Bài II: Giai đoạn 1995-2007: Bước đi đột phá

Thứ sáu, 7/7/2023 | 10:26 GMT+7
Ngày 28-6-1995, Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (AMT) được thành lập theo Quyết định số 440/QĐ-ĐVN của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trên cơ sở Ban Quản lý công trình điện trực thuộc Công ty Điện lực 3 chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, quản lý xây dựng các dự án lưới điện từ 110kV trở lên khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ngày 27-5-1994, đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 chính thức đưa vào vận hành, sau thời điểm này hệ thống điện Miền Trung được cung cấp chủ yếu từ 2 trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, Pleiku và liên hệ với hệ thống điện miền Nam qua đường dây 110kV Đa Nhim - Cam Ranh với sản lượng khoảng 1.164 triệu kWh và liên tục tăng dần qua từng năm. Cùng với tốc độ phát triển lưới điện truyền tải khu vực Miền Trung và cả nước, đội ngũ CBCNV của AMT qua từng năm đã được bổ sung, đào tạo, tăng cường cả về thể chất và trình độ chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ với quy mô và yêu cầu ngày càng cao của ngành Điện. 

Từ năm 1999, đánh dấu những mốc son trong quá trình trưởng thành của AMT với các công trình được hoàn thành, như: Đường dây 500kV Yaly – Pleiku, đóng điện năm 1999 là dự án cấp điện áp 500kV đầu tiên được giao cho AMT thực hiện quản lý dự án (thời điểm mà các Ban A miền khác mới quản lý dự án đến cấp 220kV); Đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm, đóng điện tháng 04-2004, góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền Bắc - Trung -Nam và tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500kV của Việt Nam. Đây là đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 quy mô lớn mà AMT được giao quản lý dự án, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vào dự lễ khởi công và phát biểu: “Xây dựng đường dây 500kV thứ hai này là hết sức cần thiết, nhằm tải điện từ Nhà máy Thủy điện Yaly (có công suất 720MW) phục vụ cho chương trình công nghiệp hóa ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Tp.HCM”.

Đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, đóng điện tháng 11-2004 và đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh, đóng điện tháng 05-2005, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện trên diện rộng cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; các đường dây 220kV mua điện Trung Quốc qua Hà Giang: Thanh Thủy - Hà Giang - Tuyên Quang, Tuyên Quang - Thái Nguyên và đường dây 110kV kết hợp 220kV Sóc Sơn - Thái Nguyên đóng điện tháng 04-2007; Đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên đóng điện tháng 06-2008 là giải pháp mua điện từ Trung Quốc hữu hiệu và kịp thời nhất, đã "cứu" điện cho khu vực quanh Thủ đô Hà Nội trong năm 2007 và những năm tiếp theo ở thời kỳ Việt Nam thiếu điện nghiêm trọng. 

Đối với các công trình đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2, từ những giải pháp và cơ chế đặc biệt mà AMT đã đề xuất và được EVN chấp thuận trình Chính phủ cho phép thực hiện và các địa phương đồng tình ủng hộ; cộng với sự năng động, sáng tạo, kiên quyết trong quản lý điều hành, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các Công ty Tư vấn thiết kế, Xây lắp, Truyền tải điện, Thí nghiệm, Điện lực, các địa phương và đơn vị liên quan nên đường dây 500kV mạch 2 đã hoàn thành, đưa vào vận hành vượt mức thời gian quy định và đảm bảo chất lượng. Kết quả, ngày 19-4-2004, đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm đóng điện thành công, đảm bảo tiến độ; Ngày 31-8-2003, đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng đóng điện vượt tiến độ giao 4 tháng; Ngày 23-5-2005, đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh đóng điện, vượt tiến độ giao hơn 1 tháng và tiếp sau đó, ngày 24-5-2005, đường dây 220kV Vinh - Hà Tĩnh đóng điện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy và ổn định vận hành hệ thống điện quốc gia, đồng thời đưa điện kịp thời từ miền Nam ra Bắc để giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Bắc giai đoạn 2005-2009, khi chưa xây dựng hoàn thành các nguồn điện tại khu vực này. Đặc biệt, cung cấp với sản lượng điện khoảng 8 triệu kWh/ngày, giải quyết vấn đề thiếu điện ở Hà Nội và 26 tỉnh miền Bắc vào giờ cao điểm của hệ thống hoặc khi hồ chứa Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xuống dưới mức nước chết.

