Sự kiện

Tiết kiệm năng lượng: Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Thứ năm, 9/7/2009 | 09:18 GMT+7

Các nhà quản lý than thở, doanh nghiệp thờ ơ với các chương trình hỗ trợ tiết kiệm năng lượng (TKNL). Doanh nghiệp lý giải việc chưa mặn mà,“ngại” tham gia các chương trình TKNL do thiếu vốn, thiếu nhân lực…

Muốn nhưng lại thờ ơ với việc triển khai 

Doanh nghiệp vừa thiếu vốn, lại thiếu lòng tin vào các giải pháp TKNL”, ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Giám đốc công ty TNHH thiết bị công nghiệp chuyên ngành than thở. Công ty của ông từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về việc TKNL nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan. Dù đưa ra những giải pháp tối ưu hạn chế tiêu hao năng lượng, nhưng  các doanh nghiệp đều thoái lui vì “vốn đầu tư khá cao mà chưa rõ kết quả thế nào”. 

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Công ty nhựa Tân Lập Thành cho biết, công ty của anh chưa yên tâm hưởng ứng chương trình TKNL. Theo anh Tùng, các chương trình liên quan đến TKNL không nên chỉ dừng lại ở việc tư vấn, giới thiệu một doanh nghiệp bán thiết bị, máy móc, mà nên hỗ trợ kỹ năng, biện pháp TKNL vì doanh nghiệp muốn đầu tư thiết bị mới phải cân nhắc: Thời hạn bảo hành của các thiết bị ngắn hơn thời gian thu hồi vốn. Nếu qua thời hạn bảo hành, xảy ra sự cố gì xem như doanh nghiệp thiệt hại nặng. 

Kết quả khảo sát thị trường trong thời gian qua đều khẳng định các chương trình/dự án tiết kiệm năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất nhiều dự án có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn nhưng vẫn không được triển khai, hoặc triển khai rất chậm. 

Cụ thể, tại Hà Nội, kết quả khảo sát ở 10 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chủ lực như dệt - may, da - giày; cơ - kim khí; điện - điện tử… cho thấy, nếu họ áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng thì hàng năm sẽ tiết kiệm tới 3,2 triệu kWh điện. Tuy nhiên, dù đã hết sức cố gắng nhưng hầu hết các doanh nghiệp này vẫn chưa tận dụng hết cơ hội tiết kiệm năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do máy móc, thiết bị phụ trợ của các doanh nghiệp không đồng bộ, dây chuyền sản xuất cũ kỹ lạc hậu, không được tự động hóa nên mức tiêu hao nhiên liệu khá lớn. Tình trạng non tải của các hệ thống động cơ (nguyên nhân do thiết kế ban đầu của thiết bị thường lớn hơn thực tế sử dụng); hệ thống chiếu sáng bố trí không hợp lý, không tận dụng ánh sáng tự nhiên… Theo các chuyên gia, tùy mức độ đổi mới công nghệ mà tiềm năng tiết kiệm năng lượng của từng doanh nghiệp có thể tiếp tục đạt từ 6 đến 24%. Nhiều lĩnh vực khác như chiếu sáng công cộng, chiếu sáng học đường, giao thông vận tải, sử dụng năng lượng trong dịch vụ, du lịch… cũng còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn lo ngại chưa biết thẩm định lời quảng cáo của các nhà cung cấp thiết bị bằng cách nào. Giới thiệu là thiết bị tiết kiệm 30% lượng nhiên liệu tiêu hao nhưng sau khi sử dụng một thời gian, kiểm tra lại mới biết chỉ tiết kiệm được… 5% nhiên liệu! Bên cạnh đó, chương trình cho vay kích cầu của Chính phủ lại không hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn mua thiết bị nước ngoài. 

Vốn không thiếu, chỉ thiếu dự án khả thi 

Tại hội thảo về TKNL do Bộ Công thương tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh văn phòng Chương trình Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương cho biết, Bộ vừa trình Chính phủ dự thảo luật TKNL, trong đó có đề cập đến việc hỗ trợ vay vốn để thực hiện các dự án về TKNL. Ngoài ra, còn có danh mục ưu tiên về thuế cho một số thiết bị TKNL.

Thực tế, nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, các định chế tài chính quốc tế… hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các dự án TKNL rất nhiều. Tuy nhiên, trước tiên phía doanh nghiệp phải có được dự án TKNL khả thi. Việc kiểm toán năng lượng để lập dự án TKNL cho các doanh nghiệp hiện được thực hiện miễn phí. Song, hiện thực hóa điều này không hề đơn giản do hầu hết các doanh nghiệp ở ta đều thuộc dạng vừa và nhỏ. Vốn ít, lại ngại thay đổi, thiếu người am hiểu về TKNL nên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn cũng đành bỏ qua.

Theo: Kinh tế và Đô thị