Hạ trụ điện đầu tiên đưa điện về làng Kep Ram, xã Rờ Kơi (Sa Thầy)
Dự án có tổng mức đầu tư và quy mô lớn, phạm vi cấp điện rộng, đặc biệt địa hình rất phức tạp, hầu hết các thôn, làng trong dự án đều ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà các chương trình cấp điện trước đây chưa vươn tới. Điểm đặc biệt hơn của dự án so với các dự án trước đây, là ngoài việc đầu tư đường dây trung, hạ thế, trạm biến áp phân phối và công tơ, dự án còn đầu tư cả mạng điện trong nhà cho các hộ dân. Tổng quy mô dự án thành phần của tỉnh có đường dây trung áp 153 km, đường dây hạ áp 90 km và 95 trạm biến áp với tổng dung lượng 3.472,5 kVA. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản cho các hộ đồng bào, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh còn lại được dùng điện lưới quốc gia. Dự án cấp điện cho các thôn, làng còn lại sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa giáo dục, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với sự phát triển hệ thống hạ tầng như giao thông, bưu điện, nước sạch, việc đưa điện lưới quốc gia đến từng hộ đồng bào góp phần phát huy chính sách định canh, định cư đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các Sở ban ngành, địa phương phối hợp với các đơn vị trực thuộc EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam ) thực hiện, chi phí bồi thường sẽ do EVN chi trả từ kinh phí của dự án.
Theo ông Lê Lương Dung, Trưởng Ban quản lý dự án thì mục tiêu đề ra của dự án là phấn đấu hoàn thành trong năm 2009, nhưng khó khăn lớn nhất mà dự án gặp phải đó là ảnh hưởng biến động tăng giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công dẫn đến tình trạng vượt tổng mức đầu tư trong giai đoạn thiết kế dự toán ở hầu hết các công trình, một số chi phí khác như giám sát, thiết kế… Ngoài ra, do quy mô đầu tư trải rộng trên địa bàn các huyện nên công tác thống kê, lập phương án đền bù tốn rất nhiều thời gian và khó có sự chính xác. Vì vậy, chính quyền địa phương, mà cụ thể là UBND các huyện khi nhận được tiền đền bù cần sớm tổ chức chi trả để nhân dân yên tâm, tạo điều kiện cho đơn vị thi công triển khai công việc được thuận lợi. Trong quá trình kiểm kê đền bù, cần tham khảo ý kiến của các thành viên đặc biệt là đơn vị Điện lực tỉnh và đơn vị thi công để tư vấn về hành lang tuyến nhằm đảm bảo kê khai đầy đủ, chính xác, tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Sau khi nhận tim mốc từ Ban QLDA, chính quyền địa phương cần thông báo rộng rãi cho nhân dân biết và kiên quyết không cho xây dựng mới các công trình dưới hành lang tuyến. Do tiến độ gấp rút của dự án nên công tác kiểm kê đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai song song với công tác thi công. Việc thi công sẽ triển khai trước khi tiền đền bù được chi trả, do đó địa phương cần tổ chức tuyên truyền thông báo cho nhân dân trong vùng có dự án được biết chủ trương, cách thức thực hiện để nhân dân yên tâm, tạo điều kiện cho đơn vị thi công được triển khai xây dựng công trình. Việc thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, sau khi phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ chuyển tiền chi trả phần thiệt hại tài sản trên đất và phần diện tích chiếm đất vĩnh viễn tại các vị trí móng cột, móng néo, trạm biến áp; Giai đoạn 2, sau khi đơn vị thi công hoàn tất công tác dựng cột, tuyến đường dây đã được định hình sẽ tổ chức kiểm tra phần thiệt hại tài sản hành lang tuyến và chuyển tiền chi trả bồi thường thiệt hại về hành lang tuyến. Với cách làm này sẽ tránh được các sai sót khi công trình phải chỉnh tuyến và thuận tiện trong việc kiểm kê khối lượng đền bù.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum - ông Nguyễn Bộ khẳng định: "Đưa điện lưới quốc gia về các buôn làng chưa có điện thuộc 5 tỉnh Tây nguyên nằm trong chương trình ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của cả nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc vùng sâu xa. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của chương trình này, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, các địa phương có đường điện đi qua thống kê đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo tính chính xác; đồng thời thông báo rộng rãi cho nhân dân khu vực dự án biết, kiên quyết không cho xây dựng mới các công trình dưới hành lang tuyến điện, tạo mọi thuận lợi cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng đạt kế hoạch đã đề ra, nhằm hoàn thành sớm dự án ".
Là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ dự án, Già A Hía làng Kep Ram phấn khởi: "Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước đã cho con đường rộng về tận thôn, có cái trường để con trẻ đi học kiếm cái chữ, có trạm xá để khám chữa bệnh lúc ốm đau. Cuộc sống của bà con mình được cải thiện nhiều rồi, cái đói, cái nghèo bị đuổi đi, nạn phá rừng làm rẫy không còn nữa, cuộc sống du canh du cư giờ đây đã hết, bà con đang tập trung ổn định sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập… Bây giờ lại có cái điện để bà con đầu tư tăng gia sản xuất, con cháu của làng có ánh sáng để học đêm, lúc rảnh bà con còn được nghe đài, xem ti vi để tìm hiểu và học tập những mô hình hay trong sản xuất để áp dụng vào địa phương mình, nên bà con cảm thấy ưng cái bụng lắm ".
Bước đầu có 4/8 gói thầu của dự án sẽ được triển khai sớm trên địa bàn tỉnh. Nhưng công tác xây lắp lại thực hiện trên địa bàn rộng, do vậy cơ quan quản lý ngành điện, chính quyền địa phương và các thôn, làng hưởng lợi từ dự án cần quan tâm công tác quản lý chất lượng công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công, sớm triển khai các gói thầu kế tiếp, để không lâu nữa ánh điện bừng sáng niềm tin cho các thôn, làng còn lại trong tỉnh.