Dàn điện pin mặt trời ở bản 39
Hơn nửa thế kỷ qua, hai tộc người này đã trải đủ sự nổi chìm từ bản vào hang, từ hang ra bản. Vậy mà, chỉ một năm thôi, hơn 1.000 ngôi nhà của người A rem, Ma coong đã được đầu tư vững chãi, chấm dứt chuỗi ngày mưa dột, gió lùa. Người A rem, Ma coong hồi sinh, thay da đổi thịt...
Nhưng sự đổi thay cơ bản ấy vẫn chưa làm hài lòng những người hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng núi biên giới này.
Đã rất nhiều lần, trên bàn nghị sự, việc cho người dân vùng rẻo cao này được hưởng ánh sáng từ nguồn lưới điện quốc gia được đề cập và lên phương án. Có nguồn sáng này thì đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc mới được thay đổi về chất.
Có nhiều phương án, kể cả dự án đã được xây dựng. Rồi, trong bối cảnh của một tỉnh nghèo, số tiền hàng chục tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia về thôn bản của người A rem, Ma coong đã không khả thi. Một thời Ban Dân tộc-Miền núi loay hoay tìm cho người A rem, Ma coong nguồn sáng từ các công trình thủy điện nhỏ.
Thế rồi, nguồn nước cạn kiệt. Nước sinh hoạt còn khó kiếm, nói chi đến thủy điện? Đã có nhiều phương án tính chuyện đầu tư cho mỗi bản một máy phát điện. Nhưng rồi phương án này cũng khó được phê duyệt vì ngay việc cung ứng đủ lượng xăng dầu chạy máy phát thôi đã là quá tốn kém và đường vận chuyển vô cùng trắc trở...
Cứ thế, hơn 2.000 nhân khẩu A rem, Ma coong vời vợi chờ, vời vợi hy vọng. Bóng đen tăm tối của rừng già, núi thẳm cùng với những hủ tục lạc hậu nơi này mãi đè nặng lên cuộc sống của họ.
Cho đến mấy hôm trước, ông Mai Văn Nhị, Giám đốc Sở Công Thương nói như reo đầu dây: “Mời anh làm một chuyến lên với người A rem, Ma coong để thấy ước mơ ngàn đời “có điện thay sao” đã thành hiện thực”. Và chúng tôi mới có chuyến đi này, dù biết rằng con đường sau bão lụt gian nan, vất vả bội phần.
Bản làng có điện thay sao
Ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch (xã chỉ có 50 hộ dân với 231 nhân khẩu) cười rổn rảng khoe: “Trường học, UBND xã và 6 hộ dân ở đây đã được ưu tiên có điện. Đêm xuống, bản 39 này vui lắm. Người ta kéo nhau đến Ủy ban xã để xem ti vi. Điện sáng bừng con đường nội bản. Người lớn, trẻ em cứ tíu tít râm ran như lễ, như hội. Mấy ngày đầu có điện, người A rem muốn thức suốt đêm. Chao, sướng cái bụng!”.
Phải thôi. Khi người A rem được tìm thấy trong hang đá xác xơ và tàn tạ được đưa về định cư ở bản 39 này họ chỉ còn đúng vỏn vẹn 98 người. Hơn 15 năm trôi qua, tộc người này đã bao lần vào hang, ra bản. Họ cứ thế, luôn chông chênh trên bước đường hòa nhập với cộng đồng. Có những thời khắc, cả cộng đồng hồi hộp đến nghẹt thở dõi theo bước đi của họ. Rồi họ cũng đứng vững cho đến lúc này.
Chúng tôi ghé vào nhà ông Đinh Quơ, phó bản. Ông được ưu tiên cấp điện trong đợt này. Ông bảo có điện, tối đến nhà luôn đông người, vui lắm. Bà con trong bản kéo đến uống chè xanh và rôm rả đủ thứ chuyện. Trước đây, khi đêm xuống chẳng biết làm gì. Mở mắt nhìn trời đêm thăm thẳm...
Ông Quơ cứ nhìn trân vào cái bóng điện đang sáng giữa nhà và quen tay bật, tắt cái công tắc điện như thể để khẳng định nó đang có thật trong ngôi nhà của ông.
Dãy trường học bề thế và vững chãi nằm ngay giữa bản. Nơi đây 68 học sinh người A rem đang được học cái chữ Bác Hồ. Các thầy cô giáo dưới xuôi lên cắm bản ở đây hẳn đỡ nhớ dưới xuôi khi đêm xuống các phòng nội trú sáng choang xua đi màn đêm rừng thẳm.
Thiếu tá Đặng Thanh Phong, cán bộ đồn Biên phòng Cà Roòng hào hứng: Bản có điện, mọi công tác dân vận thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ cần ở văn phòng ủy ban xã mỗi đêm là gặp đủ mặt người dân trong bản. Ti vi ở đây bắt được 6 kênh.
Ngày trước, khi chưa có điện, chưa có ti vi, đêm xuống trai bản chẳng biết làm gì, đi lang thang uống rượu hết nhà này đến nhà khác. Được đồng nào là uống rượu bằng hết đồng đó. Rồi mâu thuẫn, cãi cọ, đánh lộn. Giờ thì ổn cả. Ai cũng thích xem ti vi nên mọi hủ tục nơi này cũng dần dần giảm hẳn.
