Sự kiện

Bàn giao lưới điện nông thôn - Kỳ 1: Nghịch lý: giá cao – chất lượng thấp

Thứ ba, 21/7/2009 | 10:54 GMT+7

Theo số liệu từ EVN, tính đến cuối năm 2008, 100% số huyện trong cả nước đã có điện lưới và điện tại chỗ; 97,26% số xã và 94,03% số hộ dân nông thôn có điện.

Hiện vẫn còn 230 xã và gần 1 triệu hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao chưa có điện, khoảng trên 5.000 xã cần được bảo dưỡng hệ thống điện do mạng lưới ngày càng xuống cấp, tỷ lệ thất thoát điện cao, thường xuyên ách tắc trong quá trình truyền dẫn và phân phối. Mục tiêu của EVN trong năm 2009 sẽ tiếp nhận 2.421 xã để bán điện trực tiếp đến hộ nông dân, phấn đấu đến 30/6/2010 cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện trên toàn quốc. Tuy nhiên, công tác bàn giao lưới điện vẫn rất phức tạp.

Chất lượng thấp do hạ tầng cũ nát

Hệ thống lưới điện nông thôn của Hải Phòng được xây dựng cách đây từ 20 đến 40 năm. Mục đích ban đầu là kéo điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên các trạm biến áp thường ở xa dân cư. Sau đó, các xã mới xây dựng đường dây hạ thế kéo điện từ các trạm biến áp về phục vụ sinh hoạt. Do xây dựng chắp vá, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; bán kính cấp điện lớn, tiết diện dây dẫn nhỏ và nhiều chủng loại, trong quá trình vận hành không được đầu tư sửa chữa nên hệ thống lưới điện ngày càng xuống cấp. Các tổ chức quản lý bán điện hầu hết có quy mô nhỏ nên không có kinh phí để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp lưới điện, không đủ trình độ để hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, hợp lý, tiết kiệm. Đó là chưa kể công-tơ đo đếm điện đều do các hợp tác xã dịch vụ, doanh nghiệp tư nhân... mua trôi nổi trên thị trường với nhiều chủng loại khác nhau, lại không được kiểm tra, kiểm định theo quy định nên tình trạng tổn thất điện năng khá cao, phổ biến từ 15 đến 30%, làm cho giá bán điện tới hộ dân nông thôn ngày càng tăng, chất lượng điện không bảo đảm.

Hạ tầng lưới điện nông thôn thường được xây dựng chắp vá, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.

Tại Hòa Bình tình hình còn đáng ngại hơn. Hợp tác xã dịch vụ điện Hợp Thành (Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) quản lý 24,7 km đường dây hạ thế thì có tới gần 10 km sử dụng dây trần cột gỗ không đảm bảo an toàn lưới điện. Huyện Kim Bôi (Hòa Bình) có nơi bán kính cung cấp điện tới 25 km. Chất lượng điện không ổn định, có nơi điện áp cuối nguồn chỉ đạt 30% so điện áp đầu nguồn.

Không riêng Hải Phòng, Hòa Bình mà từ năm 2002 về trước, việc quản lý lưới điện nông thôn ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều giao cho cai đầu dài, tổ điện, hợp tác xã dịch vụ điện, Ban quản lý điện xã. Công bằng mà nói, cả một thời kỳ dài các mô hình này đã góp phần tham gia cùng ngành điện giải quyết được phần nào nhu cầu sử dụng điện của vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, hạn chế của các tổ chức này là năng lực tài chính, quản lý kỹ thuật, hạch toán kinh tế yếu, hầu hết nhân sự đều chưa qua đào tạo chuyên ngành, nguồn vốn hạn chế. Hơn nữa, do chỉ chăm lo khai thác lợi nhuận mà không quan tâm đến đầu tư cải tạo, nâng cấp nên lưới điện bị xuống cấp trầm trọng. Các đường nhánh rẽ chủ yếu do hộ dân tự đấu nối, dây dẫn kéo lòng vòng với đủ chủng loại, có nơi dùng cả dây điện thoại và dây thép thay dây điện. Nhiều sợi dây nằm vắt qua hàng rào, trên các cọc gỗ tạm bợ. Hệ thống công tơ điện có nhiều chủng loại, không được kiểm định, thay thế, sửa chữa định kỳ. Các đường dây tải điện không được phát dọn thường xuyên, các điểm đấu nối tiếp xúc kém. Nhiều nơi đường dây có bán kính cấp điện vượt quá quy định, tiết diện dây dẫn không phù hợp. Có nơi tận dụng cả cây phi lao, tre hoặc luồng làm cột điện. Do vậy, nguy cơ mất an toàn về điện luôn thường trực, tổn thất điện năng lớn (có nơi đến 40-50%).

