Sự kiện

Cung cấp điện trong mùa nắng nóng 2009: Cần sự nỗ lực của toàn ngành

Thứ sáu, 10/7/2009 | 10:51 GMT+7

Trong 3 ngày nắng nóng (từ 8-10/6/2009) dữ dội nhất từ đầu hè đến nay, phụ tải điện cả nước tăng đến mức kỷ lục. Dù phải hoạt động trong tình trạng căng thẳng báo động, nhưng về cơ bản, hệ thống được đảm bảo không thiếu điện. Tuy vậy, trên địa bàn Hà Nội, do nhu cầu sử dụng tăng quá cao và đột ngột, gây quá tải cục bộ ở các trạm biến áp phân phối và nhảy aptomát...

Căng thẳng cung cấp điện

Cung cấp đủ điện cho Thủ đô - trọng trách hết sức nặng nề trong mùa nắng nóng           
Để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày nắng nóng, EVN đã huy động tối đa các nguồn điện (bao gồm cả những nguồn đắt tiền) với tổng công suất khả dụng 13.500 MW; truyền tải cao trên 2 mạch đường dây 500 kV đưa điện từ miền Nam ra với công suất cao nhất 1.800 MW; mua điện Trung Quốc vào giờ cao điểm lên tới gần 700 MW. Tập đoàn cũng đã yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không thực hiện bất cứ công việc sửa chữa nào liên quan đến việc cắt điện trên hệ thống truyền tải cũng như tách tổ máy ra sửa chữa, ngoại trừ xử lý sự cố. Đồng thời, EVN cũng đã yêu cầu các nhà máy điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các công ty điện lực tăng cường kiểm tra thiết bị, đường dây để kịp thời phát hiện và khắc phục khiếm khuyết, hạn chế tối đa sự cố điện.

Đợt nắng nóng bắt đầu từ ngày 7/6, nhưng do là ngày Chủ nhật, các cơ quan, xí nghiệp nghỉ làm việc, nên phụ tải chưa tăng cao. Từ ngày 8/6, phụ tải mới tăng đột biến và tiếp tục tăng cao trong ngày 9/6 với công suất đỉnh 13.436 MW, tăng 12,84% so với ngày có công suất cao nhất năm 2008; sản lượng 274,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với ngày có sản lượng cao nhất năm 2008 và tăng 18,3% so với cùng kỳ.

Riêng miền Bắc, ngày 9/6, phụ tải tăng cao với sản lượng 113,46 triệu kWh, tăng 22% so với ngày có sản lượng cao nhất trong tháng 6/2008; công suất là 5.471 MW, tăng 15,61% so với ngày có công suất cao nhất năm 2008.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia: Mặc dù trong những ngày nắng nóng cao độ vừa qua, không xảy ra trường hợp sự cố nào trên hệ thống truyền tải cao áp, nhưng với lượng công suất truyền tải lớn như vậy đã gây quá tải cho các máy biến áp 500/220 kV Nho Quan, Thường Tín và Hà Tĩnh ngay trong chế độ vận hành bình thường. Trong trường hợp bất cứ tổ máy nào của Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại 2 hoặc một trong các máy biến áp trên hệ thống bị sự cố, thì vẫn có khả năng xảy ra tình trạng rã lưới miền Bắc.

Hà Nội – 4500 ca trực

Bình thường, lượng điện năng tiêu thụ của toàn thành phố Hà Nội chỉ vào khoảng từ 24 - 26 triệu kWh thì trong hai ngày ba ngày nắng nóng, con số này đã là 31 triệu kWh mỗi ngày. Công ty Điện lực Hà Nội đã chỉ thị cho 29 chi nhánh điện lực các quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố đảm bảo nguồn điện ổn định, dừng thực thi mọi hoạt động sửa chữa cũng như kế hoạch cắt điện luân phiên trên địa bàn. Mặc dù Hà Nội được EVN ưu tiên về sản lượng, nhưng trong những ngày cao điểm nắng nóng, do nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến (các hộ dân sử dụng hết các thiết bị điện trong nhà, đặc biệt các thiết bị công suất lớn như điều hòa nhiệt độ), nên đã gây ra quá tải 6 trạm biến áp 110 kV, 225 trạm biến áp phân phối, 152 đường trục hạ thế, 184 aptomat. 

