Sự kiện

AMT: Trưởng thành từ những công trình trọng điểm

Thứ bảy, 20/7/2013 | 10:02 GMT+7
Ra đời trong bối cảnh nguồn điện cung cấp cho khu vực miền Trung, một số tỉnh phía Bắc và phía Nam bị thiếu hụt nghiêm trọng, truyền tải công suất giữa hai miền Nam-Bắc luôn trong tình trạng đầy tải và căng thẳng, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Ban AMT) đã ghi dấu ấn bằng việc đảm nhận ngày một tốt hơn công tác quản lý dự án phát triển lưới điện của ngành điện Việt Nam. Ban AMT, qua năm tháng đã trở thành “thương hiệu” quen thuộc, có “đẳng cấp” tại những công trình điện trọng điểm của đất nước.
 


Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung tổ chức gắn biển công trình Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa chào mừng kỷ niệm 57 năm ngày Truyền thống ngành Điện.

* Quản lý nhiều dự án quy mô lớn 
 
Cùng với việc xây dựng đường dây 500kV mạch 1 và yêu cầu đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đồng bộ sau các trạm biến áp (TBA) từ 220-500kV, Ban AMT được thành lập ngày 7/7/1988, với nhiệm vụ đầu tư xây dựng khẩn cấp các công trình TBA và đường dây tải điện 110-220kV tuyến Vinh-Quảng Ngãi để truyền tải điện từ nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung. Từ đó đến nay, trải qua 25 năm phát triển, với nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn giám sát kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu xây lắp, vật tư thiết bị, cung cấp, bảo quản, vận chuyển vật tư thiết bị…, Ban AMT đã đảm nhiệm nhiều công trình trọng điểm quốc gia được các Bộ, ngành và Chính phủ đánh giá cao. 
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban AMT cho biết, ngoài các dự án ở khu vực miền Trung, Ban AMT còn được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tin tưởng giao quản lý một số dự án ở các khu vực khác. Ở phía Bắc là các dự án mua điện Trung Quốc qua cửa khẩu Thanh Thủy-Hà Giang-Tuyên Quang, Tuyên Quang-Bắc Cạn-Thái Nguyên; các dự án đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La như các TBA 500 kV Sơn La, Hiệp Hòa và các đường dây đấu nối; dự án thu gom công suất trung tâm nhiệt điện Đông Bắc như đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa; các dự án đồng bộ với Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng. Riêng Trạm 500 kV Hiệp Hòa là công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước nói chung, cũng như của Hà Nội và các tỉnh khu vực, nơi được xem là trung tâm thủy điện với tổng công suất khoảng 6.540 MW, gồm các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. 
 
Phía Nam là các dự án đường dây 500 kV mạch 2 Pleiku-Phú Lâm, Pleiku-Dốc Sỏi-Đà Nẵng, Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, Đà Nẵng-Hà Tĩnh; các đường dây 220 kV Vinh-Hà Tĩnh, Thanh Thủy; các dự án đồng bộ với Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân; đặc biệt là đường dây Đắc Nông-Phước Long-Bình Long hoàn thành cuối năm vừa qua, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn điện cho các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2013. Đây cũng là một trong 9 dự án trọng điểm cấp điện cho miền Nam giai đoạn sau 2013 trở đi, hình thành mối liên kết lưới điện truyền tải 220kV giữa hệ thống điện Tây Nguyên và miền Nam từ nay đến sau năm 2020. 
 
Các công trình do Ban AMT làm chủ đầu tư đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành Quy hoạch điện IV, V, VI và hiện nay là VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến nay, Ban AMT đã hoàn thành gần 3.000 km đường dây; trong đó có 1.232,76 km đường dây 500 kV và 1.654 MVA tổng dung lượng máy biến áp, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, góp phần tăng cường độ tin cậy và ổn định hệ thống truyền tải điện khu vực miền Trung và cả nước. Đồng thời giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện cho các vùng, miền tại khu vực này, là nền tảng để kết nối lưới điện với các nước tiểu vùng và khu vực Đông Nam Á. 
 


