Sự kiện

Dự án Thủy điện Nho Quế 3: Đánh thức cao nguyên đá

Thứ tư, 20/5/2009 | 16:06 GMT+7

Nhắc đến những địa danh Lũng Pù, Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang), người ta chỉ biết về một phiên chợ tình Khâu Vai nổi tiếng… Thế nhưng, lên với cao nguyên đá hôm nay, cung đường hàng trăm cây số sôi động hẳn lên bởi những xe cộ, vật liệu ngược xuôi, tất tả tập trung cho Thủy điện Nho Quế 3.

Công trình đang được thi công khẩn trương để hoàn thành và phát điện vào năm 2011.

Đã nhiều lần ngồi ô tô từ Thị xã Hà Giang lên với vùng đất Đồng Văn, Mèo Vạc, cung đường khó khăn đồng hành cùng dòng sông Nho Quế như dải lụa giữa bạt ngàn núi đá với tôi cũng đã có những cảm giác quen thuộc, thế nhưng ngồi trong xe lần này tôi có cảm thấy như bác tài chạy “tít” hơn, đặc biệt là những khúc cua tay áo vốn trước đây không ít xe phải khựng lại đảo số liên tục… Lên đến thị trấn Mèo Vạc, sau bữa cơm trưa quá bữa thì trời đổ mưa, biết đoàn chúng tôi vào thủy điện một số người dân tỏ ra ái ngại, vì từ thị trấn vào đến Nho Quế 3 cho dù chỉ còn hơn 20 cây số nhưng đường rất xấu.

Anh Bình, cán bộ của Công ty CP Bitexco- Nho Quế (Tập đoàn Bitexco) chủ đầu tư dự án ra đón đoàn cười tươi: “Các anh chị cứ yên tâm, thủy điện vào đến đâu thì đường phải đi đến đó!”… Qua chỗ họp chợ tình Khâu Vai khoảng 2 cây số, đại công trường thủy điện Nho Quế 3 hiện ra với những khu lán trại từng dãy dài là nơi ăn ở, làm việc của chủ đầu tư, cán bộ, công nhân xây dựng của các nhà thầu, ngổn ngang những máy móc thiết bị, cát sỏi, vật liệu.

Dự án Thủy điện Nho Quế 3 được khởi công xây dựng vào 9/2007, đây là một trong 3 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch bậc thang trên nhánh sông Nho Quế (Thủy điện Nho Quế 1; Thủy điện Nho Quế 2 và Thủy điện Nho Quế 3).

 

 Trao đổi trên công trình

Dự án Thủy điện Nho Quế 3 với công suất 110 MW (tổng mức đầu tư khoảng 2.917 tỷ đồng) được xây dựng trên sông Nho Quế tại huyện Mèo Vạc là vùng có địa hình hết sức phức tạp, giao thông đi lại hết sức khó khăn, không thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm đặc biệt là nguồn cát tự nhiên, đời sống dân cư khu vực dự án thấp (gồm 5 xã: Lũng Pù, Cán Su Phìn, Sơn Vĩ, Khâu Vai, Pả Vi)… Khó khăn là vậy, nhưng nhìn vào những kết quả, những công việc mà các đơn vị thi công tại Nho Quế 3 đã làm được trong hơn một năm qua mới thấy hết được sự nỗ lực, quyết tâm của các các nhà thầu cũng như chủ đầu tư công trình.

Đáng kể nhất đến nay là các đơn vị đã hoàn thành tuyến đường giao thông phục vụ thi công công trình bởi đặc thù của Nho Quế 3 với tổng mặt bằng công trình trải dài cả chục km và mặc dù địa hình rất dốc, nhưng vẫn phải làm 3 tuyến đường để phục vụ xây dựng các hạng mục của công trình (chi phí cho làm đường hết trên 90 tỷ đồng). Đến nay những công trình đã hoàn thành trên 50% công việc, bao gồm tuyến áp lực đập dâng và đập tràn, tuyến năng lượng kiểu đường dẫn với trên 2 triệu mét khối đất đã được đào vét…

 

 Chợ Khâu Vai trong sương

Dọc theo tuyến giao thông của công trình, chúng tôi thấy sự xuất hiện của nhiều nhà thầu tên tuổi như: Công ty Trường Sơn phụ trách đào các công trình trọng điểm, Vinavico thi công đào hầm, Công ty CP Solaco Sông Đà thi công toàn bộ phần bê tông hở… Cùng với khoảng 600 công nhân của 12 nhà thầu trên công trường hiện nay, trên công trường chúng tôi còn bắt gặp không những người dân địa phương với cuốc, với xẻng trên tay tham gia lao động thời vụ thi công công trình.

Tại trạm nghiền cát sỏi của công trường, gặp một người đàn ông, qua quần áo anh mặc tôi biết anh là người Mông, khi hỏi anh tên gì anh trả lời “đúng chất” người Mông: “Mùa mà”. Qua một hồi trao đổi, tôi mới biết anh là Giàng A Mùa người dân ở một bản gần công trường, có công việc làm thêm ngày kiếm được năm bảy mươi ngàn đồng, nên cuộc sống gia đình được cải thiện rất nhiều. Bà con nơi đây tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc xây dựng công trình thủy điện, thể hiện qua việc giải phóng mặt bằng công trình với diện tích gần 185 ha đất thu hồi liên quan đến 279 hộ dân nhưng không hề gặp bất kỳ khó khăn, bởi chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm túc chính sách của nhà nước, tuyên truyền về lợi ích lâu dài, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Thủy điện Nho Quế 3 còn “gây ấn tượng” với bà con nơi đây bằng việc chủ đầu tư đã không tổ chức lễ khởi công dành số tiền 200 triệu đồng để mua gạo và tặng quà cho bà con các xã khu vực thủy điện ăn tết…

Ông Vũ Chí Mỹ- Tổng giám đốc Công ty CP Bitexco- Nho Quế vốn là người có kinh nghiệm đã từng là “thủ lĩnh” thi công không ít các công tình thủy điện trọng điểm, cho biết: Về địa hình đúng là không đâu khó khăn như Nho Quế, nhưng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, có kinh nghiệm về làm thủy điện chúng tôi đã, đang thực hiện những phương án thi công tối ưu nhất, chất lượng đảm bảo nhất, đông thời đảm bảo tiến độ để công trình phát điện vào năm 2011. Sau khi phát điện Thủy điện Nho Quế 3 sẽ đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua đường dây 220 KW qua một trạm thu gom cùng Thủy điện Nho Quế 1 và Nho Quế 2…

Theo ông Nguyễn Trường Tô- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thi tiềm năng thủy điện điện là một trong những thế mạnh của địa phương, trong quy hoạch phát triển đến năm 2015, Hà Giang có trên 20 thủy điện, địa phương đánh giá cao và khuyến những đơn vị đầu tư thủy điện vào những vùng khó khăn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Khi đi vào hoạt động những địa phương có công trình thủy điện cần chủ động tính đến việc kết hợp phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển thương mại dịch vụ, có như vậy công trình thủy điện mới phát huy đầy đủ ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội…

Theo Công Thương