Thất thoát nhiều, giá điện lên cao

Chúng tôi đến Tân Yên (Bắc Giang) vào ngày nóng bức nhất của tháng 6 vừa qua. Đây là nơi chưa thực hiện bàn giao lưới điện nông thôn về ngành điện. Cả vùng đồi Tân Yên nóng như chảo lửa. Trong nhà chị Đông (xã Ngọc Châu) hai đứa trẻ cứ khóc ré lên vì nóng mặc dù chị đang rã tay quạt cho chúng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì có quạt điện bên cạnh mà chị vẫn dùng quạt nan thì chị than thở: “Bật quạt điện suốt ngày thì tiền đâu mà trả”. Hỏi ra mới biết, tiền điện ở đây lên tới 1.500đ/kWh. Vùng quê vốn thu nhập thấp, cứ thêm một số điện là coi như giảm mất khẩu phần ăn. Thà chịu nóng còn hơn là chịu đói. Đó là chưa kể, cứ nộp chậm một ngày là bị phạt, chậm vài ngày sẽ bị cắt điện. Vì vậy, nói đến tiền điện ai cũng lo nơm nớp.

Tại xã Nam Tiến (Nam Trực, Nam Định) gia đình bà Hồng chỉ dám sử dụng 1 tivi 16 inch và 1 bóng điện 20W bởi điện ở đây quá yếu, dùng cả máy kích điện áp mà vẫn không đủ ánh sáng cho con trẻ học bài. Bà Hồng cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Điện áp luôn chập chờn ở mức 80 – 90 V nhưng bà con vẫn phải chịu giá điện “trên trời”. Nguyên nhân chính là do lưới điện hạ thế vẫn do các hợp tác xã thầu và bán điện trong tình trạng cũ nát nhưng không có khả năng đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhiều nơi, các hợp tác xã đang “tận thu” trước thời điểm bàn giao nên giá điện thường cao gấp đôi mức giá trần Nhà nước quy định. Mới đây, các hộ dân xã Đức Thượng – Hoài Đức – Hà Nội đã làm đơn kiến nghị lên ngành điện vì nhiều năm nay, họ phải trả tiền điện với giá 1.100 đồng - 1.500 đồng/kWh. Đó là chưa kể, nhiều địa phương, tổ chức bán điện xã tự ý nâng giá bán điện, cá biệt có nơi lên tới 3000 – 4000 đồng/kWh.

Đây cũng là tình trạng chung ở hầu hết các vùng nông thôn đang sử dụng điện do các tổ chức ngoài ngành điện quản lý. Ông Nguyễn Minh Vượng, chủ nhiệm hợp tác xã Toàn Xã, xã Phú Phương, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, xã Phú Phương kéo điện từ năm 1978. Do các hợp tác xã dịch vụ điện năng không có vốn nên không thể đầu tư nâng cấp dẫn đến chất lượng điện kém. Những nơi dùng điện cuối nguồn cứ 7 giờ tối là điện lập lòe như đom đóm. Hệ thống công tơ gần hai chục năm nay không được kiểm định nên tỷ lệ tổn hao thất thoát lớn (tới 35%). Vì vậy, mặc dù được mua giá bán buôn 390 đồng/kWh, bán lẻ cho dân giá 700 đồng/kWh nhưng tháng nào xã cũng phải bù lỗ cho hợp tác xã dịch vụ điện năng.

