Sự kiện

Bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn: Cần địa phương tiếp sức mạnh mẽ

Thứ tư, 8/7/2009 | 09:53 GMT+7

Có thể nói, công tác tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ thế nông thôn để trực tiếp bán điện đến hộ dân nhằm chống thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo người dân nông thôn dùng điện trả đúng giá nhà nước quy định, với chất lượng cao hơn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề của ngành điện. Trên thực tế, chủ trương lớn này đang được triển khai rầm rộ trong cả nước sẽ không thể thực hiện một cách "xuôn sẻ" nếu như không có sự "ra tay" mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Sự nhất quán đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối chính là chìa khoá thành công giúp ngành điện tập trung sức hoàn thành kế hoạch bán điện trực tiếp đến tận hộ dân theo đúng định hướng chiến lược.

Chi nhánh điện Phú Xuyên (Hà Nội)- Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó có nhiều huyện trung du và miền núi, địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, bán kính cấp điện rộng. Lưới điện hạ áp nông thôn ở đây được đầu tư từ nhiều nguồn, quá cũ nát nên xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn lớn. Hệ thống công tơ nhiều chủng loại, chất lượng thấp, không được thay thế kịp thời khi sai hỏng, vì vậy, tổn thất điện năng của hầu hết các địa phương rất cao. Chưa kể chất lượng điện thấp gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thôn, xã có làng nghề phát triển. Bên cạnh đó, nhiều xã "ăn nên làm ra" từ nguồn thu điện nông thôn nên rất chậm trễ trong bàn giao. Mặt khác, việc giao nhận này còn ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ xã nên đã có không ít trường hợp cán bộ xã gây khó khăn, thậm chí kích động nhân dân không ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cũng chính vì đặc thù này, có lẽ đây là địa phương ra quyết định "muộn màng" nhất về chủ trương giao-nhận lưới điện hạ thế nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trong tổng số 345 xã thuộc diện tiếp nhận, đến cuối tháng 6/2009, Điện lực Nghệ An đã vận động được 151 xã với trên 1.600km đường dây hạ thế, đưa điện về tận 102.000 hộ dân nông thôn. Từ nay đến hết năm 2009, trừ 48 xã đang thực hiện dự án năng lượng nông thôn II được đầu tư bán điện đến hộ, sau khi hoàn thành dự án, UBND tỉnh Nghệ An sẽ bàn giao cho ngành điện quản lý, Điện lực tỉnh sẽ phải tiếp nhận, cải tạo tối thiểu lưới điện nông thôn và lắp công tơ mới cho toàn bộ hệ thống điện nông thôn còn lại của tỉnh để trực tiếp bán điện cho hộ dân, chấm dứt hoàn toàn tình trạng bán điện qua công tơ tổng của các tổ chức điện nông thôn và cai thầu đang làm nhà nước thất thu lớn. Mặc dù vậy, ông Đinh Xuân Tiến, Trưởng phòng điện nông thôn (Điện lực Nghệ An) cho rằng, việc tiếp nhận cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế nông thôn là hết sức tốn kém và gặp nhiều khó khăn. Bình quân mỗi xã ngay sau khi tiếp nhận điện lực tỉnh phải đầu tư khoảng 2 tỷ đồng cải tạo tối thiểu, lắp công tơ mới trước mắt đảm bảo cấp điện an toàn và giảm tổn thất điện năng.

Giám đốc Điện lực Hà Tĩnh Nguyễn Hải Khoát cũng thừa nhận, mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước nhưng thực tế triển khai cho thấy số xã tự nguyện bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý là rất ít. Vẫn còn một số địa phương chưa thống nhất bàn giao, còn nghe ngóng, đòi hỏi quyền lợi khi bàn giao và hoàn trả vốn đầu tư cải tạo lưới điện. Do vậy, tranh thủ trong thời gian đến 1/9/2009, thời điểm cuối cùng các tổ chức kinh doanh điện nông thôn  không đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ điện sẽ phải bàn giao cho ngành điện tiếp nhận, đầu tư nâng cấp và bảo đảm  bán điện trực tiếp đến người dân nông thôn theo quy định của Chính phủ, nhiều Hợp tác xã đã tự ý nâng giá điện lên 1.900-2.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, "xác định đây chính là thị phần và mong muốn để người dân được hưởng lợi, chủ trương của Điện lực Hà Tĩnh là làm quyết liệt công tác tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn ngay trong năm 2009 này", Giám đốc Khoát khẳng định.

