hãng thông báo lỗ 876 triệu USD, tương đương 2,82 USD/cổ phiếu trong quý 4 năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/5/2009.

Khối lượng giao dịch phiên này đã được cải thiện khi có 1,32 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn New York và 2,55 tỷ cổ phiếu được trao tay trên sàn Nasdaq.
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 17/6: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 7,49 điểm, tương đương -0,09%, chốt ở mức 8.497,18.

Chỉ số Nasdaq phiên này tăng 11,88 điểm, tương đương 0,66%, chốt ở mức 1.808,06.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 1,26 điểm, tương đương 0,14%, đóng cửa ở mức 910,71

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố kết quả kinh doanh của nhà sản xuất điện thoại BlackBerry - Research In Motion.

Chứng khoán châu Âu giảm phiên thứ tư liên tiếp


Chứng khoán khu vực đã có phiên giảm điểm hơn 1% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15/5/2009. Sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng - sau khi 18 ngân hàng Mỹ bị hạ triển vọng, đã đẩy thị trường không có cơ hội phục hồi trở lại.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu đã phải gánh chịu một phiên giảm điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Allied Irish Banks giảm 17%, cổ phiếu Dexia mất 6,8%, cổ phiếu Deutsche Bank, Credit Suisse cùng giảm 4% và cổ phiếu UBS trượt 3,9%.

Giá kim loại thô suy giảm khiến cổ phiếu khối khai mỏ cũng giảm theo, trong đó cổ phiếu Xstrata sụt giảm 10,2%, cổ phiếu Rio Tinto mất 7,8%, cổ phiếu, Anglo American trượt 6,3% và cổ phiếu BHP Billiton hạ 3,9%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 50,11 điểm, tương đương -1,16%, chốt ở mức 4.278,46. Khối lượng giao dịch đạt 2,5 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức mất 1,86%, khối lượng giao dịch đạt 35,5 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 1,64%, khối lượng giao dịch đạt 170,34 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á giảm phiên thứ ba trong tuần

Ngày 17/6, dù thị trường đã gắng gượng đi lên nhưng sức cầu vẫn chưa đủ mạnh để giúp chứng khoán khu vực có phiên tăng điểm.

Đa số các thị trường chứng khoán trong khu vực đều giảm điểm khi thị trường mở cửa ngày giao dịch. Những tác động về phiên giảm điểm của chứng khoán Mỹ trước đó đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của giới đầu tư.

Nhiều thị trường đã gắng gượng đi lên vào phiên buổi chiều, nhưng sức cầu không đủ mạnh để áp đảo thị trường. Bởi vậy nhiều bảng điện tử lúc hiện sắc xanh lúc sang sắc đỏ nhưng kết thúc phiên lại cùng chung đà giảm điểm.

Trong số 8 thị trường chứng khoán lớn trong khu vực, chỉ có thị trường Trung Quốc, Nhật là tăng điểm, còn lại các thị trường khác đều không thể gắng gượng đi lên.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đảo chiều ngoạn mục khi tăng điểm trước sức cầu mạnh mẽ vào cuối phiên. Dù biên độ tăng điểm của VN-Index là không đáng kể nhưng nó lại mang lại tâm lý tốt hơn cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư đang có ý định tháo chạy.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã giảm nhẹ và chốt ở mức 102,07 điểm. Chỉ số này phiên trước đó đã giảm điểm mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua.

Chuyển qua diễn biến thị trường lớn nhất châu Á, chứng khoán Nhật hôm thứ Tư đã tăng điểm trở lại sau khi giảm điểm hai phiên đầu tuần. Đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu Sanyo Electric đã kích thích thị trường lên điểm trong phiên này.

Cổ phiếu của Sanyo Electric đã tăng 14,3% và kéo cổ phiếu khối hàng điện tử tăng 1,7% - sau khi Sanyo thông báo các nhà sản xuất xe ôtô ở châu Âu, Nhật và Mỹ đã đồng ý mua ắc quy ôtô cho thế hệ xe hybrid.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 87,97 điểm, tương đương 0,9%, chốt ở mức 9.840,85. Khối lượng giao dịch đạt 2,5 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua thị trường khác, Singapore vừa cho biết xuất khẩu không bao gồm dầu của nước này trong tháng 5/2009 đã giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 19,2% trong tháng 4. Như vậy, xuất khẩu của Singapore trong tháng 5 đã tiến triển tốt nhất trong vòng 8 tháng qua.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Straits Times tiếp tục giảm điểm với biên độ 0,54%, chốt ở mức 2.275,87.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan xuống 0,4%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,57%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 0,45%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 1,76%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tăng 0,11%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm 1,23%. Chỉ số ASX của Australia xuống 1,36%.
Theo: VNE