Ngay sau khi được EVN giao nhiệm vụ quản lý điều hành các dự án đấu nối mua điện của Trung Quốc, gồm: Đường dây 220kV Thanh Thuỷ - Hà Giang - Tuyên Quang, Tuyên Quang - Thái Nguyên, cải tạo 1 mạch đường dây 110kV Thái Nguyên - Sóc Sơn thành mạch kép và nâng cấp mạch còn lại lên 220kV và đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên, AMT đã kiểm tra ngay tình hình thực hiện đầu tư để xác lập tiến độ chi tiết cho từng giai đoạn, từng hạng mục công việc của từng công trình, thành lập Ban chỉ đạo tiền phương thường trực trên tuyến để chỉ huy điều hành, cùng với Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua để các đơn vị tham gia dự án cùng cam kết quyết tâm thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ, đề ra các biện pháp để quản lý điều hành có hiệu quả và phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, động viên kịp thời các đơn vị tham gia dự án nỗ lực hết mình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan ở Trung Quốc và Ban quản lý Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang, giải quyết nhanh những vướng mắc phát sinh trên công trường và tập trung lực lượng để thi công các hạng mục đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của EVN, AMT phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các đơn vị tư vấn, xây lắp và các đơn vị liên quan nổ lực phấn đấu ngày đêm để trong vòng chưa đầy 10 tháng đã xây dựng hoàn thành, đóng điện đưa các công trình vào vận hành: Ngày 27-4-2007, đóng điện thành công 236km đường dây 2 mạch và 1 trạm cắt 220kV; ngày 14-12-2007, đóng điện đưa vào vận hành đường dây 220kV Tuyên Quang - Sóc Sơn; tháng 6-2008, đóng điện Đường dây 220kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ được giao. Công trình đưa vào vận hành đã góp phần giải quyết kịp thời lượng điện năng thiếu hụt của miền Bắc vào mùa khô 2007 và trong các năm 2007-2009.  

Ở giai đoạn này, AMT đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành Tổng sơ đồ giai đoạn IV, V, VI với việc quản lý xây dựng đưa vào đóng điện thành công hàng loạt công trình lưới điện tạo mạch vòng cấp điện áp 110kV và 220kV, mang lại hiệu quả cao, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần quan trọng trong việc tăng cường độ tin cậy và ổn định hệ thống truyền tải điện khu vực Miền Trung và cả nước. Đồng thời giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện cho các vùng, miền khi chưa xây dựng hoàn thành các nguồn điện tại khu vực này và là nền tảng để kết nối lưới điện của các nước tiểu vùng và khu vực Đông Nam Á. 

Các công trình trọng điểm do AMT quản lý dự án: 

- Đường dây 500kV Đà Nẵng – Hà Tĩnh, đóng điện tháng 5-2005; Đường dây 500kV Pleiku – Dốc Sỏi – Đà Nẵng, đóng điện tháng 11-2004; Đường dây 500kV Yaly – Pleiku và Đường dây 500kV Pleiku – Phú Lâm, đóng điện tháng 04-2004.

- Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng MR đóng điện tháng 06-2006; lắp đặt kháng bù ngang tại Trạm biến áp 500kV Pleiku cho đường dây mạch 2 Pleiku – Phú Lâm, đóng điện tháng 9-2005; mở rộng ngăn xuất tuyến tại Trạm biến áp 500kV Pleiku, đóng điện tháng 5-2000; xuất tuyến 220kV tại TBA 500kV Pleiku, đóng điện tháng 8-1999.

- Năm 2006, AMT đóng điện thành công Đường dây 220kV Xekaman 3 (Lào)– Thạnh Mỹ (Quảng Nam- Việt Nam) và Xekaman 1 (Lào )– Pleiku (Gia Lai - Việt Nam).

 - Tổng số khối lượng đường dây giai đoạn 1995 - 2007 đã hoàn thành là: 2.922,72km (trong đó, đường dây 500kV: 1.232,76km; đường dây 220kV: 1.178,06km và đường dây 110kV: 512,5km).

- Tổng dung lượng máy biến áp đã hoàn thành là: 1.654MVA (trong đó, máy biến áp 220kV: 813MVA; máy biến áp 110kV: 841MVA).

 

Thanh Mai