Sự kiện

PC1 với công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Khó, nhưng không … bó giải pháp

Thứ tư, 15/7/2009 | 10:12 GMT+7
 

Năm 2008, trong số 556 xã mà 7 Công ty Điện lực đã tiếp nhận thì riêng Công ty Điện lực 1 (PC1) tiếp nhận 413 xã. Năm 2009 được EVN giao tiếp nhận 1.770 xã, nhưng PC 1 quyết tâm vượt chỉ tiêu với con số 2.000 xã. Điều đó thể hiện nỗ lực của Công ty Điện lực 1 trong việc thực hiện chỉ đạo của EVN về công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp  nông thôn.

1001 lý do trì hoãn bàn giao…

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng PC1 đã đưa ra các giải pháp đồng bộ để thực hiện công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn.  Ảnh: Ngọc Cảnh
Trong quá trình thực hiện, Công ty Điện lực 1 đã gặp không ít khó khăn, mà trở ngại lớn nhất là từ các địa phương. Có 1001 lý do khiến các tổ chức, đơn vị chậm trễ bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành Điện.

Đa phần lưới điện các nơi được xây dựng bằng nguồn vốn HTX và nhân dân đóng góp, qua thời gian sử dụng lâu nên cũ nát, không đảm bảo an toàn cung cấp điện, bán kính cấp điện lại lớn khiến tổn thất điện năng và điện áp cao. Đơn cử tại Bắc Giang, lưới điện hạ áp nông thôn được hình thành từ nhiều nguồn, xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau và không được tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên, nên không đủ tiêu chuẩn vận hành, mức độ tái sử dụng được chỉ khoảng 15-20%. Do đó, công tác xác định giá trị tài sản theo đơn giá tổng hợp do liên ngành Công Thương - Tài chính - Xây dựng quy định khó có thể thực hiện. Cách tháo gỡ là dựa vào sự thoả thuận giữa các bên, song để tìm được “tiếng nói chung” về vấn đề này không đơn giản.

Hay ở Phú Thọ, vướng mắc lại đến từ những người kinh doanh điện. Có 2 hình thức quản lý lưới điện ở đây là: Ngành Điện bán trực tiếp đến hộ sử dụng (gồm các hộ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại 48 xã, phường, thị trấn. Còn lại 253 xã áp dụng hình thức bán điện qua công tơ tổng. Với hình thức này, người sử dụng điện phải chịu thiệt thòi vì giá bán cao, điện áp không ổn định, phải đầu tư nhiều. Nhưng chính điều đó lại mang lại lợi ích cho một bộ phận cá nhân, tổ chức kinh doanh tại địa phương nên họ tìm cách làm chậm trễ quá trình bàn giao.

… nhưng không lùi bước

Trong cái khó, Công ty Điện lực 1 đã đưa ra những giải pháp đồng bộ để giải quyết bài toán “bàn giao”, chỉ đạo Điện lực các địa phương thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; phân tích, rút kinh nghiệm; hoàn thiện thủ tục, cơ chế trong quá trình thực hiện. Tại những địa phương đã tiếp nhận, Công ty ưu tiên thực hiện kí hợp đồng mua bán điện với toàn bộ khách hàng mới, kiểm định công tơ, xử lý các yêu cầu tối thiểu về lưới điện… nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành; nâng cao chất lượng điện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn…

Những công tác trên đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiếp nhận. Đến nay, hầu hết các tỉnh trên địa bàn quản lý của Công ty đã có văn bản chỉ đạo về chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho Điện lực như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Lai Châu, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng…Riêng Thanh Hoá – một “điểm nóng” trong công tác tiếp nhận của Công ty Điện lực 1 cũng đã có văn bản đồng ý bàn giao đợt 1 gồm 44 công trình do các HTX quản lý không đảm bảo các tiêu chí của Bộ Công Thương cho Điện lực. Tổng kết 5 tháng đầu năm 2009, Công ty Điện lực 1 đã tiếp nhận toàn bộ 609 xã. Số xã đã kí xong hợp đồng mua bán điện là 874 xã, đạt 85% kế hoạch năm 2009.

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực 1 cũng đã triển khai ngay công tác cải tạo tối thiểu các công trình lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận. Dự kiến tổng số vốn đầu tư cho công tác cải tạo của toàn bộ chương trình tiếp nhận là khoảng 2.093 tỷ đồng, trong đó riêng kế hoạch năm 2009 là 1.451 tỷ đồng. Đến tháng 5/2009, Công ty Điện lực 1 đã phê duyệt phương án đầu tư cho 655 công trình cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận cho 846 xã của 21 điện lực, với tổng mức đầu tư là 682 tỷ đồng. Đến nay, Công ty đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2009 cho 265 công trình của 9 Điện lực (Nam Định, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Lạng Sơn, Hoà Bình và Hà Giang), và hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng ứng với giá trị kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2009 là 215,8 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2009, Công ty Điện lực 1 đã tiếp nhận 609 xã, với khối lượng 543.268 công tơ 1 pha, 13.263 công tơ 3 pha, 6.741 km đường dây hạ áp. Tổng giá trị tài sản còn lại khi tiếp nhận của 609 xã là 120,7 tỷ đồng. Lũy kế năm 2008 và 2009, toàn Công ty tiếp nhận được 1.022/3.279 xã, đạt 31,1 % tổng khối lượng năm.

Theo: Tạp chí Điện lực