Sự kiện

Đến tháng 6-2010 EVN có hoàn thành tiếp nhận và bán điện đến hộ dân nông thôn?

Thứ ba, 14/7/2009 | 10:18 GMT+7

Giữa năm 2008, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, với mục tiêu phấn đấu đến thang 6/2010, EVN cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến các hộ nông thôn trên phạm vi toàn quốc, nhằm thực hiện giá bán điện sinh hoạt theo đúng giá điện cho người nghèo của Chính phủ.

Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp từ các tổ chức quản lý điện nông thôn cho ngành Điện được tuân thủ thực hiện theo nguyên tắc dân chủ và tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận giữa bên giao và bên nhận. Các điện lực, một mặt tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy và chính quyền địa phương, mặt khác tuyên truyền rộng rãi, phân tích rõ lợi ích từ việc bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Do vậy, nhiều tỉnh có văn bản ủng hộ việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn cho các điện lực quản lý như: Hải Phòng, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Điện Biên, Yên Bái, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đăk Lăk, Phú Yên… Mặt khác, do nhận thức đầy đủ về việc tiếp nhận lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn, cho toàn xã hội, nên các công ty điện lực, điện lực tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo, khân trương lập phương án cho kế hoạch thực hiện 3 năm (2008-2010); đăng ký làm việc và tranh thủ sự ủng hộ của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương các cấp, tuyên truyền vận động để các tổ chức bán điện địa phương tự nguyện bàn giao lưới điện hạ áp. Chỉ tính từ tháng 6/2008 đến nay, đã có hàng ngàn HTX điện năng trong tổng số 1.400 xã đã tự nguyện bàn giao lưới điện hạ áp (với khoảng 1,6 triệu hộ nông thôn sử dụng điện) cho ngành Điện, nhưng không có khiếu kiện thắc mắc xảy ra.

Đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã có 8.845/9.082 xã có điện (đạt 97,74%), trong đó các điện lực đã bán điện trực tiếp tại 4.711 xã (chiếm 53,26% số xã có điện). 16 tỉnh, thành phố và công ty điện lực đã tiếp nhận và bán điện đến 100% hộ dân nông thôn là Bắc Ninh, Sơn La, Tp.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh, bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Gia Lai, KonTum; có 08 địa phương khác đã tiếp nhận và bán điện tới trên 90% hộ nông thôn là Hà Nội, Ninh Bình, Đăk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang… Còn khoảng 4.250 xã với khoảng 5 triệu hộ sử dụng điện ở nông thôn đang mua điện qua 7.033 tổ chức quản lý điện tại các địa phương, trong đó, có 250 tổ chức là các doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân) do địa phương thành lập, có 4.745 tổ chức là HTX và 2.038 hộ kinh doanh cá thể và đại diện các cụm dân cư.

Thực hiện Quyết định số 21/209/QĐ-TTg ngày 12/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 05/2009/TT-BCT ngày 26/02/2009 quy định về giá bán điện, trong đó quy định: “Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán lẻ điện sinh hoạt nông thôn đều phải điều chỉnh lại quy trình quản lý hạch toàn kinh doanh bán điện để đạt được các tiêu chuẩn như: phải có giấy phép hoạt động điện lực, phải có sổ sách kế toán đúng quy định, lắp đặt công tơ và ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện, hàng tháng phải phát hành hóa đơn tiền điện cho khách hàng với giá bán điện là giá sinh hoạt bậc thang như EVN đang bán theo biểu giá của Chính phủ. Nếu các tổ chức, cá nhân không đáp ứng được các yêu cầu trên, thì đến ngày 31/9/2009, Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh để thu hồi giấy phép hoạt động của đơn vị vi phạm để bàn giao cho các công ty điện lực tiếp nhận bán điện trực tiếp đến khách hàng sử dụng điện nông thôn”. Thực hiện chủ trương này, các công ty điện lực đã và đang rà soát, tìm hiểu thông tin về các tổ chức quản lý điện nông thôn không đảm bảo yêu cầu bán điện theo quy định trên, để có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và giải pháp tiếp nhận khi các tổ chức này bàn giao cho ngành Điện sau thời điểm 01/09/2009. Nếu khả năng các tổ chức bán điện đồng loạt bàn giao sau ngày 01/9/2009, thì các công ty điện lực, điện lực địa phương sẽ có thông báo trước đối với chính quyền địa và và đề xuất phương thức, lộ trình tiếp nhận một cách phù hợp.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, các công ty điện lực đang đối mặt với những khó khăn lớn, đó là: Tỷ lệ tổn thất điện năng do các tổ chức quản lý điện nông thôn (tính đến thời điểm tiếp nhận) rất ít xã có mức tổn thất dưới 20%, nhiều nơi tổn thất trên 40%, bình quân khoảng 25% (tỷ lệ tổn thất điện năng sau khi tiếp nhận như vậy là không thể chấp nhận được). Mặt khác, do tiếp nhận nguyên trạng, chưa có điều kiện cải tạo ngay, nên lưới điện hạ áp ở nhiều khu vực không đảm bảo an toàn, gây tâm lý lo lắng về trách nhiệm nếu xảy ra các trường hợp tai nạn điện trong dân. Vấn đề cần xử lý để đảm bảo an toàn điện, chất lượng điện và tỷ lệ tổn thất điện năng sau tiếp nhận là một vấn đề lớn mà ngành Điện cần phải tập trung tài vật lực để giải quyết. Bên cạnh đó, giai đoạn 2008-2010, các công ty điện lực, điện lực sẽ tiếp nhận một khối lượng hàng chục nghìn km đường dây hạ áp và trên 7 triệu hộ nông thôn. Để giải quyết khó khăn này, các cơ quan chuyên môn của EVN phải nghiên cứu tính toán xây dựng định mức, đơn gia tiền lương và năng suất lao động mới phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của Ngành sau khi tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn, làm cơ sở trình Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phê duyệt. Một vấn đề cũng không kém phần nan giải, đó là việc các tổ chức điện nông thôn và chính quyền địa phương yêu cầu ngành Điện tiếp nhận toàn bộ nhân lực khi tiếp nhận lưới điện. Đa số những người tham gia hoạt động kinh doanh điện của các tổ chức điện nông thôn tại các địa phương phần lớn không đáp ứng về chuyên môn kỹ thuật – nghiệp vụ.

Phấn đấu hoàn thành cơ bản chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn trước tháng 6/2010, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng không chỉ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, mà là trách nhiệm chung của các sở, ban ngành địa phương, để người dân nông thôn sớm được hưởng lợi từ chính sách đúng đắn của Chính phủ.

Theo: Tạp chí CN T7/2009