Sự kiện

Thủy điện nhỏ: Lợi... Nhưng còn bất cập

Thứ ba, 19/5/2009 | 11:28 GMT+7

Các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và 4 tỉnh Tây Nguyên (Ðắc Nông, Ðắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum) đang phát triển mạnh thuỷ điện nhỏ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của địa phương.  Khu vực này hiện có 34 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất 142,7 MW đang hoạt động với hiệu quả cao; và nhiều nhà máy thuỷ điện nhỏ sẽ lần lượt đưa vào hoạt động từ quý 4 năm nay đến năm 2012.

Giảm thiểu tình trạng thiếu điện

Qua nghiên cứu địa hình, địa mạo, dòng chảy của hệ thống sông suối trên địa bàn, khu vực miền Trung và Tây Nguyên được đánh giá có rất nhiều tiềm năng khai thác thuỷ điện, nhất là thuỷ điện nhỏ.  Do địa hình hẹp, sông suối ngắn, hầu hết đều bắt nguồn từ rừng núi cao, độ dốc lớn và có nhiều ghềnh, thác; lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mưa bình quân trên 2.000mm/năm, có nơi mưa tới 4.000mm/năm, nên lưu lượng nước rất cao. Do đó, các dự án thuỷ điện nhỏ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có khả năng tận dụng cột nước từ 10 đến 200-300m, lưu lượng nước qua các tổ máy từ 3m3/s đến hàng trăm m3/s, nên các loại tuabin nước được sử dụng rất đa dạng về chủng loại. Các loại tuabin sử dụng cột nước cao như tuabin gáo, cột nước thấp như tuabin penton, tuabin capxul đều được lắp đặt cho từng dự án thuỷ điện cụ thể.

Việc đa dạng hóa đầu tư thủy điện nhỏ cần được xem xét cẩn trọng.
Tính đến tháng 3/2009, trên cơ sở nghiên cứu đề xuất quy hoạch xây dựng thuỷ điện nhỏ của ngành chức năng và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước, Bộ Công Thương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Ðắc Nông, Ðắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum đã phê duyệt quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ gồm hơn 330 nhà máy có công suất lắp đặt dưới 50 MW trở xuống với tổng công suất khả dụng gần 3.000 MW.

Từ thực tế vận hành các nhà máy thuỷ điện nhỏ trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên trong những năm qua có thể khẳng định thuỷ điện nhỏ đã đem lại nhiều lợi ích lớn: Hằng năm đảm bảo cung cấp cho đất nước và địa phương một sản lượng điện đáng kể, cung cấp cho vùng sâu, vùng xa; giúp giảm lũ cho hạ lưu, hạn chế lũ ống, lũ quét về mùa mưa cho vùng cao, vì khả năng tích nước và phân lũ của các hồ chứa; điều tiết cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du về mùa khô; góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa; cải tạo cảnh quan và giúp tái sinh rừng vùng đồi núi khô kiệt…

Phụ tải lớn nhất của Công ty Ðiện lực 3 (PC3) trong mùa khô 2008 vừa qua đạt tới 890 MW. Tại những thời điểm thiếu nguồn, vào các giờ cao điểm, lưới điện của quốc gia chỉ bảo đảm cấp được 700 MW, nhưng nhờ có nguồn thuỷ điện nhỏ tại chỗ, PC3 đã tự đáp ứng được một phần đáng kể sản lượng, giảm áp lực thiếu nguồn quan trọng. Chỉ tính trong 11 tháng của năm 2008, PC3 đã giảm sản lượng điện từ lưới quốc gia 247 triệu kWh vào giờ bình thường và 101 triệu kWh vào giờ cao điểm.

Hơn thế nữa, thuỷ điện nhỏ còn đem lại lợi ích rất lớn cho nhà đầu tư. Thuỷ điện có khả năng tái tạo, hàng năm không phải mất tiền mua nhiên liệu, chỉ đóng thuế tài nguyên, song không lớn, suất đầu tư cho một MW tuỳ địa hình, từng nơi hết khoảng 25-30 tỷ đồng theo giá điện hiện nay. Sau 10 năm hoạt động, có thể thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, từ năm thứ 11 trở đi sẽ là “Nhà máy in tiền” cho chủ sở hữu. Ngoài ra, phát triển thuỷ điện nhỏ còn mở ra thị trường to lớn, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho các ngành cơ khí chế tạo, cơ khí điện lực và các doanh nghiệp xây dựng.

Nhưng còn nhiều bất cập…

Tuy vậy, bên cạnh hiệu quả nhiều mặt cho nhà đầu tư và xã hội, việc đa dạng hoá đầu tư thuỷ điện nhỏ hiện cũng còn nhiều bất cập cần phải xem xét. Trước hết các nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường sinh thái, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, bình thường phải sau 10 năm vận hành mới hoà vốn trong bối cảnh lãi suất tín dụng hiện không ổn định. Ða số thuỷ điện nhỏ không có hồ điều tiết, nên khai thác hiệu quả không cao trong mùa khô kiệt, lại ở xa lưới điện quốc gia và trung tâm phụ tải, các đường dây đấu nối quá xa, tổn thất điện truyền tải lớn. Việc đa dạng hoá chủng loại thiết bị cũng gây bất lợi trong quản lý vận hành và dự phòng thiết bị. Ngoài ra, chênh lệch điện áp cuối nguồn ở chế độ phát cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng dùng điện. Khi hệ thống điện có hàng trăm nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất khả dụng lớn đi vào hoạt động do không có hồ điều tiết, sẽ gây ảnh hưởng khi lập phương thức vận hành do mất cân bằng nguồn - tải mà không được báo trước…                             

Ðể chủ động khắc phục khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra và khai thác có hiệu quả nguồn thuỷ năng nhỏ tái tạo tại miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan quản lý quy hoạch ngành và các cơ quan tư vấn cần có định hướng về mặt thiết kế và lựa chọn công nghệ thiết bị thuỷ điện nhỏ phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, giá thành hợp lý, thuận lợi trong việc hỗ trợ dự phòng và giảm rủi ro cho hệ thống. Phải làm thật tốt công tác điều tra, thu thập tài liệu thuỷ văn, lập quy hoạch, phản biện và phê duyệt hết sức chặt chẽ; đặc biệt phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng đến việc ảnh hưởng môi trường, di dân tái định cư một cách tổng thể. Do có quá nhiều dự án thuỷ điện nhỏ được đồng thời triển khai, gây quá tải cho các đơn vị tư vấn thiết kế. Chủ đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ngoài ngành Ðiện (trái ngành) chưa có nghiệp vụ chuyên môn cao, lại chưa có kinh nghiệm. Chính vì vậy, Nhà nước cũng cần có những chính sách và giải pháp hỗ trợ toàn diện, đồng bộ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong cả nước tham gia đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái tạo thông qua chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị hiện đại trong nước chưa sản xuất được. Cần có chính sách khuyến khích các nhà cơ khí chế tạo, cơ khí điện lực đầu tư sản xuất thiết bị kỹ thuật cho các nhà máy thuỷ điện; giúp đỡ các nhà đầu tư đào tạo nguồn nhân lực quản lý vận hành nhà máy.

Theo: Tạp chí điện lực