Sự kiện

Cung cấp điện 2009: Đã vượt qua ngưỡng khó khăn

Thứ hai, 25/5/2009 | 10:35 GMT+7

Trong cung cấp điện, mùa khô được tính từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm. Như vậy cho đến thời điểm này, cung cấp điện mùa khô đã đi được gần hết chặng đường, đặc biệt là mùa khô năm nay, khi hệ thống có thể thiếu hụt công suất do một số tiến độ công trình nguồn hoàn thành chậm so với tiến độ dự kiến. Mặc dù từ nay cho đến hết mùa hè, thời tiết sẽ còn những ngày nắng nóng, song trong trường hợp nắng nóng diễn ra cùng một thời điểm trên 3 miền thì hệ thống cũng chỉ thiếu từ 200-300MW.

 

Công nhân Trạm biến áp 500 kV Pleiku bảo dường thiết bị. Ảnh: Ngọc Hà

Miền Bắc đã hết nỗi lo thiếu điện

Mặc dù năm 2009 dự kiến tốc độ tăng trưởng phụ tải chỉ 13%, với sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống là 86,6 tỷ kWh, trong đó 6 tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 41,7 tỷ kWh và sản lượng hệ thống điện miền Bắc trong mùa khô 2009 là 15,6 tỷ kWh, tăng 1,7 tỷ kWh so với năm 2008. Song vì mùa khô năm nay, hầu như không có nguồn điện mới nào có khả năng cung cấp sản lượng đáng kể bổ sung miền Bắc, nên Hệ thống điện miền Bắc sẽ phải nhận một sản lượng điện lớn từ đường dây 500kV Bắc Nam  trong suốt 6 tháng mùa khô với khoảng 4,42 tỷ kWh. Trong khi đó, tình trạng vận hành lưới điện truyền tải (trong đó có đường dây 500kV Bắc Nam) đang rất căng thẳng do hệ thống chưa đáp ứng tiêu chuẩn, nhiều đường dây và trạm 500/220kV đã vận hành trong tình trạng đầy hoặc quá tải, như: đường dây 220kV Phú Mỹ- Long Thành, 500kV Nhà Bè- Phú Lâm, trạm 500kV Thường Tín, Nho Quan…nguy cơ mất an toàn hệ thống điện khá cao.

Bên cạnh đó, các hồ thuỷ điện phía Bắc như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, mặc dù đã tích nước ở mức cao nhưng còn phải làm nhiệm vụ xả nước đổ ải vụ Đông Xuân, nên nếu điều tiết không hợp lý sẽ thiếu nước phát điện cuối mùa khô.  Nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn áp dụng các phương án dự phòng cao cho mùa khô. Song cho đến thời điểm này có thể thấy được việc cung cấp điện đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của mùa khô

Nỗ lực với các giải pháp

Để giảm thiểu khả năng thiếu điện trong mùa khô 2009, đồng bộ với các nguồn điện, EVN cần chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đường dây đấu nối của Nhà máy điện Cà Mau, Nhơn Trạch để có thể giải phóng hết lượng công suất điện năng khi các tổm áy đưa vào vận hành thương mại.

Để giảm khă năng thiếu công suất đỉnh khu vực miền Bắc, các đường dây 500kV Hòa Bình- Hà Tĩnh- Đà Nẵng-Pleiku-Phú Lâm phải vận hành an toàn, vì vậy, việc cắt điện, thí nghiệm và đưa trạm 500kV Dốc Sỏi đã được EVN quyết định lùi vào thời gian sau tháng 6-2009.

Việc mua điện từ Trung Quốc qua lưới 110kV, 220kV đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục tình trạng thiếu hụt điện ở miền Bắc, vì vậy, EVN đã sớm đưa các thiết bị tăng công suất cũng như sản lượng điện nhập khẩu qua cửa khẩu Thanh Thuỷ- Hà Giang vào vận hành. Bên cạnh đó, giữ nước hồ Hòa Bình ở mức 100m vào đầu tháng 5-2009 và 85-87m vào đầu tháng 6-2009; đồng thời, làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để khẳng định đủ lượng khí Nam Côn Sơn khoảng 18-19 triệu m3 khí/ngày và khí cho Cà Mau khoảng 6 triệu m3 khí/ngày trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 để khai thác tối đa nguồn tua bin khí.

Vẫn phải “ăn dè”


Công nhân Truyền tải Điện Kon Tum - Gia Lai kiểm tra, bảo dưỡng tuyến đường dây 500 kV mạch 1 cung đoạn Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Ảnh: Ngọc Hà.
Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), phụ tải trung bình ngày của hệ thống điện miền Bắc cũng có thể lên tới 96 triệu kWh/ngày (ngày cao nhất tới 105 triệu kWh), do vậy trong mùa khô 2009, miền Bắc tiếp tục phụ thuộc nhiều vào việc truyền tải điện từ hệ thống điện miền Nam và miền Trung với sản lượng điện nửa cuối tháng 5 và tháng 6 vào khoảng 715 triệu kWh. Nhu cầu truyền tải công suất từ hệ thống điện miền Nam và miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Đà Nẵng-Hà Tĩnh sẽ vào khoảng 1.530 MW vào giờ cao điểm sáng. Với lượng công suất truyền tải lớn như vậy sẽ gây quá tải cho các máy biến áp 500/220kV Nho Quan, Thường Tín và Hà Tĩnh ngay trong chế độ vận hành bình thường. Trong trường hợp 1 tổ máy của thuỷ điện Hoà Bình hay 1 tổ máy của nhiệt điện Phả Lại 2 hoặc một trong các máy biến áp trên bị sự cố thì quá tải còn cao hơn. Do đó, hệ thống điện miền Bắc vẫn nằm trong tình trạng cảnh báo trong sử dụng điện.

Cũng trong nửa cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, công suất khả dụng của hệ thống điện cả nước sẽ dao động từ 12.800-13.200 MW do một loạt các tổ máy thuỷ điện được đưa ra sửa chữa sau thời gian ngừng cung cấp khí cho Nhà máy nhiệt điện Cà Mau. Với công suất đỉnh của hệ thống điện dự kiến đạt khoảng 13.364 MW vào các ngày cuối tháng 5 này và khoảng 13.547 MW vào tháng 6 tới (khi thời tiết nắng nóng cả 3 miền), hệ thống điện có thể thiếu công suất đỉnh từ 200-300MW./

Thanh Mai