Rời bản 39, rời tộc người A rem, chúng tôi đi thêm chừng mươi cây số nữa là đến trung tâm xã Thượng Trạch, nơi chủ yếu người Ma coong quần tụ. Ông Quách Tẩm, Bí thư Đảng ủy xã phấn chấn: “Nhà kiên cố đã được Nhà nước đầu tư. Giờ có thêm ánh sáng điện. Người Ma coong ngàn đời nay mơ cũng không thấy. Mừng lắm. Bây giờ chỉ lo làm ăn và bảo vệ rừng cho tốt thôi...”.
Cũng theo ông Quách Tẩm, thì dự án điện lần này chủ yếu phục vụ cho các trung tâm thôn bản và gia đình các già làng. 6 bản của xã như Cồn Roàng, A Ky, Cu Tồn, Bản Bụt, bản 61 và bản Cờ Đỏ cũng được ưu tiên cấp điện trong đợt này.
“Không gì vui bằng khi thấy người dân phấn khởi. Đã có bao giờ đâu, bà con dân tộc khi xong việc nương, việc rẫy trở về nhà, đưa tay ấn nhẹ cái công tắc là bừng sáng ánh điện. Bao sự đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm qua phương tiện truyền hình mà người dân nơi đây lần đầu tiếp cận. Ánh sáng điện đã kéo gần khoảng cách miền núi và miền xuôi...”- Ông Tẩm cười hể hả.
Cõng ánh sáng lên bản
Ông Mai Văn Nhị chia sẻ với chúng tôi cái sự gian nan của việc mang cho được nguồn sáng đến vùng thâm sơn cùng cốc này. Ông Nhị bảo rằng phải toan tính và vận động nhiều lắm mới có được dự án điện bằng năng lượng mặt trời cho người A rem, Ma coong.
Dự án được coi là rẻ và khả thi nhất trong thời điểm hiện tại. Mấy năm trước đây Viện năng lượng có thử nghiệm đầu tư trên vùng cao này một vài dàn pin mặt trời, bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả của nó. Thực tế đó đã gợi ý cho lãnh đạo Sở Công Thương tìm kiếm và tranh thủ sự đầu tư.
May mắn sao, thời điểm đó Viện Vật lý TPHCM có một khoản hỗ trợ từ nguồn vốn tài trợ dự án điện năng lượng mặt trời giữa Việt Nam và Tây Ban Nha. Nguồn vốn tài trợ không lớn, chỉ chừng gần 800 triệu đồng.
Để tranh thủ nguồn vốn này và nhất là thiết bị tiên tiến của họ, tỉnh Quảng Bình đã chi thêm gần 1,2 tỷ đồng làm vốn đối ứng thực hiện dự án này cho người A rem, Ma coong. Bao nhiêu thiết bị, phương tiện thi công phải dùng sức người cõng trên lưng trèo đèo lội suối vào các điểm bản. Nhiều bản cách nhau gần cả ngày đường.
Mấy tháng trời như thế, anh em bám sát công trường ăn ngủ cùng dân duới mái nhà sàn. Người thành phố, chấp nhận sống chung với sên, vắt nhiều như trấu ở vùng này để mang được nguồn sáng thị thành cho vùng núi thẳm.
Hơn 26 dàn pin mặt trời với công suất 6.000 Wp đã rải đều trên địa bàn 2 xã. Những nhà văn hóa cộng đồng, UBND xã, già làng, các gia đình văn hóa tiêu biểu là các đối tượng hưởng lợi từ nguồn sáng này...
Ông Nhị chỉ tay vào dàn pin mặt trời có công suất 330 Wp ở xã Tân Trạch giới thiệu: “Địa hình, thời tiết, khí hậu vùng này khắc nghiệt và trình độ dân trí rất thấp, thế nên chúng tôi đòi hỏi rất cao về chất lượng pin mặt trời lắp đặt ở đây. Nó phải là pin mặt trời loại silíc đơn tính, hiệu suất cao, được sản xuất với công nghệ chế tạo hiện đại, độ tin cậy tối đa và ít bảo dưỡng. Pin phải có khả năng chịu nước, chịu bào mòn, chịu được mưa đá và các yếu tố khác về môi trường. Khi các tấm pin đã được thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Quốc tế (IEC), chịu chu kỳ nhiệt từ âm 40 độ đến 85 độ và một vài thử nghiệm khác nữa, khi đáp ứng được yêu cầu, chúng tôi mới cho triển khai thi công”.
Ông Nhị tâm sự với chúng tôi rằng, nhìn thấy người dân nơi đây sung sướng khi tận nhìn ánh sáng điện, vất vả thế chứ vất vả hơn bội phần ông cũng cố ráng mang ánh sáng này về cho từng thôn bản.
Có lẽ ông Nhị đã tự hạ quyết tâm cho đề án điện năng lượng mặt trời ở vùng cao ngay từ khi ông sang nắm Sở Công Thương này. Quyết tâm ấy đã khiến ông chạy như con thoi ngược xuôi tranh thủ các nguồn hỗ trợ cũng như đôn đốc thi công rốt ráo mang ánh sáng năng lượng mặt trời này về cho vùng khó.
Cái câu nói hồn hậu, chân thật của ông Đinh Sầu ở bản 39, hộ được đầu tư cấp sáng bằng pin mặt trời khi chia tay cứ vương vít mãi: Nhà mình có điện, nhưng nhà hàng xóm vẫn chưa có, mình không nỡ dùng một mình. Thấy điện sáng nhà mình lại thương nhà bên cạnh, thế là tắt điện đi sang nhà họ cho vui...Ông Nhị cũng nghe câu nói này. Bởi thế chăng nên ông cứ đau đáu một nỗi niềm suốt cả chuyến đi?