Cũng là một tỉnh có diện tích lớn với địa hình đa dạng: có biển, đồng bằng, trung du và núi cao, phần lớn các tổ chức quản lý điện nông thôn ở Thanh Hoá đều đang bán điện sinh hoạt đến hộ dân theo đúng giá trần quy định của Chính phủ. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 785 hộ dân thuộc 7 xã của 5 huyện miền núi trong tỉnh phải mua điện với giá từ 750-900đ/kWh  do số hộ này sống rải rác xa khu trung tâm cụm dân cư, đường dây hạ thế quá dài, tổn thất điện năng quá cao. Theo Phó Giám đốc Điện lực Thanh Hoá Trịnh Xuân Như, thực hiện Chỉ thị 13 của tỉnh, trên cơ sở bàn giao tự nguyện, 6 tháng đầu năm nay, điện lực tỉnh đã hoàn thành việc tiếp nhận 88 xã, vượt kế hoạch đề ra 8 xã. Đã có 4 xã là Nông Cống, Thành Công (Thạch Thành), Cẩm Thành (Cẩm Thuỷ) và Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) có quyết định tiếp nhận  nhưng địa phương lại không nhất trí bàn giao nữa. Mặc dù vậy, đến hết tháng 6 sang năm, Thanh Hoá vẫn quyết tâm hoàn thành công tác bàn giao lưới điện hạ thế về ngành điện quản lý.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân nông thôn về giá điện mới, những lợi ích mang lại từ chủ trương trên, các điện lực trong Công ty Điện lực 1 đang tiếp tục làm việc trực tiếp với các địa phương để vận động bàn giao tài sản lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý và bán điện đến tận hộ. Vấn đề đặt ra hiện nay là trong những năm tiếp theo, các Điện lực cũng phải cần một nguồn vốn rất lớn nâng cấp hệ thống đường dây hạ thế vào chuẩn, lắp thêm các máy biến áp và tăng dung lượng máy biến áp để chống quá tải... trong hoàn cảnh nước ta đang phải kiềm chế lạm phát, lãi suất vay tín dụng cao và chưa ổn định.

Thực tế cũng cho thấy, với khối lượng tiếp nhận cùng một lúc rất lớn, các chi nhánh điện không đủ lực lượng lao động tổ chức cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành lưới điện sau khi tiếp nhận đã phải tận dụng nguồn lao động tại chỗ là những thợ điện nông thôn, tổ chức đào tạo lại và ký hợp đồng dịch vụ ghi chỉ số công tơ, sửa chữa nhỏ cho số thợ điện này. Các công trình lưới điện bàn giao phần lớn lại không còn hồ sơ thiết kế hoặc không có thiết kế nên việc thống kê để xác định giá trị còn lại của tài sản rất khó khăn, trong khi nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn để áp dụng chung cho toàn quốc nên nhiều địa phương mất rất nhiều thời gian giải thích, họp dân.... Không những thế, ngoài việc tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh bán điện đến hộ dân nông thôn trên địa bàn thực hiện cơ chế giá bán lẻ điện nông thôn theo Quyết định 21//2009/QĐ-TTg của Chính phủ, đã đến lúc, UBND các tỉnh cần có chế tài xử lý đối với các xã không đồng ý bàn giao hoặc không đủ điều kiện theo quy định bàn giao sau ngày 31/8/2009, để người dân nông thôn được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giá điện của Chính phủ./.

Mai Phương