Ông Trần Đức Hùng – Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội cho biết: Công ty cử cán bộ trực 24/24h tại các trạm biến áp, mở cửa trạm và can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật để làm mát các máy điều áp. Do phụ tải tăng quá cao trên nhiều địa bàn, mỗi ngày, có đến khoảng 300 lượt nhảy aptomat. Trung bình trong mấy ngày này, Công ty nhận khoảng 1.700 cuộc gọi/ngày từ phía khách hàng. Vì thế, đường dây nóng của Công ty cũng như các chi nhánh, quận, huyện liên tục trong tình trạng “không liên lạc được”.

Trong 3 ngày đêm “chiến đấu”, từ lãnh đạo cho đến các CBCNV trong Công ty đều như “ngồi trên lửa”, Công ty đã triển khai 4500 ca trực làm ngày, làm đêm để xử lý sự cố, khôi phục cấp điện cho người dân Thủ đô một cách nhanh nhất. Nhân viên ngành Điện phải mở hết các cửa trạm biến áp, đồng thời sử dụng quạt gió cho máy biến áp, tránh tình trạng sôi dầu. Tuy nhiên, vất vả ở chỗ mất bao công sức, đóng điện xong, lại nhảy aptomat. Nguyên nhân là do người dân vẫn để hầu hết các thiết bị điện trong trạng thái chờ điện. Có nơi, người dân thấy thợ điện làm việc quá vất vả, leo cột, sửa đường dây giữa trời nắng như đổ lửa, cả trong đêm khuya, họ đã mang nước, mang bánh để bồi dưỡng, động viên anh em… Đó là tình cảm và cũng là động lực mà người thợ điện Thủ đô phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu sử dụng điện ổn định, chất lượng trong mùa nắng nóng của người dân.

Không để tiếp tục nhảy aptomat…

Đó là yêu cầu của Tổng giám đốc EVN đối với ban lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nội trong buổi họp khẩn rút kinh nghiệm về việc cung cấp điện trong 3 ngày nắng nóng cao điểm vừa qua.  Tổng giám đốc ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực hết mình của toàn thể CBCNV Công ty Điện lực Hà Nội. Tuy nhiên, theo dự báo, khả năng thời gian tới vẫn còn 6-7 đợt nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra, vì thế, khối lượng công việc cần phải làm là rất lớn. Đó là sau khi đã xác định được những khu vực quá tải, Công ty Điện lực Hà Nội cần gấp rút các nhiệm vụ nâng công suất trạm, thay thế aptomat,… nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho toàn địa bàn Thành phố. Công ty cũng cần nâng cao năng lực của Tổng đài trả lời điện thoại khách hàng từ cấp công ty cho đến các chi nhánh điện. Đồng thời, trong công tác truyền thông, Công ty cũng cần nhạy bén và chuyên nghiệp hơn nữa, chủ động tuyên truyền kịp thời qua các phương tiện (ngay cả qua hệ thống loa đài của các phường) để người dân có thể nắm được thông tin nhanh nhất, hiểu được nguyên nhân, cách thức giải quyết và các khuyến nghị của ngành Điện. Từ đó, khách hàng mới có thể chia sẻ, sử dụng điện hợp lý, phối hợp với ngành Điện trong việc giữ gìn sự an toàn và ổn định của lưới điện.

Đối với các giải pháp trung hạn và dài hạn, Lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu từ công ty điện lực, các điện lực, các chi nhánh điện cho đến các tổ điện năng phải nắm sát sao tình hình tăng trưởng phụ tải của khu vực quản lý, từ đó xây dựng các kế hoạch nâng cao năng lực của hệ thống phân phối điện một cách phù hợp nhất; nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi xây dựng các công trình điện hạ thế. Công ty điện lực cũng cần đẩy mạnh việc mua sắm các thiết bị dự phòng để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố; đồng thời phân cấp hợp lý hơn về việc đầu tư mua sắm trang thiết bị để các điện lực tăng cường sự chủ động trong công việc. Các công trình nguồn và lưới đồng bộ cần phải gấp rút hoàn thành đúng và vượt tiến độ đề ra, nhằm nâng cao độ an toàn cung cấp điện cho Thủ đô…

Từ việc cung cấp điện trong những ngày nắng nóng vừa qua, không chỉ riêng đối với Công ty Điện lực Hà Nội mà các công ty điện lực trong toàn quốc cũng cần rút kinh nghiệm kịp thời, có tinh thần cầu thị để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, không để ảnh hưởng đến uy tín chung của toàn Tập đoàn trong nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và sinh hoạt của nhân dân.

Theo: Tạp chí Điện lực