Ông Vượng cho biết, tháng 4 vừa qua, hợp tác xã phải “năn nỉ” bà con tăng thu từ 700 đồng lên 900 đồng/kWh vì khi Nhà nước quy định giá bán buôn cũng phải chịu giá bậc thang từ 420đ/kWh (cho 50 kW đầu tiên), tới giá 1.345đ/kWh (từ kW 401 trở lên) thì hợp tác xã lỗ tới 12 triệu đồng/tháng. Vì vậy, khi biết chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, không chỉ dân phấn khởi mà chính hợp tác xã dịch vụ điện và lãnh đạo xã cũng mừng.

Bàn giao lưới điện: ba bên cùng có lợi

Anh Đào Văn Duẩn ở xã Song Mai, huyện Kim Động (Hưng Yên) cho biết: trước đây người dân phải mua điện từ hợp tác xã với giá 760đ/kWh, từ khi bàn giao về ngành điện quản lý, họ đã được mua với giá 600đ/kWh cho 50 số đầu. Nhưng điều quan trọng là điện ổn định, không còn chập chờn như trước. Anh Đồng ở Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng rất phấn khởi vì tiền điện đã giảm hẳn so với trước. Bà Phùng Thị Hiền ở xã Phú Châu (Ba Vì, Hà Tây) khoe: nhà tôi kinh doanh bán hàng, trước đây phải trả 1.500 đồng/kWWh nên mỗi tháng hết trên 300.000 đồng tiền điện. Nay cũng dùng điện như thế mà hóa đơn tiền điện chỉ còn hơn 200.000 đồng, không phấn khởi sao được.

Người dân nông thôn có Hợp đồng mua bán điện đàng hoàng, có hoá đơn tiền điện minh bạch, công tơ kẹp chì, có kiểm định của Nhà nước. Nhất là bà con nghèo chỉ sử dụng dưới 50 kWh/tháng thì giá điện rẻ hơn hẳn. Đặc biệt, chính quyền địa phương không còn phải thường xuyên giải quyết các vụ kiện cáo, kiến nghị trong sử dụng điện như trước đây. Người dân vừa được hưởng lợi về giá điện, vừa không phải đóng tiền cho việc sửa chữa lưới điện, không phải gánh chịu những phát sinh do thất thoát điện năng; được sử dụng hệ thống lưới điện an toàn, chất lượng cao.

Bản thân ngành điện cũng có lợi vì nguồn thu ngân sách tăng do bán lẻ điện trực tiếp tới các hộ dân. Kiểm soát được hệ thống lưới điện nông thôn, dễ dàng trong việc cung ứng điện, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm đáng kể. Riêng Thái Bình, ở những nơi đã bàn giao lưới điện tổn thất đã giảm từ 32% xuống 22%. Đặc biệt, 15 xã thí điểm cải tạo lưới điện từ năm 2003 đến nay tổn thất chỉ còn 5%. Ở Ba Vì (Hà Nội) trước đây cả xã chỉ thu được 70 triệu đồng tiền điện/tháng, từ khi bàn giao về ngành điện đã thu được 103 triệu đồng/tháng. Ở Hưng Yên, tổn thất bình quân ở các xã trước khi tiếp nhận có nơi lên đến 40-45% nhưng nay chỉ còn từ 25 đến 27%. Ở Hà Trung (Thanh Hóa) giảm tổn thất điện từ 38% xuống còn 25%. Tại Ninh Bình, khi hợp tác xã còn quản lý lưới điện, tổn thất điện năng thường dao động từ 30 - 38%, nay chuyển giao về điện lực địa phương quản lý, mức tổn thất trung bình chỉ còn 11%, thậm chí Chi nhánh điện lực Hoa Lư chỉ tổn thất 5%. Trung bình cả nước đã giảm tổn thất khoảng 60-70 triệu kWh/năm. Nhà nước sẽ giảm tải được nhu cầu phải xây dựng các nhà máy phát điện.

Theo: Công Thương