Ban AMT vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba nhân dịp Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập
 
*Phát huy vai trò quản lý điều hành 
 
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT nhận xét, AMT là một trong 3 Ban Quản lý dự án trực thuộc có nhiệm vụ đại diện Tổng Công ty quản lý các dự án đầu tư xây dựng. Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải Quốc gia có những đặc thù như tuyến đường dây trải dài trên phạm vi nhiều địa phương, có những đoạn tuyến đi qua địa hình núi cao hiểm trở nên hết sức khó khăn trong tổ chức thi công, giám sát chất lượng và quản lý điều hành dự án. Trong khi giá truyền tải điện còn quá thấp gây khó khăn cho việc tính toán hiệu quả kinh tế dự án và thiếu vốn đối ứng cho đầu tư xây dựng thì việc huy động vốn cũng gặp khó khăn không kém. Mặt khác, những bất cập trong quy hoạch như quy hoạch điện quốc gia không đồng bộ với các quy hoạch khác của địa phương cũng gây khó khăn cho công tác thỏa thuận tuyến và bố trí quỹ đất của các địa phương…Đặc biệt, một số chế độ chính sách trong công tác đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang gây nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình quản lý điều hành. 
 
Đánh giá về công tác quản lý kỹ thuật và chất lượng công trình, ông Nguyễn Đức Tuyển cho rằng nếu không thực hiện đúng theo quy trình, quy phạm hiện hành thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dự án. Do vậy, Ban AMT thường xuyên có những biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giám sát chất lượng, tổ chức nghiệm thu, đóng điện, đưa hàng loạt công trình vào vận hành an toàn, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, Ban đã đề xuất và được EVNNPT chấp thuận giao các Công ty Truyền tải và các Công ty Điện lực phối hợp với AMT làm tư vấn giám sát chất lượng. Điều này đã hạn chế được sai sót trong quá trình thi công, chất lượng công trình ngày càng được nâng cao và thuận lợi trong việc tiếp nhận đưa công trình vào vận hành. 
 
Song song với đó, Ban AMT cũng tuân thủ chặt chẽ Luật/Quy chế đấu thầu và các quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPT, nhiều gói thầu hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý. Công tác đánh giá xét chọn thầu được tiến hành chặt chẽ, đúng thủ tục và có chất lượng cao. Kết quả xét chọn thầu của tất cả các gói thầu do Ban AMT thực hiện khi trình lên đều được EVN/EVNNPT cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức cho vay vốn chấp thuận phê duyệt, lựa chọn được các loại vật tư thiết bị đảm bảo chất lượng với giá cả cạnh tranh để đưa vào công trình. 
 
Đền bù, giải phóng mặt bằng là công việc có tính quyết định đến việc đưa dự án, công trình hoàn thành đúng tiến độ. Trong khi một số cơ chế, chế độ chính sách trong lĩnh vực này ban hành chưa đồng bộ, nhiều địa phương chỉ có cán bộ kiêm nhiệm và một lúc phải quản lý nhiều dự án trên địa bàn nên việc triển khai đền bù giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ công trình luôn là bài toán hóc búa. Từ thực tiễn đó, Ban AMT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương, bám địa bàn, cải tiến một số khâu như thành lập Hội đồng đền bù để triển khai song song với việc lập thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán công trình; ký hợp đồng kinh tế về tư vấn đền bù với nhiều quận huyện… nên công tác này ngày càng có chuyển biến. Đặc biệt, đối với các đường dây 500 kV mạch 2 và mạch 3, Ban đã chủ động đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép thực hiện cơ chế đặc biệt, góp phần giải quyết nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công, sớm đưa công trình vào vận hành vượt tiến độ được giao. 
 
Tham gia thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2015, có tính đến 2020 (Quy hoạch VII), Ban AMT sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tin tưởng tập thể lãnh đạo và CBCNV Ban AMT sẽ phát huy những thành tích đạt được trong giai đoạn qua để đảm bảo hiệu quả cao nhất các dự án lưới điện, giữ vững truyền thống vẻ vang của người thợ điện Việt Nam cũng thương hiệu: AMT trên từng công trình điện./. 
 
Mai Phương